Một cú shock ập đến khiến tôi không còn sợ "mất của", càng không bao giờ từ chối khi có người hỏi vay tiền

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ số 15:36 01/01/2025
Chia sẻ

Đôi khi, chúng ta không cần và cũng không nên “tiền bạc phân minh”.

Trước đây, cũng giống như rất nhiều người khác, tôi luôn tin rằng tiền nong là chuyện nhạy cảm. Tôi cố gắng tách rời chuyện tiền bạc khỏi tất thảy những mối quan hệ trong đời, dù là thân thiết hay chỉ quen biết xã giao. Chẳng phải người ta vẫn bảo "tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát" đó sao?

Nhưng đúng là người tính không bằng trời tính. Một biến cố xảy đến khiến tôi nhận ra không phải lúc nào chúng ta cũng nên "phân minh" hay tách rời tiền bạc khỏi những mối quan hệ giữa người với người.

Tiền bạc có thể là "chiếc phao" khi chúng ta đang chấp chới!

Giữa năm 2024, gia đình tôi có người ốm rất nặng, tiền viện phí lên tới cả trăm triệu chứ không ít. Thú thật, con số ấy có phần quá sức với chúng tôi. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, tôi tin rằng ai cũng đều tin "còn người, còn của". Và thế là lần đầu tiên trong đời, tôi đi vay tiền người khác.

Một cú shock ập đến khiến tôi không còn sợ

Ảnh minh họa

Đến giờ, tôi cũng không nhớ nổi mình đã hỏi vay tiền bao nhiêu người. Có người từ chối sau khi động viên tôi cố gắng. Có người ngay lập tức chuyển khoản gần như phần lớn số tiền để dành của họ lúc đó, không quên dặn tôi "nhớ trả đúng hẹn" vì họ cũng có việc. Và cũng có người chỉ chuyển khoản, không hối thúc về thời gian phải trả, thậm chí, còn bảo tôi "cứ tập trung lo cho người nhà, bao giờ có thì trả cũng được, không cần áp lực".

Mãi đến khi người thân khỏe lại, tôi mới có đủ bình tĩnh và tâm trí để nhận ra trong số những người đã cho mình vay tiền, không phải ai mình cũng thực sự thân. Có người là đồng nghiệp cùng công ty, cả năm có khi chẳng nói chuyện với nhau lần nào, chỉ thi thoảng xã giao vài câu chào, lời hỏi thăm. Có người là bạn thân cũ, vì cuộc sống và công việc khác nhau nên 4-5 năm trời không gặp.

Họ đã cho tôi vay tiền, số tiền lên tới vài chục triệu đồng - đương nhiên là không hề nhỏ, nhưng lại chẳng đòi hỏi phải có giấy cho vay nợ hay bất kỳ một "bằng chứng" nào đi kèm, ngoài 1 cái ảnh chụp màn hình báo đã chuyển khoản.

Lúc ấy, tôi chợt thấy hổ thẹn. Trước đây, tôi cũng đã từng nhận được những tin nhắn hỏi vay tiền, và tôi luôn từ chối. Lý do thì phổ biến thôi, "thông cảm nhé tôi cũng đang không có". Quả thực là khi ấy tôi có tiền, số tiền nhàn rỗi trong tài khoản có thể gấp 2-3 lần số tiền họ hỏi vay, nhưng tôi vẫn từ chối chỉ bởi sợ rằng dây dưa tiền nong sẽ rất mệt, và đương nhiên, tôi cũng sợ… họ quỵt luôn không trả. "Đồng tiền đi liền khúc ruột" cơ mà.

Một cú shock ập đến khiến tôi không còn sợ

Ảnh minh họa

Chỉ đến khi rơi vào cảnh phải chạy vạy đi vay, tôi mới nhận ra tiền bạc cũng giống như một chiếc phao cứu sinh khi người ta đang chấp chới. Đã có người quăng cho tôi một chiếc phao, chìa cho tôi "một cánh tay" để nắm lấy, giúp tôi vượt qua khúc ngoằn ngoèo của cuộc đời.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi không biết họ có sợ tôi quỵt nợ hay không. Có thể là cũng có đấy, nhưng có lẽ, họ vẫn muốn cứu vớt tôi trước khi lo cho số tiền của mình.

Tiền bạc quan trọng, nhưng không phải là tất cả!

Suy nghĩ của tôi về tiền bạc đã thay đổi hoàn toàn sau biến cố ấy. Dù vẫn luôn tin rằng "không có tiền thì không thể sống được", nhưng tôi đã không còn quá khắt khe, hay nói chính xác là quá ích kỷ trong việc dùng tiền để giúp đỡ người khác.

Tiền bạc quan trọng nhưng chưa bao giờ là điều quan trọng duy nhất. Chúng ta cần tiền để sống, để học tập và trải nghiệm, thiếu tiền thì đương nhiên làm gì cũng khó, đôi khi còn là chẳng làm được gì. Nhưng nếu tiền bạc có thể hủy hoại một mối quan hệ, thì nó cũng có thể gắn kết một mối quan hệ, giống như những gì tôi đã từng trải qua.

Một cú shock ập đến khiến tôi không còn sợ

Ảnh minh họa

Người ta vẫn gắn cho tiền bạc rất nhiều vai trò trong cuộc sống, nhưng thực ra, tiền bạc cũng chỉ là vật trao đổi. Ý niệm về tiền bạc chỉ nên dừng lại ở chức năng vốn dĩ của nó, mọi định kiến khác về tiền bạc và các mối quan hệ, suy cho cùng, đều là phiến diện.

Đương nhiên, tôi biết có những người đã cho vay tiền, đã giúp đỡ người khác nhưng rồi thành ra mất cả tiền lẫn mối quan hệ. Chuyện như vậy hẳn là cũng không ít, nó vẫn diễn ra hàng ngày, nhan nhản ngoài kia.

Nhưng chí ít, với những mối quan hệ thân tình, với những người mà chúng ta tin tưởng, tôi nghĩ rằng nếu có thể, hãy giúp đỡ họ trong lúc hoạn nạn, đừng luôn từ chối cho người khác vay tiền, giống như tôi thuở xưa. Thú thật, đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy hổ thẹn vì điều đó. Mãi tới khi ngoài 30 tuổi, tôi mới hiểu việc có thể giúp được ai đó mang lại cảm giác hạnh phúc, ấm áp thế nào.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày