Theo thông tin từ tờ Red Star News (Trung Quốc), vào lúc 13 giờ ngày 28/8, Tiểu Bính đã được khẩn cấp chuyển đến Khoa Y tế chăm sóc đặc biệt thuộc Bệnh viện Nhân dân số 3 Thành Đô để điều trị. Khi nhập viện, cậu có triệu chứng sốc nặng, huyết áp chỉ 65/32 mmHg, nhịp tim 168 nhịp/phút, nhịp hô hấp 45 nhịp/phút, độ bão hòa oxy máu chỉ 70%, phân suất tống máu chỉ là 20%...
Thức khuya chơi game, nam sinh rơi vào tình trạng nguy kịch (Ảnh: Red Star News)
Trước tình trạng nguy kịch của nam sinh, bác sĩ chẩn đoán ban đầu bệnh nhân bị viêm cơ tim, sốc tim, kết hợp với viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng và nhiễm trùng huyết.
Bác sĩ cho biết, bệnh viêm cơ tim tối cấp thường xảy ra ở những người trẻ tuổi và nó được đặc trưng lâm sàng bởi một tình trạng nguy hiểm, khởi phát nhanh chóng là rối loạn nhịp tim nặng, suy tim và sốc tim, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 80%.
Sau nhiều cuộc thảo luận của một nhóm bác sĩ đa khoa bao gồm Khoa Y tế chăm sóc đặc biệt, Khoa Y học Tim mạch, Khoa Truyền nhiễm, Khoa Tiêu hóa và Khoa Thận, họ đã đồng ý rằng kỹ thuật Trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) là cách duy nhất để cứu sống Tiểu Bính.
Sau khi trao đổi đầy đủ với gia đình và được sự đồng ý, đội ngũ ECMO của Khoa Y tế chăm sóc đặc biệt ngay lập tức bắt đầu điều trị. Dưới sự nỗ lực chung của nhiều bác sĩ, chỉ trong 5 ngày, chức năng tim của Tiểu Bính đã được phục hồi. Ba mươi ngày sau khi bệnh khởi phát, cậu đã bình phục và được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt mà không để lại di chứng gì. Ngày 12/10, Tiểu Bính đã bình phục và được xuất viện.
Hiện nam sinh đã bình phục (phải)
Bác sĩ cho biết Tiểu Bính thường xuyên thức khuya chơi game, sinh hoạt hàng ngày vô cùng thất thường, đây chính là nguyên nhân khiến cậu bị "suy sụp sức khỏe" và dẫn đến viêm cơ tim.
Bác sĩ nhắc nhở, làm việc quá sức, lười vận động, ăn uống không điều độ trong thời gian kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa, nội tiết và hệ miễn dịch của cơ thể. Từ đó, có thể khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây bệnh. "Ngay cả lứa tuổi thanh thiếu niên, việc làm việc và nghỉ ngơi không đều đặn trong thời gian dài vẫn có thể gây ra những tổn thương không thể khắc phục cho cơ thể".
Trong y học, định nghĩa về thức khuya vẫn còn nhiều tranh cãi, chủ yếu là do sự khác biệt của từng cá nhân trong đồng hồ sinh học. Nhưng người ta thường tin rằng 9 đến 11 giờ tối là thời gian hệ thống miễn dịch của con người phục hồi. Nếu phải quy định thời gian thức khuya cụ thể thì xét từ góc độ nhịp sinh học và nội tiết, nhìn chung, còn thức sau 23 giờ được coi là thức khuya.
Thức khuya thường xuyên có thể gây ra những tác hại sau đối với cơ thể con người:
- Ảnh hưởng đến tim mạch: Thức khuya sẽ làm tăng huyết áp, hoặc làm huyết áp dao động lớn, nhất là đối với bệnh nhân cao huyết áp, có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm như xuất huyết não.
- Ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch: Ngủ ngon có thể nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, thức khuya sẽ khiến khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm, dễ sinh bệnh như cảm lạnh... Nếu thức khuya trong thời gian dài sẽ dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, giảm sản sinh các yếu tố miễn dịch sẽ sinh ung thư.
- Ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết: Đối với phụ nữ, thức khuya có thể khiến chức năng buồng trứng suy giảm và lão hóa sớm cũng như kinh nguyệt không đều.
- Ảnh hưởng đến da: Thức khuya sẽ gây hại cho da, khiến da dễ bị vàng sậm, đốm nâu, nốt ruồi, mụn bọc… ảnh hưởng đến ngoại hình.
- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Nhiều người thích ăn vặt khi thức khuya, và hầu hết các món ăn vặt đều chứa nhiều calo và đường. Trong quá trình ngủ, hormone giúp cơ thể phân hủy chất béo sẽ được tiết ra, nếu bạn thức khuya, hormone bài tiết sẽ bị rối loạn, ăn vặt đêm cũng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của hệ tiêu hóa, gây tích mỡ và dẫn đến béo phì.
- Ảnh hưởng đến gan: Ngủ đêm là thời gian tự sửa chữa của gan, nếu bạn thức khuya thì quá trình sửa chữa này sẽ bị ảnh hưởng và tế bào gan bị tổn thương, khi gan bị tổn thương cũng sẽ tác động xấu đến sức khỏe của toàn bộ cơ thể.
Nguồn và ảnh: ETToday, Sina