Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?

Hải Yến - Thiết kế: Huy Minh - Video: KingPro, Kenh14Show, Bích Diệp, Theo Đời sống pháp luật 09:28 08/08/2024
Chia sẻ

Các nhân vật nói về sự tích cực cơ thể với tinh thần giàu năng lượng, kể về trải nghiệm cùng cái nhìn vào tương lai: Họ sẽ tiếp tục lan tỏa tiếng nói yêu bản thân đến nhiều người hơn nữa.

Bạn có đồng ý với tôi, khi tôi khẳng định rằng tiêu chuẩn vẻ đẹp ngày nay có biên độ rất hẹp?

Đâu đó luôn có sự ái mộ đặc biệt cho những cô gái mảnh khảnh, mũi cao, mặt nhỏ, da trắng - những điều được khắc họa rất phổ biến trong hình tượng công chúng từ các ngôi sao màn ảnh, ca sĩ hay thần tượng suốt nhiều thập niên liền. Điều đó phần nào tuyên truyền vào tâm trí những khán giả rằng để được xem là đẹp, để được yêu mến, mình cần phải đáp ứng được những đặc điểm vô cùng cụ thể.

Không đáp ứng được, họ thấy mình như một sợi lông mọc ngược trong mắt người khác và chính bản thân. Để hoà nhập, họ tìm cách thay đổi hình thể để vừa với chiếc khuôn nhan sắc mà đôi khi, hành động đó chỉ khiến họ đưa bản thân mình đến lằn ranh của sự tự hoại: Nhịn ăn quá mức dẫn đến các triệu chứng tâm lý và sức khoẻ, sử dụng các loại thuốc hiệu quả nhanh nhưng tác dụng phụ thì kéo dài đến nửa đời sau…

Thật may mắn khi những năm gần đây, dần xuất hiện một tiếng nói phần nào giúp họ chấp nhận bản thân mình hơn: Sự tích cực cơ thể.

Tích cực cơ thể khẳng định: Con người không sinh ra từ những dây chuyền sản xuất hàng loạt, không cần phải đóng họ thành những "mẫu mã" tương tự nhau. Tích cực cơ thể dung nạp một tinh thần tràn đầy năng lượng, một sự khẳng định rằng ai cũng xứng đáng có tình yêu thương và trân quý với lớp da của chính mình, và đã trải qua một quá trình nhào nặn để trả nhận thức của con người về những thứ hiển nhiên: Tôn trọng vẻ đẹp thuần tuý của mình, và chống lại quan niệm cái đẹp vô thưởng vô phạt từ văn hoá đại chúng, để thách thức những tiêu chí độc hại đến nực cười: Bắp tay to thì sao? Mỡ thừa thì sao? Mũi thấp thì sao? Gò má cao thì sao? Hõm hông thì sao?...

Giờ đây, đẹp đẽ không còn là những gạch đầu dòng so đo con người đến từng ngũ quan, mà là tiêu chí nhỏ gọn và ít khắt khe hơn nhiều: Thấy mình tự tin là được, thấy mình khỏe mạnh là được.

Đó là tiếng nói chung giữa ba nhân vật cùng ngồi xuống và trò chuyện với chúng tôi về sự tích cực cơ thể mà họ có được, và quyết định lan toả những giá trị hạnh phúc ấy đến với mọi người, không chỉ qua những cuộc đối thoại với chúng tôi, mà còn qua công việc kinh doanh, người mẫu của họ.

Ai cũng gật đầu đồng ý: Sự tích cực cơ thể, bằng lòng với những gì chúng ta có, và không quy phục trước những tiêu chuẩn vẻ đẹp độc hại là một hành trình không hẳn là dễ, nhưng rất đáng để đuổi theo!

Hoàng Vân: Biệt danh Xà Lách, 28 tuổi, sinh sống tại TP.HCM, chủ sở hữu cửa hàng thời trang bigsize hơn 15k follow.

Anh Thư: Tên thường gọi Wendy, 18 tuổi, sinh sống tại TP.HCM, nhà sáng tạo nội dung với 34,4k follow và model cho nhiều nhãn hàng.

Trâm Anh: Biệt danh Fay, 24 tuổi, sinh sống tại TP.HCM, là người mẫu tự do với nhiều dự án cùng các local brand.

Lắng nghe quá trình theo đuổi sự tự tin hình thể của các cô gái: Tích cực cơ thể là vì mình, và vì cả cộng đồng

Những điều tự nhiên hoá tiêu cực từ lúc nào?

"Hình thể của mình đã "tròn" từ nhỏ đến lớn, từ mẫu giáo đến giờ luôn" - Hoàng Vân nói về cơ thể của mình, là tạng người mà cô bạn có ngay từ khi sinh ra.

"Hồi xưa lúc còn đi học, mình hơi có mỡ bụng chút xíu. Lớn lên thì mình vẫn giữ hình thể mũm mĩm. Hồi cấp 3, hồi con gái mới lớn, mình cũng không quá ốm, cũng có da có thịt như bây giờ." - Hình thể hiện tại của Trâm Anh cũng là thứ đã theo cùng bạn từ rất lâu.

Anh Thư, một nhà sáng tạo nội dung và cũng là một người mẫu, cho biết hình thể hiện tại của cô bạn được nhiều người cho là "mũm mĩm" hơn trước đây, là thành quả của một quá trình rèn luyện sức khoẻ, ăn đủ bữa, đủ chất dinh dưỡng và tôn trọng những nhu cầu được dung nạp năng lượng, trao đổi chất của bản thân:

"Chỉ mới khoảng 1 năm gần đây thôi, mình quay lại chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng, rèn luyện sức khỏe. Mình nhận ra những lúc như vậy mình lại thấy hạnh phúc hơn trước đây, khi mình ăn đủ, rèn luyện sức khỏe đủ cho bản thân."

Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?- Ảnh 1.

Đó hoàn toàn là những điều thuận theo tự nhiên: Một cơ thể đúc từ mã gen của bản thân, hay thuận theo nhu cầu được đáp ứng đủ đầy về mặt dinh dưỡng kèm theo rèn luyện sức khỏe. Nhưng trong mắt không ít những người xung quanh họ, thứ trời ban, thứ tự nhiên ấy lại là điều gì đó rất tiêu cực, "lệch chuẩn". Chẳng biết có điều gì đã "hợp lý hoá" những tiêu chuẩn độc hại đến thế!

Khi Anh Thư theo đuổi chế độ ăn lành mạnh hơn, nhiều người theo dõi thể hiện họ không thích sự thay đổi mới của cô bạn. Điều này phần nào cũng khiến bạn cân nhắc khi đọc được. Nhưng cơ thể mà nhiều người cho là đẹp của cô bạn trước đây, lại có được từ những chế độ ăn uống rất độc hại: Bỏ đói bản thân từ 2-3 ngày, hay chỉ ăn cầm chừng, ăn cho qua bữa suốt cả tuần, hoặc uống nước cho no rồi thôi.

Còn Hoàng Vân, cô bạn hoài nghi về tạng người của mình không quá thuận theo tiêu chuẩn vẻ đẹp phổ biến, và phần nào đó được xem là tiêu cực, khi còn là một cô gái 15-16 tuổi: "Đâu đó khoảng lớp 9, lớp 10, mình đi mua đồ dự tiệc sinh nhật. Thời đó đồ big size không có nhiều, chỉ toàn là đồ size thông thường thôi. Lúc đó, bạn nhân viên nhìn mình một cái, nói "Ở đây không có đồ size của chị" với một thái độ khó chịu và kỳ thị. Mình thấy hơi chạnh lòng. Mình nghĩ là chắc do cơ thể mình làm bạn ấy phản ứng như vậy, nên cũng hơi buồn."

Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?- Ảnh 2.

Không cần phải là những lời vô ý trực diện như trong câu chuyện của Hoàng Vân mới khiến các nhân vật có cái nhìn tiêu cực về cơ thể tự nhiên của mình.

Trâm Anh ý thức về việc mình không đẹp "đạt chuẩn" khi quan sát và lắng nghe những người xung quanh chia sẻ về tiêu chuẩn của họ, nhưng cô không rõ cụ thể nguồn gốc của việc đó đến từ đâu, chỉ biết rằng xung quanh mình, tồn tại một áp lực: Phải gầy!

"[Hồi đi học] mình bị bạn bè chọc ghẹo, cũng thấy tự ti. Mọi người đều thấy con gái là phải ốm mới đẹp, và nhìn mọi người xung quanh ốm, mình khoái và tự hỏi vì sao mình không được như họ vậy ta?"

Anh Thư cũng có trải nghiệm tương tự: "Trước đây mình rất sợ mọi người nhìn mình với ánh mắt là bạn này tròn trịa, bạn này mũm mĩm. Thực ra mình cũng không chắc là người ta có nghĩ mình như vậy không, mà mình luôn tự suy tự diễn, mình luôn ép bản thân mình phải theo một cái tiêu chuẩn nào đó."

Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?- Ảnh 3.

"Mình là độc bản": Sao phải quy phục trước những thứ đồng hoá vẻ đẹp của con người?

Những chia sẻ về trải nghiệm tiêu cực của họ khiến chúng tôi thực sự tò mò. Bởi cả 3 nhân vật đều là những người mẫu, những người kinh doanh thời trang và nhà sáng tạo nội dung. Miệng lưỡi của cư dân mạng là những điều mà họ luôn phải nhận lại khi có bất kỳ động thái nào trên xã hội ảo. Và bạn biết đấy, những từ ngữ mà người ta thốt lên trên MXH kinh khủng hơn ngoài đời thực theo cấp số nhân.

Vậy thì điều gì, và điều đó có "quyền năng" lớn thế nào, để khiến họ có thể tự tin chống lại những ánh nhìn tiêu cực ấy và thể hiện vẻ đẹp của mình?

Hoá ra hành trình bắt đầu sự tích cực của cả ba nhân vật, sau những "chông gai" là áp lực quy chuẩn, lại có một khởi đầu tương đối nhẹ nhàng: Sự tỉnh thức trong cách mà họ nhìn nhận cơ thể.

"Nói ra thì hơi lạ nhưng thật ra mình tự nhìn thấy mình trong gương và mình tự cho đó là hình tượng mà mình muốn hướng tới. Hiện tại mình đã 100% tự tin, tự hào về cơ thể này của mình." - Hoàng Vân nói, và khẳng định một cô gái đâu cần ai "phê duyệt" vẻ đẹp ngoài chính mình.

Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?- Ảnh 4.

Trâm Anh kể: "Từ một lần mình có tham dự một buổi tiệc riêng tư, ở trong đó mọi người có đa dạng hình thể, và tất cả đều tự tin về hình ảnh bản thân. Lúc đó mình đã thay đổi suy nghĩ: "Mình cũng có thể được như vậy mà ta?"

Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?- Ảnh 5.

Trên hết, họ đã biết gạn lọc những người quan trọng, những người mà họ mong muốn vẻ đẹp bản thân của mình được chấp nhận và ủng hộ, thay vì nghe theo những ý kiến xa lạ.

Với Anh Thư, cạnh việc cảm nhận sự thay đổi trong sức khoẻ của bản thân khi không còn đặt nặng quan điểm của xã hội, sự tích cực cơ thể của bạn còn đến từ những lời trân quý trong chính đám đông, chắt lọc những người yêu mến cô bạn: "Lúc mình mới làm content trên Youtube, có một bạn nhắn cho mình rất là dài. Nói là bạn ấy chưa bao giờ thấy mặt khác của mình thế này, bạn ấy nói thêm là mình rất yêu cơ thể Wendy (biệt danh của Anh Thư). Trong khi những ng khác nói Wendy trông mũm mĩm hơn trước đây, nhưng mình yêu cơ thể của bạn và mong bạn vẫn là chính mình. Nó mang lại cho mình một năng lượng rất là tuyệt vời."

Một châm ngôn mà Anh Thư luôn mang theo trên chuyến hành trình theo đuổi sự tích cực cơ thể, theo lời cô bạn: "Có một người nổi tiếng từng nói: Bản thân mình là độc nhất vô nhị, là độc bản duy nhất. Mình cũng cảm thấy như vậy, mình cứ tự tin là được, và mọi thứ sẽ đến với mình một cách dễ dàng."

Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?- Ảnh 6.

"Người ủng hộ lớn nhất trong hành trình theo đuổi sự tích cực cơ thể của mình là người yêu mình." - Trâm Anh nói, đầy tự hào. Bạn kể rằng chính bạn trai đã bảo vệ bạn trước những lời miệt thị ngoại hình, và luôn trấn an Trâm Anh về hình ảnh cơ thể của bạn. Với Trâm Anh, được yêu thương và xinh đẹp trong mắt người quan trọng với mình là nguồn động lực lớn.

Hoàng Vân bộc bạch: "Thực sự lúc đầu khi mà bị miệt thị ngoại hình, mình buồn, suy nghĩ nhiều lắm, vì mình cũng có cảm xúc mà. Nhưng sau đó, được nghe những lời động viên của gia đình, của bạn bè, nên mình phục hồi lại năng lượng liền. Mỗi người mỗi vẻ thôi, chẳng có ai là hoàn hảo hết, mình giữ cái phong thái đó tới bây giờ."

Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?- Ảnh 7.

Một hành trình không bao giờ kết thúc

Đã đón nhận hình ảnh cơ thể của mình một cách cởi mở hơn, nhưng cả ba nhân vật đều đồng ý rằng họ chưa chạm được đến "đích" của sự tích cực cơ thể.

Vì ý niệm này vốn không chỉ dừng lại khi bản thân cô gái thay đổi suy nghĩ về cái đẹp trong mắt mình, mà còn là cái đẹp và sự hiểu biết về nó trong mắt của mọi người.

Chính Hoàng Vân, Anh Thư và Trâm Anh, dù họ tin tưởng vào bản thân, thì họ vẫn là nạn nhân của những lời công kích và đôi khi, họ cũng thấy mình dao động.

Anh Thư kể về trải nghiệm của mình khi là một nhà sáng tạo nội dung, một người mẫu. Lướt trên Instagram của Anh Thư, bạn mang đến tinh thần can trường khi không khuôn ép mình vào những trang phục "che khuyết điểm" sao để bản thân vừa với quan niệm của mọi người xung quanh. Song, khi mọi người vẫn còn chưa thay đổi góc nhìn về cái đẹp, thì không chỉ có cô bạn, mà những người khác cũng sẽ là nạn nhân của những lời miệt thị như:

"Đôi khi mình đi tìm những điều tích cực cho bản thân thì có rất nhiều điều tiêu cực mà mình không muốn nó tới. Ví dụ khi đi làm, khi đăng tải hình lên MXH…mình sẽ nhận được vô số bình luận ác ý. Có một bình luận mà tới giờ mình vẫn suy nghĩ: "Nhìn bạn này mình không thở được." Lúc mình đọc xong, mình khóc cả ngày hôm đấy."

Trâm Anh cũng có trải nghiệm tương tự: "Cách đây mấy tháng, mình có mặc một áo corset với quần jeans để đi chụp hình, sau đó đăng lên Threads và Instagram, TikTok. Cộng đồng mạng là con dao hai lưỡi, có một bên là người ta bênh mình, nhưng một bên đặt mình vào quy chuẩn của người ta. Họ nói là con gái thừa cân thì không được mặc đồ như vậy, rồi người ta chửi mình. Mình nhớ nhất một comment, bạn đó nói mình tại sao lại tự tin về cái khuyết điểm đó, trong khi mình sẽ sống chung với cái khối u đó để mà ung thư suốt đời."

Không chỉ là những lời công kích, đó còn là sự hiểu lầm nghiêm trọng về hình thể của một người. Hoàng Vân từng bị nói "Tự bưng lên đi em. Nhìn em mập vậy chắc khiêng được mà" khi bạn cần sự giúp đỡ vận chuyển đồ đạc. Những cô gái có hình thể như Hoàng Vân, luôn luôn bị xem là không đáng nhận được sự giúp đỡ, do quan điểm độc hại đánh đồng cân nặng với thể lực.

Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?- Ảnh 8.

Cũng từ chia sẻ đó, càng nhìn rõ vì sao "tích cực cơ thể" không phải là chuyện của một cá nhân, mà là câu chuyện nên được tất cả mọi người nhìn nhận một cách đúng đắn. Bởi lẽ, có cách hiểu sai về hình thể, thì đó không chỉ khiến một người bị tổn thương bằng lời nói mà còn khiến họ phải nhận lại những khó khăn, thử thách không đáng có.

Đơn cử là mua sắm quần áo. Những cô gái mũm mĩm đôi chút gặp rất nhiều khó khăn khi lựa chọn kích thước vừa với cơ thể của mình, đâu phải vì họ "vượt chuẩn", mà vì rất nhiều cửa hàng hiện tại vẫn chưa thừa nhận sự đa dạng trong hình dáng, cân nặng của mỗi người.

Và như thế, cả ba cô gái đang rất tích cực lan tỏa tiếng nói ủng hộ của mình, hi vọng phần nào sẽ khiến mọi người có cái nhìn đúng và cởi mở hơn về vẻ đẹp.

Hoàng Vân bên cạnh chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội, bạn còn vận hành một cửa hàng bán đồ bigsize, để giúp các cô gái có nhiều lựa chọn hơn. "Mình có thể nhìn thấy, các bạn cởi mở thử nhiều trang phục táo bạo, cá tính hơn chút. Tự tin hơn, đi phỏng vấn này kia cũng ổn hơn. Đó là lí do mình cứ hoạt động trong lĩnh vực này hoài luôn."

Cô khẳng định: "Style not size" - phải luôn tự tin với vẻ đẹp của mình, không cần phải sống theo tiêu chuẩn của người khác."

Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?- Ảnh 9.

Anh Thư và Trâm Anh đều là những người mẫu, những nhà sáng tạo nội dung sôi nổi và can trường trước những bình luận tiêu cực. Họ sử dụng trang cá nhân để chia sẻ hình ảnh trang phục hàng ngày, nhưng từ điều nho nhỏ đó thôi, sự tích cực của các cô gái thẩm thấu vào nhận thức của người theo dõi. Trong vài năm duy trì hoạt động, đã có rất nhiều tin nhắn bộc bạch với hai cô bạn rằng họ được truyền cảm hứng để làm mới tủ đồ của bản thân, và nâng cấp sự tự tin chỉ bằng những bài đăng của Anh Thư, Trâm Anh.

Nhìn vào thực tế cảm nhận của mỗi cô gái về bản thân, họ gửi gắm suy nghĩ rằng sự tích cực cơ thể cần được lan toả nhiều hơn nữa.

Anh Thư: "Theo như góc nhìn mình thấy thì các bạn đều thấy bản thân mình chưa đủ. Vì mình là con gái, mình nghĩ mình hiểu được họ. Ví dụ như tóc mình chưa dài quá, da mình không đều màu, những cái rất nhỏ thôi nhưng người ta vẫn nghĩ là người ta chưa hoàn thiện lắm. Mình thấy điều đó không quan trọng, mình cứ tự tin thôi, be yourself!"

Cách mà Anh Thư đối mặt với những ý kiến ác ý về cơ thể cũng đáng ghi nhận: "Mặc kệ, mình cứ sống cho bản thân mình thôi. Khi mà mình quan tâm những lời ác ý đó, bản thân mình cũng không lớn lên được."

Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?- Ảnh 10.

Hoàng Vân: "Các bạn hiện nay có cảm nhận cơ thể 50/50, tức là có những bạn còn khá tự ti, nhưng có những bạn rất tự tin, lúc kinh doanh mình cảm nhận được 2 luồng đó rõ rệt luôn. May mắn là các bạn cởi mở, cũng chịu khó thay đổi cái sự tự ti đó."

Trâm Anh thấy sự tích cực cơ thể là một nguồn năng lượng mà bạn khuyến khích mỗi người đều nên có hàng ngày: "Mình càng yêu cơ thể, thì sự tự tin càng bộc phát ra. Mình sẽ thấy ngày hôm nay mình thật đẹp."

Yêu cơ thể bắt đầu từ câu hỏi: Mũi thấp thì sao? Bắp tay to thì sao?- Ảnh 11.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày