Đoạn video ghi lại một hoạt cảnh của hai nhân Chí Phèo và Thị Nở sau ngồi bên nhau sau đêm mặn nồng tại vườn chuối ven sông.
Trong giây phút xúc động, Chí Phèo và Thị Nở đã cất lời hát: "Đời cứ như này thì thích nhỉ/ Mình là vợ chồng vui quá đi/ Anh không rượu chè say sưa nữa/ Em không ngẩn ngơ vô tâm nữa/ Chúng ta muốn là người bình thường/ Chỉ đơn giản là người bình thường/ Ai chẳng muốn mình được yêu thương..."
Trên kênh TikTok @chipheothinonhackich, đoạn clip này bất ngờ trở nên viral và hút tới triệu views.
Ngay sau đó, video này gây bão khiến cho đông đảo khán giả trẻ yêu văn học Nam Cao thích thú:
"Cuốn quá, xem mà không dứt ra được".
"Câu 'mình là vợ chồng vui quá đi' dính cứng ngắc luôn. Trời ơi nó hay!".
"Ngồi nghe 'Chúng ta muốn là người bình thường/ Chỉ đơn giản là người bình thường' được hơn 30 phút rồi".
"Đoạn điệp khúc này hay ghê ý, em lặp đi lặp lại chục lần rồi".
"Trời đất ơi nó cuốn không muốn lướt đi luôn".
"Không biết coi lại đoạn này bao nhiêu lần rồi, nghe thấm…".
Nhiều khán giả trẻ thốt lên: "Giá mà ngày xưa có nhạc kịch hay như thế này sẽ không bỏ lỡ tiết văn nào". Họ cảm thấy được truyền cảm hứng với văn học hơn khi được xem nhạc kịch với chất liệu văn học như thế này.
Hóa ra, đây là một câu hát của ca khúc mang tên "Đời như này thích nhỉ" được thể hiện bởi ca sĩ Đông Hùng (thủ vai Chí Phèo), Hoàng Thái Phương (con gái nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền- thủ vai Thị Nở) trong vở nhạc kịch broadway đầu tiên của Việt Nam cảm tác từ tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
Ca khúc "Đời như này thích nhỉ" cũng là là 1 trong 20 ca khúc của vở nhạc kịch broadway Giấc mơ Chí Phèo được nhạc sĩ, NSX âm nhạc Dương Cầm phổ nhạc trên nội dung của biên kịch Đinh Tiến Dũng.
Có thể thấy, sức hấp dẫn của chất liệu văn học Việt Nam đối với khán giả trẻ, không chỉ trong phim điện ảnh, âm nhạc mà còn trong cả kịch và nhạc kịch. Vở nhạc kịch broadway đầu tiên của Việt Nam "Giấc mơ Chí Phèo" cho thấy sức hút của thể loại nhạc kịch đối với khán giả Việt.
Chia sẻ về điều này, NSX Dương Cầm cho biết, chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo khác như âm nhạc, điện ảnh, hội hoạ từ trước đến nay không còn là điều xa lạ. Việc kể chuyện văn học Việt bằng ngôn ngữ sân khấu phương Tây ở Việt Nam cũng không còn là hy hữu. Nhưng với loại hình nhạc kịch thì quả thực văn học là một "mỏ vàng" màu mỡ. Trên thế giới, các vở nhạc kịch nổi tiếng được cảm tác và chuyển soạn từ các tác phẩm văn học kinh điển đều được đón nhận và có những ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng khán giả. Có thể kể đến những tác phẩm như: Những người khốn khổ (Les Misérables) của văn hào Victor Hugo và vở nhạc kịch broadway cùng tên, Dreamgrils, Nữ bá tước Mariza (Grafin Mariza), …
Và một vở musical của Việt Nam theo ekip sản xuất chắc chắn sẽ phải là những thứ đẹp đẽ, là bản sắc của văn học, văn hoá, của con người Việt Nam.
Trong 90 phút, vở nhạc kịch với âm nhạc kể về cuộc đấu tranh khốc liệt của Chí Phèo với tấn bi kịch số phận. Chí Phèo với xuất thân và diện mạo bám sát với nguyên tác văn học. Tuy nhiên, Giấc mơ Chí Phèo không nặng nề về tâm lý và không đi sâu vào mô tả hiện thực đời sống của tầng lớp con người trong xã hội phong kiến, mà hướng tới yếu tố lãng mạn trong câu chuyện lứa đôi của Chí Phèo và Thị Nở.
Dương Cầm muốn tái hiện một tinh thần văn học qua góc nhìn nhân văn, thông qua âm nhạc để thể hiện một Chí Phèo "bình thường và thiện lương". Tôn vinh giá trị của tình yêu chân thành của con người dù có bị vùi dập bởi số phận, dù trong mọi hoàn cảnh, tình yêu luôn là sự cứu rỗi: "Ai cũng muốn mình là người bình thường, ai cũng muốn mình được yêu thương!"
Đây là dự án đầy tâm huyết được thực hiện sau nhiều năm ấp ủ, bởi bộ 3 quái kiệt: nhạc sĩ, NSX Dương Cầm, biên kịch Đinh Tiến Dũng và đạo diễn, NSƯT Phùng Tiến Minh tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.