Chưa bao giờ, người dân trên toàn thế giới lại nghẹn ngào, bâng khuâng xen chút buồn bã khi cái ngày một Tổng thống Mỹ rời Nhà Trắng lại gần tới thế. Và có lẽ, lâu lắm rồi người ta mới lại nhắc đến cụm từ "Di sản của ông Obama" nhiều như vậy.
Suốt gần một thập kỷ với 2 nhiệm kỳ, ông Barack Obama đã xây lên hình tượng một vị chính khách gần gũi, thân thiện, một Tổng thống mà Nhà Trắng luôn rộng cửa đón tiếp người dân. 8 năm cho một hành trình - kẻ khen, người chê có nhưng không thể phủ nhận, ông Barack Obama đã để lại những di sản cho các thế hệ người dân Mỹ còn nhắc tới mãi về sau.
Ngày ông Barack Obama rời đi, có lẽ nỗi buồn nghẹn ngào nhất đến từ những người LGBT. Bao nhiêu năm đấu tranh cho quyền của những người đồng tính, song tính và chuyển giới; ông Obama và hàng triệu người dân Mỹ cũng chờ tới ngày phán quyết của Tòa án Tối cao đưa ra, hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trên toàn nước Mỹ.
"Còn rất nhiều trận chiến phía trước, nhiều suy nghĩ và nhận thức cần phải thay đổi. Chừng nào còn một em nhỏ trên nước Mỹ lo sợ sẽ không ai chấp nhận con người thật của mình, chừng đó ta còn phải nỗ lực rất nhiều".
Hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính: từ nước Mỹ lan ra toàn cầu
Mỹ không phải quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính nhưng chắc chắn, cái ngày 26/6/2015, khi Tòa án tối cao quốc gia Mỹ thông qua điều luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới với 4/5 phiếu thuận, sẽ mãi ghi vào lịch sử của "Thời đại Obama".
Và người ta đã thấy lá cờ 6 sắc tung bay đầy tự hào trước cửa Nhà Trắng, Tòa án tối cao Mỹ trong niềm vui và nước mắt. Từ Washington D. C., những cuộc tuần hành rầm rộ diễn ra trên toàn thế giới, biến năm 2015 trở thành một cột mốc đáng nhớ cho cộng đồng LGBT trên toàn thế giới.
Lá cờ cầu vồng tung bay trước Tòa án Tối cao Mỹ.
Là một siêu cường trên thế giới với sức ảnh hưởng lớn, việc Mỹ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đã thắp lên ngọn lửa hy vọng trên khắp 5 châu.
Ông Obama đã dám làm điều mà không một Tổng thống Mỹ nào trước đó dám thực hiện. Ở đất nước mà cho tới năm 1960, đồng tính vẫn được coi là bệnh; tới năm 2003, các bang mới lần lượt bỏ hình phạt quan hệ đồng tính, con đường mang lại quyền bình đẳng cho họ không phải là dễ dàng.
Nhưng ông Obama đã làm được, một thắng lợi với công lớn thuộc về Tổng thống Barack Obama. Suốt bao năm ròng, ông luôn ủng hộ phong trào của cộng đồng LGBT trên toàn nước Mỹ.
"Quyền tự do hôn nhân là quyền công dân của tất cả mọi người. Tôi xin cam kết rằng mỗi người dân Mỹ sẽ được đối xử công bằng trước pháp luật".
Và còn nhiều hơn như thế...
Nhưng ít ai biết rằng, "di sản" ông Barack Obama để lại cho cộng đồng LGBT không chỉ là những nỗ lực để đạo luật về hôn nhân đồng tính được Tòa án Tối cao Mỹ thông qua. Vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã làm được nhiều điều hơn thế.
Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực trong việc bãi bỏ lệnh cấm những người đồng tính công khai phục vụ trong quân đội Mỹ và sau đó, Bộ Quốc Phòng đã cho phép những người chuyển giới tham gia trong quân đội.
Dưới thời ông Barack Obama, có rất nhiều các nhân viên dưới quyền ông là những người đồng tính, song tính và chuyển giới. Từ giám đốc của Google Megan Smith, Giám đốc công nghệ nước Mỹ năm 2014; Dave Noble, trợ lý riêng của ông Obama cho tới Eric Fanning, người đồng tính công khai đầu tiên giữ chức tham mưu lục quân Hoa Kỳ.
Tình yêu có thể chiến thắng tất cả.
Ông Obama không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng LGBT trên toàn nước Mỹ mà còn đem lại niềm hạnh phúc cho những người đồng tính, song tính và chuyển giới trên toàn cầu. Quỹ Global Equality được ông Obama phát động là một phần trong những nỗ lực để quyền của cộng đồng LGBT được quan tâm nhiều hơn trong USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ).
Dường như những nỗ lực đó của ông Obama vẫn chưa bao giờ dừng lại trong suốt 8 năm. Tổng thống đã cho phép các công dân Mỹ có quyền khai trên hộ chiếu hay các giấy tờ hợp pháp về bản dạng giới của họ, không phải giới tính sinh học mà không cần phải chứng minh đã phẫu thuật. Ông cũng đã đưa ra những hướng dẫn cho các nhà trường về việc cho phép sinh viên sử dụng nhà vệ sinh theo đúng bản dạng giới của các em.
Và với người dân Mỹ, cái ngày Stonewall - nơi khởi đầu cho phong trào đấu tranh cho quyền của người đồng tính, được vinh dự trao tặng danh hiệu di tích quốc gia, đó là một sự công nhận lớn lao hơn bất cứ lời nói.
"Tôi tin rằng những công viên quốc gia trên toàn nước Mỹ nên phản ánh toàn cảnh lịch sử đất nước, sự giàu có, đa dạng cũng như tinh thần nước Mỹ riêng biệt mà đã làm nên đất nước này", đó là những lời ông Obama đã phát biểu lúc bấy giờ.
Những dặm dài phía trước sẽ ra sao?
Đi cùng với niềm vui là bao nỗi buồn dành cho cộng đồng LGBT trên toàn nước Mỹ và thế giới. Dù ông Obama đã cố gắng rất nhiều để đưa ra nhiều quyền lợi nhằm bảo vệ cộng đồng LGBT, các vụ việc thương tâm vẫn diễn ra hàng ngày: tấn công thể xác, bạo hành tinh thần, xúc phạm nhân phẩm... đó là vô số nỗi đau mà cộng đồng LGBT vẫn phải chịu.
Và khi tiếng súng tại hộp đêm Pulse, Orlando rền vang, cướp đi sinh mạng của 49 người LGBT trong một đêm hè, người ta mới nhận ra rằng sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa, nhiều Tổng thống Obama hơn nữa; không phải chỉ tại nước Mỹ mà trên toàn thế giới.
Con đường dành lại quyền cho người đồng tính là một con đường còn nhiều khó khăn phía trước. Quyền của người đồng tính chính là quyền con người, và họ xứng đáng có được điều đó. Dưới thời ông, những người yếm thế đã có tiếng nói, hạnh phúc con người đã thực sự được thổi bùng với niềm tin ngày mai tươi sáng.
Ông Obama rời Nhà Trắng không phải là một sự kết thúc. Đó là một sự chuyển tiếp để những nhà hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBT, các nhà lãnh đạo trên thế giới và chính mỗi chúng ta tiếp tục nỗ lực và mang lại một thế giới công bằng; nơi tình yêu trở thành thứ kết nối con người, không phải giới tính, xu hướng tính dục hay bất cứ thứ gì khác.
"Mỗi người trẻ đều xứng đáng được trân trọng và yêu thương, dù các em là ai, trông như thế nào hay bản dạng giới ra sao".
Cảm ơn ông Barack Obama và những gì ông đã mang lại cho cộng đồng LGBT trong suốt thời gian qua. Rồi có ngày, lá cờ cầu vồng sẽ lại tung bay trước cửa Nhà Trắng, trên khắp con đường nước Mỹ và trên khắp hành tinh này.