"Vay mượn" nhạc ngoại - "thói quen" của giới Underground?

HG, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 06/06/2014

Việc nhiều bài hát của Sơn Tùng M-TP bị phát hiện là "học hỏi" từ nước ngoài khiến người yêu nhạc quay trở lại "săm soi" giới Underground Việt.

Những ngày gần đây, người yêu Vpop lại một lần nữa đón nhận "cơn bão" đến từ 2 cái tên Hoài Lâm - Sơn Tùng M-TP. Từ một tiết mục bắt chước thú vị, hấp dẫn của Hoài Lâm, nhiều người đã tranh cãi, so sánh giữa anh và bản gốc Sơn Tùng. "Tình hình" ngày càng căng thẳng khi fan Sơn Tùng ném đá Hoài Lâm và cả giám khảo Mỹ Linh. Mặt khác, anti lại được thể "moi móc" và săm soi những yếu điểm của Sơn Tùng như hát yếu và đạo nhạc. Chủ nhân hit "Em của ngày hôm qua" đành phải lên tiếng thừa nhận học hỏi nhạc nước ngoài để sáng tác trên những đoạn beat có sẵn.

Quả thật, giới Underground Việt Nam từ trước đến nay vẫn có nhiều sản phẩm được ra đời dựa trên giai điệu và beat nước ngoài, đặc biệt là nhạc Hàn và Nhật. Nhưng đối với Sơn Tùng, khi anh chàng đã bắt đầu dấn thân vào showbiz, khán giả đã có cái nhìn khắt khe và khó tính hơn rất nhiều.




LK và Young Uno - 2 cái tên nổi bật trong giới Underground

Về những nghệ sĩ Underground Việt Nam, có rất nhiều cái tên đáng chú ý bởi tài năng và sự sáng tạo trong các dòng nhạc mới mẻ, lạ lẫm như R&B, Hip Hop, Rock... Nổi bật nhất phải nhắc tới giới Hip Hop Việt - những người hay "dính phốt" đạo nhái nhất trên thị trường hiện nay. Sở dĩ các nghệ sĩ này hoạt động Underground vì âm nhạc, ca từ nhiều khi chưa phù hợp với số đông và họ cũng ít khi có tham vọng trở thành một ngôi sao giải trí.

Ngay từ thời kỳ đầu - giai đoạn phát triển mạnh mẽ của R&B, Rap, Hip Hop cùng những tên tuổi như Lil' Knight, Young Uno, Eddy Việt... các bạn trẻ đã quen thuộc với những bản hit "vừa quen vừa lạ". Hầu hết các sáng tác đều được hát trên beat nước ngoài, một số lại được viết hẳn lời Việt từ ca khúc ngoại rồi ghi âm đưa lên mạng. Lúc bấy giờ, không mấy ai quan trọng hóa việc vay mượn âm nhạc nước ngoài, nghệ sĩ và khán giả đều xem đó là một chuyện thường tình. Các bản thu âm cũng chỉ được lưu hành trên mạng, ít khi đem đi biểu diễn. Mà nếu có trình diễn cũng chỉ trong phạm vi nhỏ nên chưa gây ra phản ứng mạnh mẽ như hiện nay.

Bài hit "Hy vọng" của Lil' Knight và Young Uno...

... lấy beat từ "Question" (Ha Yoo Son)

"Riêng mình anh cô đơn" của Lil' Knight...

... có bản gốc là "Persona" (Kangta)

"Thỏ con chiên bánh"...

... lấy beat từ "Hikari" (Se7en)

"Thói quen" này vẫn tiếp tục được "kế thừa" đến hiện tại khi một loạt cái tên như Karik, Mr.T hay cựu thành viên 365 - Tronie cũng bị cho là học tập quá nhiều nước ngoài. Hit "Anh không đòi quà" từng bị phát hiện là sáng tác dựa trên beat một ca khúc của Lee Seung Chul, thậm chí MV ca khúc cũng được lấy ý tưởng từ clip nước ngoài. "Butterfly" của Mr.T được xác nhận là học hỏi từ "Flower" của Junhyung (B2ST). "Light It Up" của Tronie lại bị tố ảnh hưởng phong cách quá nhiều từ "Crayon" của G-Dragon.




Nhạc beat của "My Love" (Lee Seung Chul)...


... được dùng cho "Anh không đòi quà"




"Butterfly" của Mr.T...


... là một phiên bản khác của "Flower" (Junhyung)



"Light It Up" của Tronie...


... được cho là bắt chước "Crayon" (G-Dragon)


Trước sự phát triển chóng mặt của âm nhạc, người hâm mộ đã bắt đầu tinh tường hơn khi phát hiện được nhiều sản phẩm đạo nhái. Đa số mọi người khó có thể chấp nhận hành động vay mượn không xin phép và im lặng. Nhưng để khiến đông đảo khán giả lên tiếng bức xúc thì chắc chắn ca sĩ đó, sản phẩm đó có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn. Sơn Tùng M-TP chính là trường hợp như vậy. Đặt ngược lại vấn đề, nếu Sơn Tùng M-TP không nổi tiếng, các ca khúc của anh chàng không quá ấn tượng, các sân khấu ca nhạc không vang tên anh chàng thì liệu dư luận có thi nhau ném đá như thời gian qua? Chắc chắn là không.

Đối với một người bước ra từ giới Underground, việc sáng tạo dựa trên giai điệu, beat có sẵn vẫn được xem là "không xa lạ gì". Tuy nhiên, điểm thiếu sót của Sơn Tùng nằm ở việc anh chàng vẫn chưa thoát ra khỏi cách làm việc đó khi đã dấn thân vào showbiz. Đôi khi, "im lặng không phải là vàng" mà chỉ khiến công chúng thêm thất vọng.




"Em của ngày hôm qua"...


... có beat hao hao "Every Night" (EXID)


"Cơn mưa ngang qua"...


... có nét giống "Sarangi Mareul Deutjianha" (Namolla Family)


Nhìn ra thế giới, sự phát triển của Hip Hop, Dance hay nhạc điện tử kéo theo việc học hỏi, tham khảo những giai điệu cũ là chuyện rất hiển nhiên. Ngày nay, việc dùng sample (đoạn giai điệu mẫu) của các hit cũ, tái sử dụng nhạc cổ điển cũng được công nhận như một cách sáng tạo mới mẻ, thú vị. Một số ca khúc dùng sample và nổi tiếng thế giới phải kể đến On The Floor (sample từ "Lambada"), "Hung Up" (sample từ "Gimme! Gimme! Gimme!)... Bên cạnh đó, những âm thanh nhạc điện tử cũng được xào nấu, cắt ghép vô vàn kiểu, mix lại với nhau để ra đời những bản hòa âm mới, hấp dẫn hơn.

Có thể nói, sáng tạo từ những cái cũ không hoàn toàn là điều không nên, nếu như làm đúng cách và tạo được cảm giác mới lạ, những giá trị khác biệt. Các nghệ sĩ Underground Việt cũng đang dần thể hiện sự sáng tạo tinh tế hơn nữa trong các sáng tác của mình, chứ không đơn thuần là sử dụng beat ngoại. "Ném đá" sẽ khó có thể giúp nhạc Việt đi lên mà nhiều khi lại khiến các tài năng trẻ chùn bước. Khán giả hãy có cái nhìn tích cực, khuyến khích cái hay và góp ý những thiếu sót một cách thiện chí nhất, đó mới là con đường giúp các gương mặt trẻ, những dòng nhạc mới mẻ được phát triển mạnh mẽ hơn trên thị trường.