Gần đây, Vpop lại bắt đầu dậy sóng với những vụ ầm ĩ, tranh cãi sôi nổi về nhiều tác phẩm, tác giả khác nhau. Khác với thời gian trước khi các nghi án đạo nhái thường bị bỏ lửng và im lặng chìm vào quên lãng, khán giả ngày nay đã quyết liệt hơn để đưa ra tiếng nói riêng, đấu tranh để đòi lại công bằng cho các nghệ sĩ. Mặc dù cách giải quyết của mỗi bên liên quan là khác nhau, gây nên những phản ứng trái chiều, nhưng một điều không khó để nhận ra là Vpop đang tiếp tục mất điểm trong mắt khán giả khi liên tục phạm phải những sai lầm khó chối cãi này.
Tự ý sử dụng tác phẩm độc quyền không xin phép
Đài truyền hình và các cuộc thi âm nhạc cho rằng mình luôn làm đúng luật, chỉ cần sử dụng ca khúc, trả thù lao xứng đáng mà không cần phải xin phép. Tuy nhiên, thực trạng này lại khiến tác giả - người mất công mất sức cho ra đời "đứa con cưng" và cả những ca sĩ sở hữu độc quyền - người cứ tưởng rằng quyền sử dụng chỉ thuộc về mình cảm thấy bị thiếu tôn trọng. Đa số các trường hợp, các nghệ sĩ đều mong muốn một lời xin phép, hoặc một lời xin lỗi để quyền lợi của mình được công nhận, thế nhưng nhiều khi BTC các chương trình này lại không có cùng quan điểm.
Thảo Trang là ca sĩ mới nhất lên tiếng về việc "Vietnam Idol" sử dụng ca khúc độc quyền của mình mà không xin phép
Trên thực tế, phản ứng của khán giả trong trường hợp này không quá gay gắt, chỉ một số fan "cứng" hoặc người thân của nhạc sĩ, ca sĩ bị xâm hại quyền lợi mới đứng lên để bảo vệ. Lí do chính của hiện tượng này có lẽ là vì nó không nằm ở chuyên môn, chất lượng âm nhạc mà lại nằm ở cách ứng xử của mỗi người, của nhà sản xuất và đài truyền hình. Thêm vào đó, đa số các vụ việc đều được giải quyết êm đẹp và nhanh chóng. Một số cái tên từng đứng lên vì sản phẩm độc quyền của mình có thể kể tới: Thu Minh, Nguyễn Hải Phong, Tạ Quang Thắng, Thảo Trang...
Đạo ý tưởng, đạo thơ
Hồng Phước có lẽ là cái tên khá nổi thời gian này, không chỉ với loạt ca khúc đầy chất tự sự và giàu cảm xúc mà còn là những nghi án đạo lời thơ, đạo ý tưởng. Sau vụ ầm ĩ liên quan đến hình tượng "Người lớn cô đơn" xuất phát từ tập truyện ngắn của Phan Ý Yên và ca khúc "Khi người lớn cô đơn", Hồng Phước tiếp tục gặp rắc rối lớn khi sử dụng bài thơ "Khi chúng ta già" của Việt Hà để phổ nhạc cho ca khúc cùng tên của mình.
"Khi người lớn cô đơn" - Hồng Phước
Không "may mắn" như lần trước khi tác giả Ý Yên im lặng bỏ qua, lần này tác giả Việt Hà đã mạnh dạn lên tiếng và muốn nhận được sự tôn trọng tối thiểu từ phía chàng ca sĩ Top 8 "Vietnam Idol 2012". Trong khi tác giả và khán giả liên tục cảm thấy phẫn nộ thì tất cả những gì nhận được là một sự im lặng từ Hồng Phước. Và khi nam ca sĩ này chịu lên tiếng thì lại trả lời một cách vòng vo và không đi thẳng vào vấn đề để tiếp tục gây nên cơn bất bình nơi khán giả. Mặc dù sau đó Hồng Phước đã lên tiếng xin lỗi tác giả Việt Hà nhưng cách ứng xử và giải quyết vấn đề của anh chàng đã khiến nhiều người phải ngao ngán.
"Khi chúng ta già" - Hồng Phước & Hương Giang
Sáng tác trên beat nhạc ngoại
Việc sử dụng đoạn nhạc nền mẫu của nước ngoài để sáng tác ca khúc mới tại Việt Nam không quá xa lạ, thậm chí còn từng rất thịnh hành một thời gian trước, đặc biệt là đối với các nghệ sĩ Hip Hop, Underground. Gần đây, một số sản phẩm hot bị cư dân mạng khui ra có nét tương đồng với các ca khúc Hàn Quốc đều thuộc về anh chàng M-TP. Không khó để nhận ra M-TP bị ảnh hưởng bởi phong cách và chất nhạc của Kpop, vô cùng hiện đại, bắt tai và cá tính. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm khiến nhiều khán giả thêm nghi ngờ, liệu các bài hit của M-TP có "vay mượn" nhạc Hàn hay không.
... được cho là lấy beat của "Monologue" (As One ft. Young Sky (One Way))
Bài hit đình đám cuối năm vừa qua "Anh không đòi quà" của Karik và OnlyC cũng không thoát khỏi con mắt tinh tường của cư dân mạng. Sau khi bị phát hiện đạo ý tưởng clip, "Anh không đòi quà" còn bị tố là lấy beat của "My Love (Lee Seung Chul) để sáng tác.
"Anh không đòi quà" MV - OnlyC ft. Karik
"My Love" MV - Lee Seung Chul
Điều đáng nói là trước những nghi vấn, các nhân vật chính đều chọn cách im lặng mà không có câu trả lời rõ ràng. Phản ứng của khán giả trong những trường hợp này tuy cũng khá mạnh mẽ nhưng cũng không quá ầm ĩ. Một phần lí do là vì các fan trung thành luôn bảo vệ thần tượng (như trường hợp M-TP) hay vì ca khúc quá thú vị, tạo hiệu ứng quá lớn nên khán giả không còn quan tâm đến những yếu tố xung quanh (như với OnlyC và Karik). Vả lại, chuyện sáng tác trên cùng 1 beat nhạc không được nhiều người xem là nghiêm trọng, trừ khi quá giống nhau về giai điệu, ca từ. Mặt khác, việc lấy sample (đoạn nhạc mẫu) về giai điệu hoặc âm thanh để sáng tạo sản phẩm mới cũng không còn là lạ trên thế giới.
Tạm kết
Tuy vay mượn, hay tự ý sử dụng không xin phép đều là những việc dễ giải quyết thế nhưng ở Việt Nam hiện nay, ít người có thể xử lí một cách trọn vẹn. Nếu vay mượn, sử dụng có sự đồng ý đàng hoàng và hợp pháp thì tất cả các sản phẩm mới đều sẽ được đón nhận một cách nhiệt tình và rộng lượng nhất, chứ không bị biến thành những "vấn nạn" nhức nhối như hiện nay. Mong rằng, từ những sự cố vừa qua, các ca sĩ Vpop sẽ tìm được bài học cho riêng mình để giảm thiểu những sự cố không đáng có trong thời gian tới.