Mua được nhà, mỗi tháng tiết kiệm 3/4 thu nhập nhưng không thấy hạnh phúc: Chuyện gì đang xảy ra với tôi vậy?

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 20:09 30/04/2025
Chia sẻ

Dù không giàu có, nhưng chí ít vẫn có công việc, cũng không phải đi thuê nhà, không cần lo bể nợ hay chạy ăn cuối tháng nhưng vẫn không hạnh phúc…

Bỏ được gánh nặng về tiền bạc là tiến được một bước gần hơn tới viên mãn, tới cuộc sống thảnh thơi chẳng cần nghĩ ngợi gì nhiều. Đó là điều mà nhiều người trong chúng ta vẫn thường tin là đúng, chẳng lệch đi đâu được. Cứ thử bể nợ, không có thu nhập, phải lo ăn từng bữa mới hiểu cái cảnh bị câu hỏi “tiền đâu ra?” giày xéo 24/7, nó ám ảnh cỡ nào.

Nhưng nếu chỉ vì thế mà nghĩ rằng không phải lo nghĩ về tiền bạc đồng nghĩa với hạnh phúc, thì có lẽ vẫn còn nhiều sai số lắm.

Mới đây, một người phụ nữ - chắc cũng U40 rồi, đã tâm sự về tình cảnh có phần “không thể hiểu nổi” của bản thân trên Weibo. Bài đăng của cô ngay lập tức nhận về hàng chục ngàn tương tác, bình luận.

“Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình…”

Nguyên văn bài tâm sự ấy như sau: “Tôi là con gái của một người mẹ đơn thân.

Từ khi có nhận thức tới tận bây giờ, ký ức duy nhất tôi nhớ được về tuổi thơ của mình chỉ là những buổi tối lủi thủi ở nhà, tự cho đồ ăn trong tủ lạnh vào lò vi sóng, ăn một mình, dọn dẹp một mình, ngủ một mình và chẳng biết mẹ về nhà khi nào.

Mua được nhà, mỗi tháng tiết kiệm 3/4 thu nhập nhưng không thấy hạnh phúc: Chuyện gì đang xảy ra với tôi vậy?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mẹ con tôi chỉ gặp nhau khoảng 30 phút buổi sáng, trước khi tôi đi học và trước khi bà đi làm. Chuyện này không có ngoại lệ, ngày nào cũng như vậy, kể cả cuối tuần, mẹ vẫn đi làm còn tôi thì vẫn ở nhà 1 mình.

Dù mẹ chưa từng nói với tôi rằng nhà mình nghèo, hay mẹ không thể mua cho tôi thứ này thứ kia khi tôi đòi, nhưng nhìn bà quần quật làm lụng như vậy khiến tôi nghĩ rằng thực ra bà cũng chẳng dư dả gì lắm, chỉ là vì thương tôi không có bố, nên bà chiều chuộng.

Tôi nghĩ rằng chính suy nghĩ ấy đã khiến tôi trở thành một người giống hệt mẹ: Tôi làm việc như thiêu thân. 6 năm sau khi đi làm, tôi để dành được một khoản tiền, cộng thêm tiền bán căn hộ cũ là đủ để mẹ con tôi mua được một căn hộ khang trang hơn. Trước đây, nhà tôi chỉ có 1 phòng ngủ.

Ngày dọn vào căn hộ mới, quả thực tôi cũng chẳng rõ mẹ có vui không. Bà không phải kiểu người để cảm xúc lộ ra trên gương mặt. Còn tôi thì vui, vì ít nhất cũng có cảm giác báo hiếu được cho mẹ phần nào.

Đến hiện tại, tôi đã đi làm được gần 20 năm, hoàn toàn không phải người không có địa vị trong xã hội hay không có tiền. Mỗi tháng, tôi chỉ tiêu khoảng 1/3 tiền lương cho các nhu cầu cơ bản. Tôi cũng không có khoản nợ nào cần phải trả. Nhưng quả thực, tôi không thấy hạnh phúc, thậm chí tôi còn không rõ mình sống để làm gì sau khi mẹ qua đời.

Gần đây, tôi thấy nhiều người than thở về công việc bấp bênh, về những khoản vay mua nhà, về “tiền kiếm chẳng đủ tiêu”. Những điều đó khiến tôi có cảm giác như mình đang sướng quá hóa rồ. Tôi không hiểu tại sao mình lại không cảm thấy vui vẻ khi được ở trong căn nhà không mang nợ, khi được làm việc và khi không phải lo nghĩ quá nhiều về tiền bạc? Chuyện gì đang xảy ra với tôi vậy?”.

Trong phần bình luận của bài đăng, có không ít “kịch bản” được vẽ ra như một lời giải đáp của câu hỏi phía cuối bài. Có người khẳng định cô không thấy hạnh phúc vì quá thiếu những mối quan hệ chất lượng, có người lại bông đùa “mua thêm mấy cái nhà cho có nợ là thấy có động lực sống ngay”.

“Sự chán chường của người có tiền, có sự nghiệp nó cũng khác biệt thật…”.

“Sao thế nhỉ? Là tôi, tôi sẽ đi du lịch khắp nơi, sắm đồ hiệu, đi spa chăm sóc da mặt,... chỉ cần có tiền thôi là có thể làm mọi thứ để tạo niềm vui rồi”.

Vì sao “cái gì cũng có, chỉ hạnh phúc là không"?

1 - Nhầm lẫn giữa thành công vật chất và hạnh phúc nội tại

Chúng ta thường được định hướng rằng thành công về sự nghiệp và tài chính là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc. Tuy nhiên, đây là một sự đánh đồng sai lầm.

Mua được nhà, mỗi tháng tiết kiệm 3/4 thu nhập nhưng không thấy hạnh phúc: Chuyện gì đang xảy ra với tôi vậy?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thành công vật chất mang lại sự tiện nghi, an toàn và đôi khi là địa vị xã hội, nhưng nó không tự động chuyển hóa thành niềm vui và sự thỏa mãn sâu sắc từ bên trong - nói cách khác chính là hạnh phúc nội tại.

Hạnh phúc nội tại xuất phát từ những yếu tố tinh thần, cảm xúc và cách một người xây dựng hệ thống về giá trị cốt lõi cho cuộc sống của chính họ. Khi một người chỉ tập trung vào việc tích lũy vật chất mà bỏ qua việc nuôi dưỡng đời sống tinh thần, cảm xúc, thì sự giàu có bên ngoài khó có thể khỏa lấp được sự “nghèo nàn” bên trong.

2 - Áp lực và căng thẳng liên tục trong quá trình xây dựng sự nghiệp

Để đạt được sự nghiệp ổn định và tài chính vững chắc, nhiều người đã phải trải qua một quá trình làm việc căng thẳng, đối mặt với áp lực cạnh tranh, và hy sinh nhiều khía cạnh khác của cuộc sống như thời gian dành cho gia đình, bạn bè, và sở thích cá nhân.

Dù hiện tại họ đã đạt được mục tiêu về mặt sự nghiệp/tiền bạc, những vết sẹo tâm lý từ quá khứ có thể vẫn còn âm ỉ. Sự kiệt sức về tinh thần và thể chất, cảm giác cô đơn do thiếu vắng sự kết nối sâu sắc, và sự hối tiếc vì những điều đã bỏ lỡ có thể chính là tảng đá chặn đường hạnh phúc.

3 - Mất kết nối với các giá trị cốt lõi và đam mê thực sự

Trong quá trình mưu sinh và thăng tiến, đôi khi chúng ta buộc phải đưa ra những lựa chọn đi ngược lại với những giá trị cốt lõi và đam mê thực sự của bản thân. Việc phải làm những công việc không yêu thích, phải thỏa hiệp với những nguyên tắc cá nhân, hoặc phải sống theo kỳ vọng của người khác có thể dẫn đến cảm giác mất phương hướng và thiếu ý nghĩa trong cuộc sống.

Mua được nhà, mỗi tháng tiết kiệm 3/4 thu nhập nhưng không thấy hạnh phúc: Chuyện gì đang xảy ra với tôi vậy?- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Dù có đạt được thành công về mặt vật chất, sự thiếu vắng niềm vui và sự thỏa mãn từ những việc mình làm sẽ khiến cho hạnh phúc trở nên xa vời. Như Steve Jobs đã từng khuyên: "Cách duy nhất để làm được những công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm".

Khi công việc chỉ đơn thuần là phương tiện kiếm tiền mà không mang lại sự hứng thú và ý nghĩa, nó khó có thể là nguồn gốc của hạnh phúc lâu dài.

4 - Thói quen so sánh bản thân với người khác

Mạng xã hội và văn hóa hiện đại thường khuyến khích sự so sánh giữa người với người. Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, chúng ta vẫn có xu hướng nhìn vào những người giàu có hơn, thành công hơn, hoặc có cuộc sống "hoàn hảo" hơn trên mạng xã hội, từ đó nảy sinh cảm giác bất mãn và tự ti.

Sự so sánh này tạo ra một vòng luẩn quẩn không có hồi kết, bởi luôn có ai đó "giỏi hơn" chúng ta ở một khía cạnh nào đó. Theodore Roosevelt đã rất đúng khi nói: "Sự so sánh là kẻ trộm niềm vui".

Việc liên tục so sánh mình với người khác sẽ ngăn cản chúng ta nhìn nhận và trân trọng những gì mình đang có.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày