Mỹ: Cách tính điểm đại học “hoàn cảnh không thuận lợi” gây tranh cãi

Hải Vân, Theo TTXVN 21:40 17/05/2019
Chia sẻ

Cách đây 20 năm, Hội đồng thi tuyển đại học đã định áp dụng tính điểm “hoàn cảnh không thuận lợi” như vậy nhưng không triển khai được vì vấp phải sự phản đối của các trường. Năm 1999, sau khi hai bang California và Washington bỏ phiếu cấm ưu tiên tuyển sinh dưới mọi hình thức tại các trường công, Hội đồng thi tuyển đại học đã tạo ra một chương trình có tên gọi là “Vượt khó.”

Mỹ: Các tính điểm đại học “hoàn cảnh không thuận lợi” gây tranh cãi - Ảnh 1.

Những chính sách mới về giáo dục của Mỹ đang trở thành tâm điểm tranh cãi. (Nguồn: Relocate Magazine)

Quyết định của Hội đồng thi tuyển đại học (đại học) Mỹ cho phép áp dụng tính điểm “hoàn cảnh không thuận lợi” đối với các học sinh tham gia kỳ thi SAT (kỳ thi chuẩn hóa đánh giá năng lực đầu vào tuyển sinh đại học ở Mỹ) dựa trên điều kiện kinh tế, xã hội của gia đình học sinh đang trở thành tâm điểm tranh cãi ở nước này bởi nhiều người cho rằng như vậy có sự phân biệt về chủng tộc và tầng lớp trong tuyển sinh đại học.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng thi tuyển đại học của Mỹ có trụ sở tại New York chuyên tiến hành và giám sát thi SAT cho biết họ quyết định tính điểm “hoàn cảnh không thuận lợi” vào điểm xét tuyển bởi từ lâu đã quan ngại về tình trạng thu nhập không đồng đều giữa các gia đình ở Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến kết quả thi cử của học sinh.

Theo thống kê của Hội đồng, điểm thi SAT của học sinh da trắng trung bình cao hơn học sinh da đen khoảng 177 điểm và cao hơn học sinh gốc Mỹ Latin khoảng 133 điểm trong khi học sinh châu Á lại thường đạt điểm cao hơn học sinh da trắng khoảng 100 điểm. Số liệu cũng cho thấy con em của những gia đình giàu có và có trình độ đại học thường học tốt hơn các bạn cùng lớp.

Tuy nhiên việc tính điểm “hoàn cảnh không thuận lợi” vấp phải rất nhiều chỉ trích từ phía các học sinh và các phụ huynh bởi theo họ, “hoàn cảnh không thuận lợi” không chỉ là vấn đề chủng tộc hay giàu nghèo. Nhiều học sinh da trắng vẫn phải sống trong những hoàn cảnh bố mẹ không quan tâm, bị bạo hành tâm lý và phải tự lực cáng đáng mọi việc trong gia đình không ai biết và không ai chia sẻ.

Cách đây 20 năm, Hội đồng thi tuyển đại học đã định áp dụng tính điểm “hoàn cảnh không thuận lợi” như vậy nhưng không triển khai được vì vấp phải sự phản đối của các trường. Năm 1999, sau khi hai bang California và Washington bỏ phiếu cấm ưu tiên tuyển sinh dưới mọi hình thức tại các trường công, Hội đồng thi tuyển đại học đã tạo ra một chương trình có tên gọi là “Vượt khó.”

Chương trình “Vượt khó” đánh giá mức độ khó khăn, thử thách trong cuộc sống mà học sinh phải trải qua rồi đưa ra mức điểm SAT dự kiến mà học sinh trong những hoàn cảnh nhất định có thể đạt được, có tính đến yếu tố chủng tộc. Nếu học sinh đạt được điểm cao hơn mức điểm trung bình do Hội đồng thi tuyển đại học dự tính khoảng 200 điểm trở lên thì được coi là học sinh “Vượt khó.” Và bởi sinh viên thuộc các chủng tộc thiểu số ở Mỹ thường được “áp” mức điểm dự kiến thấp hơn cho nên lại dễ trở thành học sinh “Vượt khó” hơn.

Điểm “hoàn cảnh không thuận lợi” được tính dựa trên 15 yếu tố, bao gồm những yếu tố như tỷ lệ tội phạm và mức độ nghèo của trường trung học nơi học sinh đó theo học cũng như của khu phố nơi học sinh đó sinh sống. Các học sinh không được biết điểm này của mình nhưng các trường đại học được tiếp cận điểm số này của học sinh khi cân nhắc xét duyệt hồ sơ. Năm ngoái đã có 50 trường sử dụng thang điểm “hoàn cảnh không thuận lợi” trong xét duyệt tuyển sinh và Hội đồng thi tuyển đại học của Mỹ dự định sẽ nhân rộng cách tính này ở 150 trường đại học trong đợt tuyển sinh mùa Thu sắp tới và sau đó sẽ tiếp tục áp dụng rộng rãi ở nhiều trường hơn nữa trong năm tiếp theo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày