Trần Ngọc Anh Đào (SN 1988, làm công việc tự do) đang sống cùng chồng và 1 con ở TP.HCM. Anh Đào chia sẻ, năm 25 tuổi, cô tự mua căn hộ 72m2 đầu tiên cho mình ở quận Thủ Đức (TP.HCM) với mức giá 1 tỷ.
Thời điểm này, Anh Đào chỉ có 105 triệu lấy từ quỹ tiết kiệm và tiền thưởng từ công ty, đồng thời vay thêm bố mẹ 95 triệu. Cô nàng trả tiền mua nhà theo tiến độ xây dựng, đến khi trả được 400 triệu thì quyết định vay thêm ngân hàng 600 triệu với lãi suất 8%/năm. Đến năm 2018, cô bán lại căn nhà này với giá 1,85 tỷ.
Cũng trong năm 2018, Anh Đào tiếp tục mua căn hộ thứ hai, rộng 50m2 với giá 1,6 tỷ nằm ở quận 4 (TP.HCM). Lúc này, cô trả trước tiền mua nhà 600 triệu và vay thêm từ ngân hàng 1 tỷ với lãi suất 6,49% năm.
Cuối năm 2021, Anh Đào đã kết hôn và cùng chồng đi mua căn hộ 80m2 ở quận 4 (TP.HCM) với mức giá 4,3 tỷ đồng. Lúc này, hai vợ chồng có 2,3 tỷ từ quỹ tiết kiệm và tiền bán lại căn nhà thứ hai. Còn thiếu bao nhiêu, họ chọn vay ngân hàng với lãi suất 8,5%/năm.
Về riêng hai căn nhà đầu tiên, Anh Đào tự mua nên cần phải quản lý tài chính chặt chẽ để mua được nhà nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng sống. Cô nàng chia sẻ về cách tích lũy tiền để tự mình mua được nhà: Thứ nhất, cô học về đầu tư cá nhân để có thêm thu nhập bên cạnh mức lương hàng tháng; Thứ hai, cô cài đặt chế độ chế độ tự động trừ một khoản từ lương, sau đó chuyển vào tài khoản tiết kiệm và đầu tư. Sau đó, cô mới chia lương vào các khoản chi trả thiết yếu như thuê nhà, điện nước, xăng, điện thoại,...
Sau khi mua được nhà, bước tiếp theo của cô là nỗ lực tăng lương và chi tiêu tiết kiệm nhằm nhanh chóng hoàn tất các khoản nợ. Về riêng tăng thu nhập, Anh Đào được tăng trung bình 10% lương hàng năm, đồng thời cô còn chăm chỉ nhận thêm nhiều công việc vào buổi tối.
Trong khi đó, khi nhớ lại hành trình mua 2 căn nhà đầu tiên, cô chia sẻ: “không thể tưởng tượng được bản thân đã tiết kiệm siêu giỏi thế nào”.
Một số mẹo tiết kiệm của cô nàng để nhanh chóng hoàn thành việc trả nợ là: Thứ nhất, cô chọn mua các món đồ gia dụng có chức năng tiết kiệm điện để không tốn nhiều tiền điện khi ở chung cư.Thứ hai, cô lên danh sách các món đồ trước khi mua, đồng thời tranh thủ mua sắm vào các dịp sale lớn hoặc mua trên các sàn thương mại điện tử.
Thứ ba, cô sẽ liệt kê các khoản chi thường xuyên nhất, sau đó tìm dòng thẻ tín dụng có chức năng hoàn tiền ở một số hạng mục thường xuyên chi tiêu như đi siêu thị, đi khám bệnh, đóng tiền bảo hiểm, mua sắm online... Nhờ thẻ tín dụng, mỗi tháng Anh Đào có thể được hoàn lại tầm 500-600 ngàn đồng. Ngoài ra, nên đặt ngân sách cho các khoản chi trong hạn mức để tránh việc chi quá tay. Một điều quan trọng là cần có quỹ khẩn cấp cho các tình huống bất ngờ xảy ra để tránh ảnh hưởng đến các khoản tiết kiệm.
Cuối cùng, Anh Đào chọn mua quần áo secondhand cho trang phục hàng ngày để tiết kiệm chi phí… Tuy nhiên, với trang phục đi làm, đi chơi hoặc đi dự tiệc thì cô sẽ chọn mua có giới hạn trang phục chất lượng, mẫu mã đơn giản để vừa tôn dáng, vừa dễ phối đồ và trang nhã lịch sự.
Khi mua căn nhà thứ ba, do đã có khoản tích lũy khá lớn kết hợp với mua nhà cùng chồng nên áp lực tài chính đè lên vai Anh Đào cũng giảm bớt hơn so với lần mua 2 căn nhà đầu tiên. Căn nhà thứ ba hoàn toàn do vợ chồng Anh Đào nỗ lực mua từ hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, đáng tiếc là vào năm ngoái, gia đình gặp nhiều biến cố như cả hai vợ chồng cùng mất việc, con bị bệnh nặng cần tiền điều trị gấp,... nên họ đã phải bán căn nhà thứ ba để đủ tiền lo toan các chi phí của cuộc sống.
Hiện, cặp đôi đang đi thuê nhà nhưng đã hoàn thành hết các khoản nợ vay mua nhà và đủ tiền điều trị cho con. Bên cạnh đó, họ còn bắt đầu ổn định lại công việc, tập trung vào đầu tư để vừa chăm sóc con, cũng như chuẩn bị tài chính để mua thêm nhà.
“Do nhà mình có thói quen tích góp và tiết kiệm, nên khi biến cố đến may mắn vẫn có tài sản để thanh khoản cứu con được”, Anh Đào nhớ lại về biến cố của gia đình.
Trải qua 3 lần mua bán nhà, Anh Đào rút ra được một số kinh nghiệm khi tìm mua nhà để ở:
- Thứ nhất, tính toán tài chính để mua nhà
Khi mua được nhà, bạn nên tính toán bản thân có bao nhiêu tiền, cần vay thêm tiền bao nhiêu, khoản nợ nên chiếm bao nhiêu phần trăm trong thu nhập và trong bao lâu thì có thể hoàn thành việc trả nợ.
“Khi vay nợ, đầu tiên hãy xem có nguồn nào khác để vay mà có lãi suất thấp, chẳng hạn như vay từ người thân. Lúc này, bạn có thể trả cho họ cao hơn lãi suất tiết kiệm một xíu để cả hai cùng có lợi, nhưng vẫn nằm trong khả năng trả nợ của bạn để không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên. Nếu vay từ ngân hàng, bạn nên cân nhắc các ngân hàng có thời gian cho vay ưu đãi lâu nhất và khoản vay nên được trừ gốc nhiều hơn ở các năm đầu”.
- Thứ hai, cân nhắc về tính pháp lý và tiện ích xung quanh
Nếu muốn mua nhà mặt đất/đất, bạn nên chịu khó dành thời gian đi kiểm tra tính pháp lý của nhà/đất ở Sở/Phòng tài nguyên môi trường ở khu vực đó, nhằm biết nhà/đất có có thuộc vùng bị quy hoạch hay không.
Nếu mua căn hộ, bạn nên kiểm tra mức độ uy tín của chủ đầu tư và tính pháp lý của chung cư.
Trong lần đầu đi mua căn hộ thì hãy thử thuê ở ngắn hạn theo ngày/tuần hoặc hỏi thăm các căn hộ cho thuê ngắn ngày để đánh giá về tình hình dân cư, đường xá, tiện ích,...của chung cư. Còn nếu mua nhà trong dự án chung cư đang xây thì bạn phải xem xét thật kỹ về tính pháp lý trước khi quyết định mua. Cụ thể, bạn nên xem chủ đầu tư đã từng xây dựng các dự án chung cư như thế nào và có đúng tiến độ hay không. Ngoài ra, bạn có thể tham gia các nhóm về review bất động sản để tìm hiểu thêm về căn nhà định mua, chứ không nên chỉ nghe thông tin một phía từ môi giới.
- Thứ ba, tính toán chọn ngân hàng để vay mua nhà
Anh Đào chia sẻ: “Khi vay nợ, mình sẽ chọn các ngân hàng có lãi suất tốt ( lãi suất cố định trong 2, 3 hoặc 5 năm thì càng tốt) và thời hạn vay lâu nhất có thể. Điều này giúp phần tiền gốc trả nợ mà bạn phải trả hàng tháng nhẹ đi, khoản nợ đỡ gây áp lực cho mình. Tuy nhiên, điểm bất lợi là nếu trả nợ lâu thì lãi trả sẽ nhiều hơn, nhưng mình có thể chọn trả nợ sớm thì nên quan tâm thêm đến phần lãi trả nợ trước hạn.
Ngoài ra, bạn nên chọn vay từ ngân hàng mà khoản phải trả hàng tháng trừ phần nợ gốc trả nhiều vào các năm đầu tiên hơn là chỉ trả lãi nhiều mà trả gốc ít. Lưu ý thêm khi có nợ là bạn nên cân nhắc thêm việc tăng nguồn thu nhập để trả nợ, tìm thêm kênh đầu tư uy tín hoặc cho thuê lại 1 phần căn nhà đang ở để san sẻ phần nào nợ. Trong vài năm đầu sau khi mua nhà, bạn nên chịu khó thắt chặt chi tiêu để nhanh chóng hoàn thành trả nợ, từ đó giảm bớt áp lực tài chính cho những năm sau”.
Từ trải nghiệm cá nhân, Anh Đào dành lời khuyên cho những người trẻ đang phấn đấu mua nhà từ hai bàn tay trắng: “Các bạn nên tìm hiểu về quản lý tài chính sớm nhất, có tích lũy, tận dụng được lãi kép và các kênh đầu tư thì sẽ có nhiều khoản tiết kiệm để thực hiện ước mơ mua nhà ở. Vì các bạn có sức trẻ, nhiều năng lượng và thời gian thì hãy cố gắng học hỏi, tìm hiểu về tài chính thì sẽ vô cùng có lợi.
Nếu bạn ước mơ có được một chốn riêng cho bản thân thì nên tìm hiểu thông tin về việc mua nhà, vay ngân hàng, tra cứu tính pháp lý khi mua nhà đất/chung cư, cách gia tăng thu nhập để đạt được ước mơ.
Khi đã xác định mua nhà đất/chung cư rồi thì bạn cần tìm hiểu về khu vực đang muốn sống. Nếu chưa chắc thì có thể dọn đến nơi đó thuê ở trước để xem dân trí ra sao; an ninh có ổn; địa điểm có gần chợ, trường học, bệnh viện; mùa mưa có ngập nước; đoạn đường đến công ty có bị kẹt xe và mất nhiều thời gian di chuyển không.
Và cuối cùng, hãy xem sự kiên định của bạn có đủ lớn để tập trung tối đa hoàn thành ước mơ mua nhà như thế nào. Nếu mua nhà mà không có sự hỗ trợ tài chính từ người thân, bạn hãy bắt đầu từ việc mua đất ở xa, sau đó bán lại để mua chung cư cũ hoặc nhà đất nhỏ. Tiếp theo, bạn lại tiếp tục bán chúng để mua nhà to hơn, có vị trí đẹp hơn…”.
Cảm ơn Anh Đào vì những chia sẻ. Chúc bạn sớm đạt được nhiều thành tựu tài chính hơn trong tương lai!