Không biết bạn đã từng trải qua chuyện này chưa? Bạn rất vui khi mua quà hoặc một sản phẩm nào đó mà bạn nghĩ là là tốt cho bố mẹ. Bạn đinh ninh rằng bố mẹ sẽ hạnh phúc, khen ngợi và cảm ơn mình nhưng không ngờ bạn lại bị mắng.
Mới đây một chàng trai đã chia sẻ trải nghiệm tương tự với món quà là chiếc máy rửa bát. Anh tặng bố mẹ một chiếc máy rửa bát và bị mắng 3 tiếng đồng hồ. Họ nói mình có tay có chân, đã rửa bát bằng tay cả đời rồi và không cần dùng đến món đồ này.
“Từ một người con định báo hiếu, tôi trở thành ‘báo nhà’ trong mắt bố mẹ” - chàng trai nói.
Câu chuyện chàng trai mua máy rửa bát tặng bố mẹ gây chú ý gần đây (Ảnh minh hoạ)
Tình huống như vậy khá phổ biến trong thực tế. Đây là “quá khứ đau thương” của Vân Chi (30 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) khi được hỏi về chuyện này.
“Nhiều năm về trước, đang học lớp 11, tôi tình cờ đọc được rằng hoa cẩm chướng là loài hoa dành tặng mẹ trong Ngày của Mẹ (Chủ Nhật tuần thứ 2 của tháng 5). Sáng hôm đó, tôi dậy sớm, cùng đứa bạn đạp xe 3km đến tiệm hoa ở thị trấn mua 2 bông hoa cẩm chướng đỏ, cho mẹ bạn và mẹ tôi.
Về đến nhà, tôi vừa đưa bông hoa và đang nói dở: "Ngày của Mẹ, con mua hoa..." thì mẹ liền cầm chổi đuổi đánh, vừa đánh vừa mắng. Lẽ ra tôi phải ở nhà phụ mẹ làm việc nhà.
Tôi bàng hoàng và oà khóc. Tôi đã nghĩ mẹ sẽ bất ngờ và vui mừng. Tôi cũng xấu hổ khi có cả đứa bạn và một người hàng xóm chứng kiến sự việc. Diễn biến sau đó thế nào và bông hoa bị xử lý ra sao, tôi không còn nhớ nữa, chỉ nhớ rằng mình đã rất giận mẹ.
Bây giờ tôi 30 tuổi, đã đi làm và có khả năng mua bao nhiêu bông hoa cẩm chướng đỏ tuỳ thích. Tôi đủ chín chắn để hiểu cuộc đời mẹ quá lam lũ, không quen được tặng hoa. Tôi cũng luôn gọi điện, gửi quà cho mẹ trong mọi dịp lễ Tết và nghe tiếng mẹ nói cười rổn rảng. Những tôi không tặng mẹ bông hoa cẩm chướng đỏ nào nữa.
13 năm trôi qua, dù tôi đã học được cách tặng những món quà ưng ý cho mẹ nhưng hoa cẩm chướng đỏ vẫn là vết thương trong lòng tôi”.
Chỉ là món quà nhỏ nhưng đôi khi lại gây vết thương lớn (Ảnh minh hoạ)
Bố mẹ Hoàng Anh hay mẹ Vân Chi đều không ghét bỏ những món quà, càng không ghét bỏ con mình mà còn ngược lại.
Khi con trai không ở nhà, bố mẹ Hoàng Anh thường khoe với họ hàng và hàng xóm rằng anh chàng hay sắm sửa trong nhà, bao gồm chiếc máy rửa bát. Mẹ Vân Chi từng kể với chị gái cô rằng đã rất hối hận ngay từ khoảnh khắc cầm chổi đánh cô, hối hận nhiều năm về sau. Đến tận bây giờ mẹ vẫn ước giá như lúc đó đừng nóng nảy đến thế.
Nhưng về cơ bản, bố mẹ vẫn luôn khó chấp nhận những món quà của con cái.
Đầu tiên, bố mẹ cảm thấy tệ khi con cái tiêu tiền vào những thứ mà họ cho là lãng phí. Dù con cái có cách suy nghĩ và chi tiêu của riêng mình nhưng bố mẹ lại cho rằng chúng chỉ biết tiêu xài, không biết tiết kiệm.
Ngay cả khi con cái đã đi làm, bố mẹ vẫn không muốn con tốn tiền vì biết rằng chúng đã chịu rất nhiều áp lực trong cuộc sống. Bố mẹ luôn nói với con mình rằng nên mua gì đó ngon mà ăn nhưng nếu thấy con chi tiền cho mình, họ sẽ cảm thấy dằn vặt. Từ đây bố mẹ vô thức mắng con cái tiêu tiền bừa bãi. Chủ yếu là vì họ thương con, nghĩ rằng con kiếm tiền không dễ dàng, đã làm việc rất chăm chỉ và vất vả mới có được số tiền đó.
Bố mẹ và con cái cũng có góc nhìn khác nhau về sự khen ngợi. Trong khi con cái mong đợi sự chấp nhận, khen ngợi món quà thì bố mẹ lại nghĩ rằng mình càng khen ngợi, con cái sẽ càng thường xuyên tặng quà, càng tốn tiền hơn. Chỉ một món quà hoặc một bó hoa nhưng bố mẹ thực sự có nhiều điều để suy nghĩ.
Ngoài ra một số bố mẹ cũng muốn giúp con cái hình thành khái niệm tiết kiệm. Họ muốn con cân nhắc khi chi tiêu bất cứ thứ gì, ngay cả quà tặng cho bố mẹ và muốn thông qua những lời chỉ dạy (đôi khi là mắng chửi) để con có thói quen chi tiêu đúng đắn. Bởi với kinh nghiệm của mình, bố mẹ hiểu rằng luôn có nhiều bẫy mua sắm trong cuộc sống và con cái rất dễ bị FOMO.
Ngược lại, từ góc nhìn của con cái, chúng thấy ấm ức vì mình rất yêu bố mẹ nên mới tặng quà nhưng vẫn bị mắng. Thậm chí nhiều đứa trẻ còn hình thành tâm lý mặc cảm, vết thương lòng. Dần dà, chúng không dám thể hiện tình cảm với ai, lúng túng trong nhiều tình huống vì nghĩ rằng sẽ bị phủ nhận.
(Ảnh minh hoạ)
Nhà tâm lý học và triết học tiên phong người Mỹ William James từng nói: “Nguyên tắc sâu sắc nhất trong bản tính con người là thèm khát được trân trọng, tán thưởng”.
Sự đón nhận, khẳng định và động viên tinh tế của bố mẹ có thể truyền cảm hứng cho sự tự tin, động lực bên trong của con cái, khiến con cái không sợ bị từ chối và giúp chúng ngày càng phát triển bản thân theo hướng tốt hơn.
Khi nhận được quà từ con cái, bố mẹ trước hết nên vui vẻ đón nhận và tận hưởng điều ngọt ngào mà con cái mang cho mình. Sau đó mới đến bước xem xét món quà có phù hợp không, giải thích cho con cái tại sao không phù hợp và đề xuất phương án thay thế.
Chẳng hạn trong câu chuyện của Vân Chi, nếu thấy lẽ ra con gái phải ở nhà làm việc nhà, mẹ cô nên nói rằng: “Cảm ơn con. Mẹ rất vui vì món quà. Nhưng mẹ nghĩ món quà tuyệt vời nhất ngay lúc này nên là sự ngoan ngoãn và chăm chỉ của con. Con giúp mẹ làm việc này nhé?”.
Làm như vậy không chỉ giữ thể diện cho con cái mà còn giúp trẻ nhận ra rằng mình không hoàn toàn bị phủ nhận, chỉ là chưa thích hợp nên sẽ cố gắng điều chỉnh trong tương lai.
Về phần mình, chính con cái cũng cần phải chủ động nắm bắt tâm lý của bố mẹ, điều chỉnh cách tặng quà và món quà phù hợp.
Nếu bố mẹ sợ bạn lãng phí, hãy lựa lời để nói chuyện và bày tỏ cảm xúc của mình như: “Bố mẹ ơi, con tặng quà để làm bố mẹ vui, không phải để bố mẹ thấy tốn kém. Hy vọng bố mẹ sẽ thích nó”. Đồng thời con cái cũng nên nhấn mạnh sự độc lập và trưởng thành của mình, món quà không phải là mua sắm bốc đồng.
Một cư dân mạng từng chia sẻ kinh nghiệm tặng quà của cô sau nhiều lần thử nghiệm và trao đổi với bố mẹ: “Mẹ tôi không thích mỹ phẩm, kể cả những món đắt đỏ và tốt nhất nhưng bà rất thích chiếc lược gỗ và bàn chải đánh răng điện mà tôi mua tặng. Bố tôi thích điện thoại thông minh nhưng không được quá đắt tiền và không muốn tôi mua quần áo cho ông”.
Về sau, Hoàng Anh cũng nhận ra chiếc máy rửa bát chưa phải là món quà phù hợp với bố mẹ vì 2 người ăn uống rất đơn giản, không có quá nhiều bát đĩa để phải rửa bằng máy. Nhưng khi anh tặng bố mẹ 2 chiếc nệm ngải cứu để nằm thì họ rất thích.
Bạn thấy đấy, chỉ cần chịu khó quan sát sẽ hiểu được nhu cầu của người khác và tặng những món quà phát huy tối đa giá trị của chúng.
Suy cho cùng, cả bố mẹ và con cái đều không có gì sai, chỉ là chưa hiểu ngôn ngữ yêu thương của nhau. Mong chúng ta dành yêu thương nhiều hơn một chút và nhẫn nại thêm một chút để không có thêm những tổn thương không đáng có nhé!