Những MV khẳng định nữ quyền trong Kpop

FCH, Theo Trí Thức Trẻ 15:07 20/07/2014

Có những cái tên trong danh sách này sẽ làm bạn phải đặt câu hỏi: "Đây mà cũng là MV khẳng định nữ quyền à?".

Trong vài năm trở lại đây, sự xâm lược của concept kỳ quái trong Kpop đã ảnh hưởng không chỉ tới các boygroup mà còn cả các girlgroup. Việc một số girlgroup nói không với concept đáng yêu, dễ thương để chạy theo concept hầm hố, có phần nam tính khiến cho nhiều fan lầm tưởng rằng các MV của họ đang thể hiện nữ quyền. Thực tế thì khi soi vào nội dung ca khúc, người ta mới ngã ngửa rằng có không ít sản phẩm âm nhạc mà trong MV thì các cô nàng tỏ ra rất "gấu", rất bất cần trong khi ca từ thì lại sướt mướt, níu kéo đàn ông.

Vậy đâu mới là những MV khẳng định nữ quyền thực sự của Kpop?

"I Am The Best" MV - 2NE1

Nữ quyền đã được thể hiện ngay từ cái tên ca khúc: "I Am The Best". Những cô gái tài năng của YG đã cho ra lò một sản phẩm với MV độc và lạ mắt, giai điệu gây nghiện và lạ tai. Câu hát khẳng định "Tôi là nhất" cũng chẳng phải tiếng Anh, vậy nhưng có lẽ với sức ảnh hưởng rộng khắp của "I Am The Best", Kpop fan nào cũng có thể lẩm nhẩm lời hát phiên âm "naega jeil jal naga". 

"The Baddest Female" MV - CL

"Gái hư" CL của 2NE1 đã có một ca khúc khẳng định nữ quyền đầy mạnh mẽ trong lần đầu lên sàn solo. Tự tin, mạnh mẽ, dữ dội, cô nàng ong chúa biết rõ về thế mạnh cũng như sức quyến rũ của bản thân.

"Sixth Sense" MV - Brown Eyed Girls

Nhìn qua, "Sixth Sense" tưởng như là một MV về đề tài chiến tranh. Tuy nhiên, đây thực chất lại là một sản phẩm âm nhạc ẩn dụ về cuộc nổi dậy của các cô gái chống lại mọi sự áp bức mà xã hội đặt lên người phụ nữ.

"Bloom" MV - Gain

"Bloom"? MV giường chiếu của Gain thì liên quan gì đến nữ quyền? Không thể phủ nhận nội dung 19+ trong "Bloom", nhưng điểm khiến MV này trở nên khác biệt với những sản phẩm khiêu khích khác trong Kpop đó là ý nghĩa mà Gain muốn truyền tải. MV 19+ trong Kpop giờ có vô số, sao nữ ăn mặc mát mẻ để hút fan nam nhiều không đếm xuể, nhưng đã có ai dám thể hiện thông điệp "tôi là phụ nữ, tôi thích "chuyện ấy" và tôi thấy việc đó không có vấn đề gì cả" chưa? Không ai dám, trừ Gain

MV "Bloom" là góc nhìn của một cô gái trẻ về "lần đầu tiên" với những cảm xúc, cảm giác không hề bị che giấu để tránh sự đánh giá của dư luận và xã hội.

"I Don't Need A Man" MV - miss A

Có lẽ là không phải nói thêm gì về ca khúc này của các cô gái không-cần-đàn-ông miss A.

"Goodbye Baby" MV - miss A

"Goodbye Baby" là một sản phẩm nữ quyền toàn diện từ ca từ tới MV. Nội dung ca khúc có thể là những lời lẽ giận dữ, tiếc nuối vì đã yêu phải một tên đàn ông không ra gì, tuy nhiên MV lại là màn trả đũa khoái trá của các cô gái miss A

Cảnh nam chính ăn cherry, cười khả ố, tay cầm xúc xắc là hình ảnh ẩn dụ cho cách anh ta đối xử với những người phụ nữ trong tay mình: coi thường họ, coi họ như những món đồ. Đập lại đó là hình ảnh các cô gái "đảo chính", ngồi chễm chệ trên "ngai vàng" của gã đàn ông, nắm trong tay số phận của chính mình: ăn cherry, cầm xúc xắc.

"I Like That" MV - GLAM

Ca khúc hậu chia tay thông thường sẽ là một bản Ballad não nề, đau khổ, tuy nhiên "I Like That" lại là một bản Dance nói về những cảm giác thích thú khi có thể làm mọi thứ một mình.

"The White Horse Is Coming" MV - Sunny Hill

Sau "Sixth Sense" và "Goodbye Baby", "The White Horse Is Coming" cũng là một MV với nhiều hình ảnh ẩn dụ. Nhóm nhạc tài năng Sunny Hill đã mượn sản phẩm âm nhạc này để phê phán những chuẩn mực, thước đo mà xã hội áp đặt lên phụ nữ nói riêng và con người nói chung.

"Lipstick" MV - Orange Caramel

Lại một MV nữa khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: MV này thì có gì mà về nữ quyền? Trong xã hội ngày nay vẫn còn tồn tại suy nghĩ: phụ nữ rất yếu ớt, kém cỏi hơn đàn ông ở nhiều thứ. Thể thao chính là một trong số "nhiều thứ" đó. Trong "Lipstick", Orange Caramel đã đập tan định kiến về người phụ nữ khi chơi bóng bàn "thần sầu", thậm chí còn đánh bại cả kẻ dám làm "hoàng tử đẹp trai" của ba nàng buồn bực.

"Good Boy" MV - Baek Ji Young ft. Junhyung (B2ST)

Trong "Good Boy", Baek Ji Young đã nâng người phụ nữ lên một tầm mới trong mối quan hệ nam nữ: chủ nhân. Việc giọng ca đình đám xứ Hàn "dám" dùng hình ảnh một chú chó để ẩn dụ cho người đàn ông thậm chí đã khiến một tổ chức bảo vệ cho quyền lợi của nam giới ở Hàn Quốc tức điên và đâm đơn khiếu nại.

"Bad Girls" MV - Lee Hyori

Dù tên ca khúc là "gái hư" tuy nhiên có lẽ người xem nào cũng có thể nhận ra qua "Bad Girls": Hyori chẳng phải "gái hư". Lý do duy nhất khiến Hyori trở thành "gái hư" đó là bởi cô nổi loạn và "dám" phản ứng lại những kẻ xấu đang lợi dụng cô. Nói cách khác, Hyori chỉ "hư" trong mắt những người xấu: bạn bè xấu, giáo viên xấu, sếp xấu và cuối cùng là một xã hội xấu.