Ở nước ta, ung thư là một bệnh lý đang tăng cao. Theo thống kê vào năm 2018, Việt Nam có khoảng 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Một trong những cách ngừa bệnh ung thư hiệu quả là thay đổi thói quen sống, đặc biệt là thói quen nấu nướng.
Ăn uống là nhu cầu cơ bản và hết sức tự nhiên của con người. Giống như một chu kỳ lặp lại, hàng ngày chúng ta sẽ cảm thấy đói và có nhu cầu được ăn bổ sung dinh dưỡng. Nấu ăn tại nhà tuy là giải pháp cho sự an toàn và độ bổ dưỡng nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là gây bệnh ung thư nếu nấu nướng sai cách. Dưới đây là một số sai lầm trong gian bếp mà các gia đình Việt thường mắc phải.
Một nghiên cứu từ các chuyên gia Trung Quốc vào năm 2016 cho thấy những phụ nữ nấu ăn không bật máy hút mùi có khả năng mắc ung thư phổi cao hơn những người có sử dụng thiết bị này.
Nhắc đến bệnh ung thư phổi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thói quen hút thuốc nhưng sự thật là khói bếp cũng là một trong những tác nhân gây bệnh. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc WHO đã xếp khói bếp vào nhóm chất gây ung thư 2A - nhóm các hợp chất "có thể gây ung thư trên người" cùng với thịt đỏ.
Nhắc đến bệnh ung thư phổi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thói quen hút thuốc nhưng sự thật là khói bếp cũng là một trong những tác nhân gây bệnh.
Ngoài khói bếp, khói dầu ăn cũng rất nguy hiểm. Theo QQ (TQ), dầu ăn khi được đun nóng có thể tạo ra khoảng 200 chất có hại bao gồm các chất dạng hạt có đường kính khác nhau như hydrocacbon thơm đa vòng, formaldehyde và các chất ô nhiễm hữu cơ dễ bay hơi. Khói dầu ăn đã được chứng minh có thể gây tổn thương DNA và có nguy cơ ung thư . Tiếp xúc với khói dầu nhiều, con người có thể có nguy cơ bị ung thư phổi và ung thư vòm họng...
Cách làm đúng được các chuyên gia khuyến cáo khi nấu ăn là sử dụng máy hút mùi trước và cả sau khi nấu ăn khoảng 10 phút để đảm bảo khói được hút ra hết. Nếu nhà nào không có máy hút mùi thì nên mở cửa sổ cho thông thoáng gian bếp. Đồng thời, những người có đường hô hấp và da đặc biệt nhạy cảm có thể đeo khẩu trang khi nấu nướng, hoặc thậm chí rửa mặt kịp thời sau khi nấu ăn để bảo vệ da mặt.
Trong gian bếp của người Việt, dầu ăn là một trong những loại nguyên liệu nhất định phải có. Để đảm bảo an toàn, nhiều gia đình lựa chọn các loại dầu ăn tự ép. Nhưng trên thực tế, một số loại dầu tự ép giá rẻ, bán trôi nổi trên thị trường thường rất có thể được sản xuất từ nguyên liệu kém chất lượng, bị mốc để giảm bớt chi phí. Đây chính là nguyên nhân khiến dầu ăn tự ép có thể chứa aflatoxin - một độc tố có khả năng gây ra bệnh ung thư gan.
Đồng thời, dầu tự ép cũng không thể bảo quản được lâu có thể sản sinh nấm mốc bất cứ lúc nào. Tốt nhất các gia đình nên lựa chọn dầu ăn ở những thương hiệu uy tín, được kiểm định về độ an toàn.
Thói quen tái sử dụng dầu ăn cũng vô cùng nguy hiểm bởi dầu ăn khi được chiên rán nhiều lần hoặc sử dụng ở nhiệt độ cao sẽ gây bốc khói dầu. Theo PGS.TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y Tế): Dầu ăn bị bốc khói nghĩa là đang bị phân hủy, bị oxy hóa và sẽ hình thành các hợp chất độc như aldehyde và lipid-peroxide. Trong đó aldehyde là chất độc gây ung thư, bệnh tim mạch, mất trí nhớ, dị dạng thai nhi, tăng huyết áp khi ăn hoặt hít phải dù lượng ít.
Chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, mỗi loại dầu ăn đều có điểm bốc khói khác nhau. Sau mỗi lần tái sử dụng thì nhiệt độ bốc khói của dầu ăn sẽ giảm dần vì vậy điều tốt nhất là không nên dùng dầu ăn đã chiên đi chiên lại.
Khẩu vị người Việt khá đậm đà, được nêm nếm bằng muối, nước mắm... vì thế nhiều thống kê cho thấy lượng muối tiêu thụ của người Việt trưởng thành khá lớn, khoảng 9,4g muối mỗi ngày - gấp 2 lần so với khuyến nghị của WHO.
Thói quen ăn quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác.
Theo Cục Y tế dự phòng: Thói quen ăn quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Các chuyên gia khuyến cáo, người Việt nếu muốn thay đổi thói quen nạp nhiều muối thì nên giảm lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn. Đồng thời, hãy hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn trong khi ăn; hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên.