Người ta thường ví lòng hiếu thảo giống như ánh sáng, là một trong những đức tính dịu dàng nhất của con người. Người con hiếu thảo sẽ mang lại hạnh phúc cho bố mẹ, là điểm tựa cho họ lúc tuổi cao sức yếu.
Nhưng đôi lúc, lòng hiếu thảo của con cái lại không phải là tình cảm thực sự mà toàn là giả tạo. Có những đứa con, có vẻ rất yêu thương bố mẹ, luôn chăm sóc và chu đáo. Nhưng hoá ra việc đó có mục đích phía sau, không phải lòng hiếu thảo. Đó là hiếu thảo giả tạo.
Trên đời này có nhiều việc nói thì dễ, làm mới khó. Một số người con luôn miệng hỏi han, nói rằng mình “nhớ bố, yêu mẹ” nhưng tất cả chỉ dừng lại ở lời nói, không làm gì cho bố mẹ cả.
Tôi có một người bạn. Mỗi khi nghe cô ấy gọi điện cho bố mẹ ở quê, tôi đều ghen tị khi nghe những câu: “Bố có nhớ con không?”, “Yêu bố mẹ nhất!”,... Gia đình tôi không có thói quen thể hiện bày tỏ tình cảm như thế.
Cho đến một lần nọ, tôi tình cờ phát hiện bố cô ấy đang bị ốm, phải nhập viện ở quê nhưng cô ấy không mảy may lo lắng. Cô còn nói rằng mình bận công việc, không thể về được trong khi đang lên kế hoạch đi du lịch với nhóm bạn chúng tôi. Thậm chí, người bạn đó cũng chẳng nghĩ đến việc nên gửi tiền đỡ đần cho bố mẹ mà chỉ nói suông kiểu họ phải tự chăm sóc bản thân tốt, nghỉ ngơi đầy đủ.
Đó chính là hiếu thảo giả tạo.
Hiếu thảo thực sự là con cái phải hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc bố mẹ bằng hành động. Đặc biệt, những lúc họ ốm đau, bạn phải càng chu đáo hơn. Bởi vì bạn sẽ không bao giờ biết lúc nào sẽ phải xa họ mãi mãi và hối hận thì đã muộn.
(Ảnh minh hoạ)
Sau khi chồng mất, dì Loan một tay chăm sóc 2 người con, một trai một gái. Người con trai rất thích tỏ ra mình là một người giỏi giang, thu nhập hàng trăm triệu/ tháng.
Mỗi khi nói với mẹ, người con trai đều rất hào phóng và mong muốn được báo đáp: “Mẹ đừng tiếc tiền nhé! Mẹ muốn gì cứ bảo để con mua cho”. Anh ta cũng mặc đồ hiệu, lái xe sang, đeo đồng hồ đắt đỏ nhưng mỗi lần về thăm mẹ, anh đều đi tay không, đến cả túi trái cây cũng không mua nổi.
Trong khi đó người con gái thì ngược lại. Dù không nói nhiều nhưng cô luôn là người chăm sóc mẹ cẩn thận, thường xuyên mua đồ ăn và đồ dùng hàng ngày, thỉnh thoảng lại đến dọn phòng và giặt chăn ga gối đệm cho mẹ.
Khi lập di chúc và phân chia tài sản thừa kế, dì Loan đã để lại toàn bộ tài sản cho con gái. Nghe tin, người con trai đã đến làm ầm lên, dùng lời lẽ cay nghiệt với mẹ và đòi đánh nhau với em gái.
Lúc đó, dì Loan chẳng còn e ngại hay sợ xấu hổ với hàng xóm, đã mắng con trai là giả tạo. Bà còn tuyên bố rằng mình chưa từng có con trai, cả đời chỉ có một đứa con gái.
Có những người con thường nói rằng sau này giàu có sẽ hết sức phụng dưỡng bố mẹ. Trên thực tế, khi có tiền, số tiền họ chi cho bố mẹ rất ít. Nếu có, họ cũng hứa hẹn lần lữa khiến bố mẹ hy vọng hết lần này đến lần khác và cuối cùng thất vọng tràn trề.
Tôi từng đọc được ở đâu đó: "Thật ra, người không bao giờ hứa hẹn với bạn lại làm được cho bạn nhiều điều hơn”. Người con hiếu thảo sẽ không nói nhiều mà âm thầm dành thời gian, tiền bạc chăm lo cho bố mẹ.
Ai thực sự hiếu thảo? Ai giả vờ hiếu thảo cho người khác xem? Bố mẹ chỉ cần liếc mắt là có thể nhìn thấu, chỉ là họ không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Cách duy nhất để không rơi vào tình cảnh đó là thật lòng hiếu thảo với bố mẹ.
(Ảnh minh hoạ)
Một số người con thường xuyên về nhà, họ mang theo vài cân hoa quả, hỏi han vài câu và lúc rời đi đều xin bố mẹ tiền. Đó cũng là hiếu thảo giả tạo.
Mỗi lần về thăm bố mẹ chồng, Mai Anh đều than nghèo kể khổ về cuộc sống của mình. Nào là công việc khó khăn, con cái đau ốm, lương 2 vợ chồng thấp,... Liệu có bố mẹ nào vui vẻ khi thấy con cái mình vất vả? Bố mẹ chồng Mai Anh cũng không ngoại lệ nên lại dấm dúi cho cô mấy triệu để chi tiêu.
Tệ hơn, dù luôn miệng nói rằng về quê chăm bố mẹ chồng nhưng thực tế thì ngược lại, Mai Anh đòi hỏi bố mẹ phải chăm sóc mình. Cả ngày cô chỉ lướt điện thoại hoặc lấy cớ trông con, không chịu nói gì ngoài những lời than vãn. Trong khi đó bố mẹ chồng cô mải miết nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, giúp con dâu trông cháu,...
Thậm chí cô con dâu này còn bóng gió với chồng và bố mẹ chồng về chuyện chia tài sản, đòi hỏi nhà mình được phần hơn vì là con trưởng, phải phụng dưỡng bố mẹ. Nghĩ thế nào cũng không thể chấp nhận kiểu phụng dưỡng này!
Hầu hết những người con chỉ thích vòi tiền, bòn rút tài sản của bố mẹ sẽ không bao giờ hiểu hiếu thảo là gì. Chúng chỉ quen với việc đòi hỏi, được bố mẹ lo liệu mọi thứ. Vì vậy mà đến khi bố mẹ đau yếu, gặp vấn đề thì họ sẽ lẩn tránh trách nhiệm, nếu có làm gì đó cho bố mẹ cũng chỉ qua loa cho xong chuyện.
Sau cùng, hiếu thảo với bố mẹ không chỉ là những lời nói suông, hãy làm việc thực tế hơn. Đó là việc đơn giản như nấu một bữa ăn cho bố mẹ, sửa chữa hoặc sắm mới đồ nội thất trong nhà, mua cho họ quần áo mới hay đồ đạc tiện lợi cho tuổi già,... Đồng thời bớt hứa hẹn những điều không cần thiết, thay vào đó hay lập kế hoạch cụ thể như dành bao nhiêu phút/ngày để nói chuyện với bố mẹ, khi nào có thể đưa bố mẹ đi du lịch,...
Con cái nên hiếu thảo với bố mẹ bằng tất cả tình cảm của mình, đừng vì những thứ hào nhoáng hay lời khen bên ngoài. Bởi vì một ngày nào đó, bố mẹ cũng sẽ rời khỏi thế giới của bạn, để bạn bơ vơ trên đời này.
(Nguồn: Baidu)