Tôi nhớ đã đọc được một câu phát biểu có đại ý là "Cuộc đời chính là sự lựa chọn". Bạn muốn cuộc đời đi theo hướng nào thì cuộc đời sẽ đi theo hướng đó. Quả thật như vậy, mỗi khi có chuyện gì đó xảy ra, chúng tôi luôn có lựa chọn rẽ trái hay phải, hay dừng lại hoặc làm tiếp. Sau mỗi lựa chọn đó thì cuộc đời chúng ta cũng xoay vần giống như vậy.
Tôi là một chàng trai sống trong sự bảo bọc kỹ lưỡng của mẹ. Lần đầu tiên tôi tự giặt đồ đã được xem như một cuộc cách mạng. Sống trong một môi trường rất an toàn nên từ nhỏ đã tạo cho bản thân ý chí bứt phá, dám nghĩ dám làm. Dĩ nhiên do được che chắn quá kỹ nên những nỗi sợ sệt vẫn luôn bao trùm. Dẫu sợ sệt nhưng vẫn muốn khám phá thế giới.
Dy Khoa tham quan Bắc Kinh (Trung Quốc)
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi diễn ra rất hài hước do chính sự bảo bọc tiếp tay cho sự trẻ con. Cách đây hơn chục năm, thay vì chạy xe máy thẳng từ TP HCM về quê thì tôi đã chuyển tay lái về hướng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ( Tây Ninh ), giáp biên giới Việt Nam - Campuchia.
Do không biết thủ tục hành chính, tôi lao thẳng qua bên kia nước bạn. Nhân viên xuất nhập cảnh Campuchia mắng "chưa xuất cảnh Việt Nam sao vào Campuchia". Tôi lúi húi về đầu Việt Nam xin xuất cảnh. Chú cán bộ cửa khẩu bên mình dễ thương và đóng dấu cho qua.
Một chợ đêm ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: Dy Khoa
Cố đô Ayutthaya (Thái Lan). Ảnh: Dy Khoa
Một ngôi chợ Đài Bắc (Đài Loan). Ảnh: Dy Khoa
Sau khi hoàn tất thủ tục, tôi chạy một mạch đến thủ đô Phnom Penh. Lúc đó, tôi mới nhấc máy gọi thông báo cho mẹ đã qua nước bạn. Tôi biết nếu thông báo trước chắc chắn mẹ sẽ cản vì lo cho con mình. Với tôi đó là sự lựa chọn thật sự cách mạng, làm thay đổi suy nghĩ của tôi rất nhiều về cuộc sống đầy màu sắc.
Sau 10 năm, hết thời hạn của cuốn hộ chiếu cũ thì nó cũng kịp lấp đầy bởi những con dấu xuất nhập cảnh, tôi may mắn được đến kha khá nước trên thế giới; từ Châu Á, Âu đến xa xôi như Châu Đại Đương. Mỗi chuyến đi lại cho tôi những bài học về cuộc sống, về cách ứng xử xã hội.
Trong thời gian ở nhà vì đại dịch hồi năm ngoái, tôi và mẹ nhẩm tính số tiền đã chi cho cả hành trình nội địa lẫn quốc tế mà bản thân đã đi qua. Con số nó khủng khiếp đến mức bằng đúng một căn hộ cao cấp gần trung tâm TP.HCM. Điều đó đồng nghĩa tôi suýt trở thành một tỷ phú bất động sản nhưng hiện chỉ là một tỷ phú của những kỷ niệm, những trải nghiệm quý giá mà không phải bất kỳ ai cũng có.
Một buổi chiều tại Paris (Pháp). Ảnh: Dy Khoa
Đền Taj Mahal (Ấn Độ). Ảnh: Dy Khoa
Đường phố Manila - thủ đô của Philippines. Ảnh: Dy Khoa
Một góc nước Pháp. Ảnh: Dy Khoa
Nếu bây giờ hỏi lại tôi có tiếc vì đã chi số tiền quá lớn cho chuyện du lịch hay không thì tôi xin khẳng định rằng không. Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ nếu cho tôi được ở giữa không gian bao la của biển trời và bốn vách tường thô kệch thì tôi vẫn chọn những chuyến đi.
Trước khi có những chuyến đi, tôi là một người có tư duy khá đóng dù bề ngoài rất quảng giao. Tôi luôn có đặt ra những nguyên tắc để tôi và những người xung quanh vận hành nó. Việc này quả thực rất áp lực.
Đến khi đi qua nhiều vùng văn hóa, tôi nhận ra rằng cuộc sống này vốn dĩ rất đa dạng. Những nguyên tắc bạn đã ra tại một nơi, một điểm chưa chắc đã phù hợp ở vùng đất khác. Cởi được cái áo bao trùm não bộ sáng tạo khiến tôi sáng tạo tốt hơn và phục vụ cho các công việc được tốt hơn. Tài chính được cải thiện vì nơi nào tôi cũng thích nghi được, ai tôi cũng có thể tiếp xúc được.
Thủ đô Wellington của New Zealand. Ảnh: Dy Khoa
Nếu được lựa chọn, tôi vẫn chọn những chuyến đi. Ảnh: Dy Khoa
Những người trên hành trình tôi từng gặp vô tình trở thành những người giúp đỡ cho các công việc của tôi sau này. Người bạn thạc sĩ phim ở Trung Quốc giúp tôi kiến thức về phòng phim Đại lục, người bạn tại Singapore là cầu nối với các đơn vị ở đảo quốc... Nhờ những mối quan hệ này mà tôi lại có những công việc hợp tác thú vị, nếu không đi ra ngoài chắc chắn sẽ không có. Tôi thầm cảm ơn và biết ơn họ rất nhiều.
Và nhất là sau những chuyến đi, tôi lại có thêm một gia đình ở Indonesia. Đây như gia đình thứ hai.
Tôi hào hứng với những chuyến du lịch hơn là đi xem nhà. Không nói trước được gì cả, biết đâu sự lựa chọn lại thay đổi khi phải đứng trước lựa chọn mới.