Black Friday (năm nay vào ngày 23/11) đã lan rộng ra khắp thế giới, trở thành ngày hội mua sắm khổng lồ với hàng loạt sản phẩm giảm giá, thu hút lượng lớn khách hàng tới các trung tâm thương mại và vài năm gần đây là cả các gian hàng trực tuyến.
Dưới đây là những hình ảnh về ngày Black Friday tại các nước như Tây Ban Nha, Canada, Anh... và cả những phiên bản "Black Friday" của nhiều nước, theo Business Insider.
Black Friday được xem là một trong những ngày hội mua sắm lớn nhất và giảm giá sâu nhất trong năm tại Mỹ.
Đây được xem là ngày khởi động mùa mua sắm lớn nhất năm. Ngày này thường gắn liền với những mặt hàng giảm giá mạnh và đám đông chen lấn tại các trung tâm thương mại.
Dù vài năm gần đây, nhiều hãng bán lẻ bắt đầu khai thác hình thức bán hàng trực tuyến cho ngày Black Friday, hầu hết vẫn cố gắng thu hút khách tới các cửa hàng của mình sau đêm lễ Tạ ơn (ngày thứ 5 thứ ba của tháng 11) với việc tung ra những mặt hàng với giá "sốc" nhất mùa mua sắm.
Black Friday trở nên phổ biến đến nỗi ăn sâu vào văn hóa, kể cả tại nhiều nước không có ngày lễ Tạ ơn...
...như Tây Ban Nha.
Các hãng bán lẻ Tây Ban Nha như Zara và Mango có doanh thu tăng tới 35% trong tuần lễ có ngày Black Friday năm 2017 so với năm trước.
Black Friday cũng là ngày hội mua sắm lớn tại Brazil. Người tiêu dùng tranh nhau mua các thiết bị điện tử giảm giá như TV vào ngày này.
Dù không có ngày Black Friday, Mexico có ngày lễ mua sắm El Buen Fin (The Good Weekend) diễn ra vào cùng thời điểm. Tuy nhiên mức giảm giá hàng hóa trong ngày El Buen Fin không lớn như Black Friday. Một số hãng bán lẻ chỉ giảm giá 50%.
Amazon đã mang ngày Black Friday tới Anh vào năm 2010. Ngày này trở thành một trong những ngày hội mua sắm lớn nhất tại nước này.
Các cửa hàng tại Anh bắt đầu tung ra những mặt hàng giảm giá dịp Black Friday trong tháng 11. Cũng giống như ở Mỹ, những người săn hàng giảm giá tại Anh cũng tranh giành khá quyết liệt để mua được hàng giá rẻ vào ngày này.
Năm 2014, cảnh sát đã được gọi tới nhiều cửa hàng trên khắp nước Anh khi việc săn hàng giá rẻ ngày Black Friday trở thành những "cuộc bạo loạn nhỏ".
Dù Black Friday ngày càng trở nên phổ biến, Boxing Day - diễn ra vào ngày sau Giáng Sinh. Năm 2015 - vẫn là ngày hội mua sắm lớn tại Anh. Năm 2015, người Anh chi khoảng 4,8 tỷ USD vào ngày Boxing Day, trong khi doanh thu ngày Black Friday là 2,6 tỷ USD.
Không giống Black Friday, Boxing Day là ngày quốc lễ tại Anh, Canada, Australia, và Nam Phi cùng nhiều nơi khác từng là có mối liên hệ với Anh trong lịch sử.
Vào ngày này, người dân được nghỉ làm và đổ xô tới các trung tâm thương mại để mua hàng giảm giá.
Những hình ảnh như thế này khá giống với ngày Black Friday tại Mỹ. Ngày Boxing Day, người Anh thường chuộng tới các cửa hàng hơn là mua sắm trực tuyến. Dù vậy, mua sắm trực tuyến đang dần trở nên phổ biến hơn vào ngày này.
Tại Ấn Độ, người mua sắm có xu hướng tìm hàng giảm giá trên Amazon vào ngày Black Friday. Trong đó, thiết bị điện tử là một trong những mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất.
Tuy nhiên, Black Friday tại Ấn Độ gần như chỉ thu hút khách hàng trực tuyến, chứ không mấy phổ biến tại các cửa hàng. Ngày hội mua sắm chính của nước này là vào dịp lễ hội ánh sáng Diwali.
Lễ hội này cũng là sự kiện mua sắm khổng lồ với những người tham gia.
Người dân mua sắm nhiều nhất vào ngày đầu tiên (Dhanteras) của lễ hội.
Hàng nghìn người đổ xuống đường phố tại Ấn Độ để mua sắm quần áo, trang sức... giảm giá. Trong đó, nhiều người mua vàng và bạc vào ngày này bởi mua những trang sức, bát đĩa, gương bằng vàng, bạc trong lễ hội Diwali được xem là sẽ mang lại may mắn.
Ngành thương mại điện tử Ấn Độ, dẫn đầu là Amazon và Flipkart của Walmart, được dự báo đạt doanh thu 3 tỷ USD chỉ trong 5 ngày lễ hội Diwali. Con số này là không hề nhỏ so với 8 tỷ USD doanh thu trực tuyến vào ngày Black Friday và lễ tại ơn tại Mỹ năm ngoái.
Cũng giống Ấn Độ, các hãng bán lẻ Trung Quốc cũng không rầm rộ tung hàng giảm giá vào ngày Black Friday. Thay vào đó, người Trung Quốc có ngày hội mua sắm lớn hơn vào ngày lễ Độc thân (Singles' Day), diễn ra vào ngày 11/11.
Khơi mào sự kiện này vào năm 2009 là hãng thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma.
Đến nay, đây là sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới, vượt qua Black Friday về doanh thu. Năm 2016, doanh thu ngày này của Alibaba là 18 tỷ USD và tăng lên gần 31 tỷ USD vào năm nay.
Ngoài Alibaba, nhiều hãng bán lẻ trực tuyến khác như JD.com cũng tung ra loạt hàng giảm giá tới 70% vào Singles' Day.
Alibaba cũng có kế hoạch mở rộng sang bán lẻ truyền thống kiểu mới, vì vậy Singles' Day tại Trung Quốc trong vài năm tới có thể sẽ diễn ra trong không khí "hỗn loạn" tương tự như ngày Black Friday tại các cửa hàng ở Mỹ.