Mũm mĩm cũng bị chê mà gầy cũng bị miệt thị

Hải Yến - Thiết kế: Huy Minh, Theo Thanhnienviet.vn 00:00 13/08/2024
Chia sẻ

Khi một thân hình thanh mảnh vẫn được xem là tiêu chuẩn vẻ đẹp, nhiều người cho rằng "skinny-shaming" không tồn tại, và hãy biết ơn khi sở hữu cổ tay nhỏ, sở hữu khoảng hở ở đùi (thigh gap). Ý nghĩ đó có lành mạnh hay không?

Từ đầu thập niên 2010, cụm từ "Body positivity" nổi lên như một hiện tượng. Một trong những phong trào khởi phát và biến "tích cực cơ thể" thành ý niệm được lan truyền rộng rãi trên Instagram là vào năm 2012, với hàng loạt hashtag như #Effyourbeautystandards (Mặc kệ tiêu chuẩn vẻ đẹp của bạn), #bodycompassion (Sự đồng cảm với những hình thể khác nhau).

Các tài khoản chia sẻ nhiều nhất về những nội dung như vậy thuộc sở hữu của nhiều cô gái với cơ thể có phần đầy đặn (plus-size) so với tiêu chuẩn vẻ đẹp của thời đại. Họ lên tiếng và nâng cao nhận thức của mọi người về một thông điệp: Cơ thể phụ nữ rất đa dạng, và không giống như những hình thể được lý tưởng hóa quá mức được chia sẻ trên mạng xã hội.

Phụ nữ mũm mĩm dẫn đầu ngọn sóng về sự tích cực cơ thể là có lý. Bởi vẻ ngoài của họ đã bị đem ra miệt thị từ những năm 1940, khi nhiều doanh nghiệp về thực phẩm bổ sung, thời trang…vì muốn bán sản phẩm trên thị trường, tiêm nhiễm vào đầu những phái đẹp tân thời thế nào mới là vẻ ngoài được công nhận: Các cô gái không được phép có dù chỉ một chút mỡ thừa. Những người mảnh khảnh luôn được khắc hoạ với biểu hiện tự tin, trong khi những phụ nữ đẫy đà hơn thể hiện sự hoài nghi và bối rối trước phản ứng của những người xung quanh.

Liên tục là nạn nhân của những lời bàn tán phi lý và bàn đạp cho những doanh nghiệp làm giàu từ tiêu chuẩn độc hại, các cô gái lên tiếng và bắt đầu những phong trào đòi quyền lợi. Từ thập niên 1970 đến 2000, sứ mệnh nâng cao nhận thức về miệt thị ngoại hình chủ yếu xoay quanh phái đẹp với cân nặng bị cho là "vượt chuẩn".

Mũm mĩm cũng bị chê mà gầy cũng bị miệt thị- Ảnh 1.

Mọi người đang dần cởi mở hơn về những người phụ nữ đẫy đà, nhưng trong nhận thức của họ đã bỏ qua một chi tiết quan trọng về tích cực cơ thể rằng cơ thể phụ nữ rất đa dạng. Chống lại và thay đổi quan điểm "Gầy là tốt, mũm mĩm là xấu" không còn đủ để khỏa lấp miệt thị ngoại hình nữa. Chính việc "gầy" - tiêu chuẩn vẻ đẹp được yêu thích, lại đang trở thành chủ đề của những chỉ trích, mà đáng tiếc hơn là ít ai có đủ sự đồng cảm hay nhận thức rõ ràng để đứng ra bảo vệ họ.

Mũm mĩm cũng bị chê mà gầy cũng bị miệt thị- Ảnh 2.

Tồn tại một tiêu chuẩn kép kỳ lạ chưa được bàn luận đủ: Nói ai đó hãy "giảm cân đi" ở thời điểm hiện tại dễ dàng bị xem là một hành động miệt thị. Nhưng lật ngược lại tình huống, "tăng cân đi" có lẽ đang trót lọt vượt qua vòng kiểm duyệt của định nghĩa về "body-shaming" trong nhận thức của nhiều người.

Một nghiên cứu từ Đại học Cornell tại Hoa Kỳ vào năm 2023 đã xếp hạng những bình luận có tính sát thương mà họ được nghe phổ biến nhất lần lượt theo thứ tự: Mập, lùn hoặc gầy. Đứng thứ 3 trong danh sách chứng tỏ việc bị "skinny-shaming" thì cũng đầy ác ý và đem lại những hệ luỵ không thua kém gì "fat-shaming."

Trên diễn đàn Quora, một bài đăng từ năm 2021 với tiêu đề: "Miệt thị ngoại hình là xấu…trừ khi những lời đó nhắm đến người gầy" đưa ra một loạt luận điểm: Bản thân những người lan truyền về tích cực cơ thể lại có cái nhìn chưa đầy đủ về đối tượng là nạn nhân của miệt thị ngoại hình. Họ bảo vệ những người mũm mĩm, nhưng đồng thời lại cho rằng những người có hình thể mảnh khảnh là "không đủ sức khoẻ" hay "trông như bộ xương".

Những ví dụ sau đây, thậm chí đến từ những ngôi sao được yêu mến trên toàn cầu, chỉ là một số ít trong hằng hà sa số những từ ngữ "skinny-shaming" đội lốt dưới sự lo lắng về sức khỏe của ai đó.

Chủ đề được bàn tán nhiều nhất về Ariana Grande trong giai đoạn 2022-2023 bên cạnh âm nhạc, chính là cân nặng của cô. Thâm nhập vào trong những bàn tròn về nữ ca sĩ, không ít người để tâm đến ngoại hình và thể hiện sự lo lắng cho "tình trạng" của Ariana. Những người thuộc cộng đồng thảo luận về chứng biếng ăn trên Reddit không ngần ngại thể hiện sự khó chịu khi nhìn thấy cô trước ống kính.

"Tôi có thể nhìn thấy xương sườn, xương sống và xương quai xanh của cô ấy… Nó làm tôi khó chịu."

"Đầu cô ấy trông quá to so với cơ thể, đây là dấu hiệu điển hình cho chứng rối loạn ăn uống ở giai đoạn nghiêm trọng đấy. Thần sắc của cô ấy trông cũng buồn phiền và xanh xao. Cả gò má nữa, gò má của Ariana khiến tôi phát sợ. Tôi ước cho cô ấy sớm khỏe mạnh hơn."

Họ quy chụp về tình trạng hiện tại của Ariana qua những bức ảnh, không e ngại khi thể hiện rõ ràng sự phật ý với cơ thể của một cô gái bằng cách chỉ ra cụ thể những điểm mà họ không vừa mắt trên người cô. Kết lại bằng câu nói "Ước gì cô ấy khỏe mạnh hơn", họ trót lọt biến bình luận của mình thành một lời hỏi han trong mắt những người khác, và nhận được sự đồng tình.

Mới đây nhất là Rosé (BLACKPINK). Năm 2024, khi tích cực cơ thể đang thấm dần vào trong quan điểm của nhiều người, việc "skinny-shaming" lại tràn lan ở dưới mọi bài đăng của nữ thần tượng.

Cực đoan hơn là việc lan truyền những hình ảnh đã qua chỉnh sửa để làm cơ thể Rosé gầy đi trông thấy, khiến người khác càng thêm lo lắng và thu hút nhiều sự chú ý về hình thể của cô. 

Điều tương tự xảy ra với nam giới, có thể kể ngay đến diễn viên La Vân Hi. Thể trạng gầy gò của anh được nhiều khán giả cho rằng đang "cản trở" đến trải nghiệm xem phim của họ: Anh không toát ra khí chất "đàn ông", cũng chẳng phù hợp để đóng cặp với nữ chính khi anh còn xanh xao, "ốm yếu" và nhỏ bé hơn cô.

Trong động thái cố gắng nhận những lời góp ý từ khán giả, nhiều luồng tin hành lang cho hay nam diễn viên có giải pháp cực đoan khi ép bản thân ăn 5 bữa/ngày, đặt báo thức để ăn vào buổi tối, thường xuyên tiêu thụ đồ dầu mỡ mà hệ quả về sau còn gây ảnh hưởng đến các cơ quan, nội tạng của cơ thể khi không được nghỉ ngơi và có chế độ ăn uống đúng.

Đâu đó trong những luồng chỉ trích, thực sự tồn tại những mối lo chân thành của khán giả dành cho nghệ sĩ. Bởi showbiz, đặc biệt là tại Hàn Quốc, vốn khét tiếng với quá trình tập luyện và ép cân khắt khe để đảm bảo thần tượng có hình thể đạt chuẩn khi ra mắt. Không ít những câu chuyện giảm cân cực đoan được thần tượng chia sẻ, đơn cử là Momo (TWICE) kể rằng cô đã ăn đá lạnh thay cho đồ ăn khi cần phải ép cân trong một tuần.

Nhưng quan tâm đến ai đó không đồng nghĩa rằng ta cần phải nhấn mạnh về hình thể của họ bằng cách đưa ra những so sánh phóng đại với "bộ xương" hay "màn hình phẳng"; không cần phải gán cho họ những biệt danh kỳ lạ; không cần phải đưa ra quan điểm cá nhân của mình về ngoại hình của một ai đó và nói rằng họ không thu hút hay khiến người khác khó chịu.

Đặc biệt, bị xem là một người ốm yếu, không đủ sức làm việc chỉ vì cân nặng và nghiêm trọng hơn, bị cho là đang dùng hình thể của mình để khích lệ những thân hình "gầy nhẳng" có lẽ là khía cạnh đau đớn nhất của một nạn nhân của "skinny-shaming".

Mũm mĩm cũng bị chê mà gầy cũng bị miệt thị- Ảnh 3.

Đôi khi chính những mối lo của ta đã đi quá xa.

Ariana Grande cho biết vào giai đoạn cô là nạn nhân miệt thị ngoại hình vì cân nặng của mình, thân hình "khỏe mạnh" trong quá khứ mà mọi người mong muốn cô lấy lại thực chất là khi cô đang sử dụng rất nhiều thuốc chống trầm cảm, không thể ăn uống bình thường. Rosé dù chưa bao giờ lên tiếng về những lời chỉ trích ấy, nhưng cách cô luôn thể hiện hết mình trên sân khấu của những màn trình diễn dài hàng tiếng đồng hồ là minh chứng cho thấy nữ thần tượng có đầy đủ sức bền, không thua kém gì một người có thể trạng "bình thường".

Trên MXH, cũng không thiếu những câu chuyện đắng về những người gầy bị cho là đang cố gắng bỏ đói bản thân vì khát cầu sự chú ý, vì không tôn trọng chính mình.

"Tất cả cha mẹ và cô dì chú bác của tôi đều nói rằng tôi phải ăn nhiều lên. Họ không hề biết tôi vẫn ăn đầy đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày, đầy đủ 3 bữa và tôi rất thích ăn thêm bánh snack vào tối muộn… Tôi chỉ không dễ lên cân, và bạn tin tôi đi, tôi gặp rất nhiều định kiến về việc này. Tôi yêu bản thân mình và sẽ không bỏ đói nó, tôi mong mọi người dừng việc hiểu lầm tôi." - Một bài viết trên MXH Reddit chia sẻ.

Mũm mĩm cũng bị chê mà gầy cũng bị miệt thị- Ảnh 4.

Tôi và bạn, chắc chắn từ cách phản ứng của chúng ta, hay từ lắng nghe câu chuyện của những người xung quanh, cũng không còn lạ gì nữa với những câu hỏi "Ăn kiêng à?", "Giữ eo à?" khi một ai đó trông có vẻ gầy. Chúng ta hỏi một cách vô thưởng vô phạt mà không nghĩ đến việc chính những người đó cũng đã rất cố gắng hay bất lực với tình trạng của bản thân để dừng phải nghe những lời vô ý như thế.

Mũm mĩm cũng bị chê mà gầy cũng bị miệt thị- Ảnh 5.

Đó là lời nhận xét của Khloé Kardashian về thực trạng miệt thị ngoại hình. Cô cho rằng không có bất kỳ hình thức "body-shaming" nào nên được chấp nhận, nhưng gần như, mọi người có cái nhìn gay gắt chống lại "fat-shaming", lại không nhận ra sự độc hại của "skinny-shaming."

Thậm chí, trong thời đại của tích cực cơ thể, quảng bá hình thể gầy được xem là đi ngược lại với thông điệp mà ai ai cũng đang hưởng ứng.

Câu chuyện của NTK Hedi Slimane là ví dụ điển hình nhất. Người mẫu trình diễn các BST của ông thường có thân hình gầy, là phản chiếu lại phong cách và hình thể đặc trưng của chính ông từ nhỏ, và cũng chính vì thế, ông thường xuyên bị chỉ trích vì cho rằng đang cổ xúy tiêu chuẩn vẻ đẹp độc hại trong giới thời trang.

Mũm mĩm cũng bị chê mà gầy cũng bị miệt thị- Ảnh 6.

Thật kỳ lạ, chẳng phải tích cực cơ thể là bao hàm mọi kích cỡ, hình dáng, đặc điểm hay sao? Chẳng lẽ người nhẹ cân không nằm trong khái niệm về "mọi kích cỡ, đặc điểm, hình dáng"?

Ít được lên án và thảo luận trên MXH hay truyền thông mạnh mẽ như "Fat-shaming" nên rất nhiều những hành vi miệt thị người gầy được bình thường hoá.

Nhiều người cho rằng "skinny-shaming" không quá hệ trọng vì thế giới hiện tại vẫn đang tôn thờ những người mảnh mai. Họ không gặp khó khăn khi mua quần áo, họ không chịu sự phân biệt nặng nề như những nạn nhân của "fat-shaming". Và lên tiếng "nhắc nhở" những người nhẹ cân là hoàn toàn bình thường, vì gầy gò chính là biểu hiện của rất nhiều "căn bệnh."

Mũm mĩm cũng bị chê mà gầy cũng bị miệt thị- Ảnh 7.

Đồng ý rằng "skinny-shaming" chưa từng đạt đến tầm nỗi ám ảnh như "fat-shaming", khi việc có mỡ thừa bị xem là kém hấp dẫn và không được yêu thích đã ăn sâu vào văn hóa: Ăn kiêng vẫn là chủ đề được quan tâm hơn ăn vì sức khỏe, ăn để đầy đặn hơn; quần áo cỡ lớn gần như không tồn tại ở rất nhiều cửa hàng bán đồ nữ.

Song, đó không phải cái cớ để xem nhẹ những chê trách nhắm đến người nhẹ cân. "Fat-shaming" hay "skinny-shaming" đều là những biên độ độc hại kiểm soát và đè ép cân nặng của người khác. "Fat-shaming", "skinny-shaming" hay bất kỳ hình thức miệt thị nào khác cũng là đang đem ngoại hình của một người ra để làm tổn thương họ, và gây cho họ những áp lực không đáng có.

Lắng nghe lời nói vô thưởng vô phạt về ngoại hình "ốm yếu" cũng có sức sát thương tương tự, khiến họ hoài nghi về bản thân, trong khi họ không bỏ bữa, vẫn tiêu thụ thức ăn như những người bình thường nhưng luôn tồn tại những áp lực về việc mình nhất định phải tăng cân. Đặc biệt trong văn hóa truy trách nhiệm in sâu trong châu Á, nơi bình phẩm về ngoại hình gầy gò của một người thường kéo theo những lời dị nghị liên quan đến cha mẹ, người thân và những người xung quanh của họ, lại càng khiến "skinny-shaming" là câu chuyện đáng buồn khi bị xem nhẹ.

Tiếp tục làm lơ trước những lời chỉ trích hướng đến người gầy, một tương lai nơi "skinny-shaming" cũng ăn sâu vào văn hóa như "fat-shaming" hiện tại có lẽ không xa. Hãy tưởng tượng đến viễn cảnh đầu gối hay cẳng chân của một nghệ sĩ được phóng to và đính trên mặt báo, kèm theo lời bình "cò hương". Cạnh đó là hàng loạt đầu báo về bí quyết tăng cân để "đẹp" và "khỏe" hơn, thủ pháp thẩm mỹ tiêm làm đầy cẳng tay trở nên phổ biến, phụ nữ và đàn ông được rỉ tai hãy ăn thật nhiều để đẹp hơn vào ngày trọng đại…Liệu bạn có chắc chắn rằng "skinny-shaming" là không hệ trọng?

Mũm mĩm cũng bị chê mà gầy cũng bị miệt thị- Ảnh 8.

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày