Những ngày đầu năm mới là thời điểm mọi người đặt ra mục tiêu to tát. Có người mơ núi mơ sông thì cũng có rất nhiều người muốn mua nhà, mua cửa để sớm ổn định cuộc sống, không thì nắm trong tay nhiều bất động sản cũng là hình thức làm giàu nhanh.
Nếu bạn đang có ý định mua nhà mà chưa biết bắt đầu từ đâu thì hãy cùng lắng nghe câu chuyện của những người trẻ dưới đây. Có thể những lời tâm sự sẽ tiếp cho bạn động lực để phấn đấu có được mái ấm riêng cho mình.
Doãn Việt (thiết kế UI) mua căn hộ 48m2, giá 2 tỷ đồng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là căn nhà đầu tiên mà anh chàng sở hữu, được mua vào năm 2020.
Thời điểm Việt chọn mua nhà là ở giữa đại dịch Covid-19. Trước đó, Việt sống trong 1 căn hộ với 3 thế hệ.
"Mình nghĩ rằng, khi đủ trưởng thành, nếu có điều kiện, ai cũng nên có không gian riêng để xây dựng cuộc sống cá nhân, hình thành lối sống, phát triển phong cách sống. Thế là mình quyết định mua nhà, ra ở riêng khi còn độc thân", Việt nói.
Tại thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà, Việt đã vay 1,4 tỷ đồng tương đương 70% giá trị căn nhà, được hưởng chương trình ân hạn lãi suất 0% trong 16 tháng từ ngân hàng A. Trong thời gian đó, anh chàng trả thêm 400 triệu đồng, tương đương 20% giá trị căn nhà. Do vậy khi kết thúc chương trình ân hạn lãi suất 0%, anh chàng chỉ còn nợ ngân hàng 1 tỷ đồng.
Cùng thời điểm đó, Việt còn vay từ ngân hàng B với mức lãi suất thấp hơn ngân hàng A, để trả đứt khoản nợ còn lại. Việt có 16 tháng ân hạn lãi suất thì trước khi sang tháng thứ 17, anh chàng đã hoàn thành trả hết nợ nên không mất phí trả trước hạn.
Việt lưu ý rằng có một số ngân hàng sẽ mua lại khoản nợ từ ngân hàng khác. Tuy nhiên, trường hợp của anh chàng không như vậy. Anh chàng cần thế chấp một tài sản khác để vay một khoản nợ mới trả cho ngân hàng đầu tiên vay mua nhà.
Không gian nhà của Việt
Đó là câu chuyện của Hải Sâm (sinh năm 1990, làm trong lĩnh vực marketing) - người đã mua căn nhà đầu tiên năm 2022. Hải Sâm mua căn hộ 48m2, giá 2,3 tỷ đồng ở Hà Nội. Thời điểm này, cô chọn vay trả góp 70% giá trị căn nhà trong vòng 25 năm, miễn lãi suất 2 năm đầu. Dự định của Hải Sâm là dành 2 năm đầu để chuẩn bị tài chính và sẽ trả hết nợ trong vòng 5 năm. Bởi vì với cô, nếu "gánh nợ" trong 25 năm thì sẽ rất áp lực.
Hải Sâm nhớ lại, cô từng không muốn mua nhà khi còn độc thân. Cũng vì thế, cô chưa từng nghĩ đến chuyện mua nhà cho đến khi bác nói rằng: Con gái ngoài 30 tuổi nên sở hữu nhà riêng, không cần phải quá lớn.
Và những cơ duyên khác đã đến khiến Hải Sâm thay đổi về ý định mua nhà của mình. Cô nàng tâm sự: "Mình luôn nghĩ sau này khi lập gia đình, vợ chồng cố gắng mua 1 căn nhà, xây dựng tổ ấm. Nhưng duyên chưa đến, mình vẫn độc thân, đi làm và ở trong căn phòng thuê chật hẹp chưa đến 20m2. Nó ảnh hưởng đến môi trường sống và chất lượng cuộc sống nên mình quyết định vay nợ mua nhà".
Thực tế, mua nhà khi còn độc thân gây áp lực rất lớn trên khía cạnh tài chính. Bản thân Hải Sâm đã phải đong đếm khá nhiều và nỗ lực tích lũy tiền bạc để mua nhà. Tuy nhiên, chứng kiến giá bất động sản tăng khá mạnh mẽ đã khiến cô quyết định nghĩ đơn giản đi.
Vay nợ mua nhà để có tài sản riêng tạo động lực vượt qua giới hạn bản thân, nỗ lực làm những điều mà trước đây bản thân chưa dám nghĩ tới.
Trước khi mua nhà, Hải Sâm làm đồng thời 2 công việc nhưng không thường xuyên. Nhưng từ khi có nhà riêng, cô đã duy trì nguồn thu nhập đa dạng và đều đặn hơn. Ngoài ra, Hải Sâm còn phải thay đổi trong cách quản lý tài chính. Cô nàng nói: "Sau khi mua nhà, mỗi tháng mình không phải bỏ 4 triệu/tháng thuê nhà. Mình đang học cách tối ưu hóa chi phí sinh hoạt, tiết kiệm tiền trả nợ. Hơn thế nữa, có không gian sống tốt hơn, đảm bảo sức khỏe làm việc. Mình được sống trong môi trường văn minh, hiện đại, tinh thần cũng được cải thiện rất nhiều".
Căn hộ được Hải Sâm mua trước khi kết hôn
Hải Yến (sinh năm 1992, làm trong lĩnh vực nhân sự) và chồng (sinh năm 1992, kỹ sư) đến nay đã kết hôn 7 năm và sở hữu căn nhà đầu tiên vào năm ngoái. Cả hai đã nhen nhóm ý định mua nhà khi từ khi mới cưới, song vì có rất nhiều vấn đề xảy ra nên sau 6 năm kết hôn, ước mơ này mới được hoàn thành. Đến năm thứ 5 sau khi kết hôn, cặp đôi tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng và bắt đầu tìm kiếm nhà để mua.
Căn nhà vợ chồng Hải Yến mua là nhà sang nhượng, rộng 76m2 ở quận 9 (TP Hồ Chí Minh), giá 3 tỷ đồng. Vợ chồng cô vay ngân hàng 50% giá trị, tức 1,5 tỷ đồng trong 20 năm. Trung bình mỗi tháng, gia đình cô trả ngân hàng khoảng 17-19 triệu đồng/tháng - một con số an toàn với tài chính của gia đình. Cuối năm khi nhận khoản thưởng lớn, họ sẽ trả ngân hàng một phần lớn hơn để tránh áp lực tài chính trong lâu dài.
Sau khi mua nhà, những thói quen chi tiêu trong gia đình không thay đổi quá nhiều. Bởi bình thường, vợ chồng Hải Yến đã khá kiểm soát trong tài chính. Họ không hay mua sắm, đi du lịch. Thêm nữa, trước đó gia đình cô đi thuê nhà tốn 11 triệu đồng/tháng thì hiện tại trung bình họ trả nợ 18 triệu đồng/tháng. Nói cách khác, so với thời điểm trước khi mua nhà thì giờ đây dù số tiền tiết kiệm ít hơn nhưng họ đã có được nhà riêng.
Nói về lý do chọn nhà sang nhượng, cặp đôi cho rằng hiện tại nếu muốn tìm nhà ở dự án mới xây với vị trí thuận lợi như vậy gần như không có. Những căn nhà thuộc dự án chung cư có pháp lý rõ ràng và ra sổ hồng nhanh không nhiều. Thêm vào đó, những căn nhà này nằm vượt xa ngân sách đã đề ra của hai vợ chồng. Do đó, có thể nói, mua căn hộ sang nhượng là lựa chọn phù hợp nhất với vợ chồng Hải Yến.
Trước khi mua căn hộ, cặp đôi còn sống ở khu chung cư này trong 6 tháng để trải nghiệm tất cả tiện ích cũng như xem môi trường sống có phù hợp với gia đình và mong muốn từng cá nhân hay không. Và bởi vì họ cảm thấy rất ưng ý với chung cư nên Hải Yến và chồng đã quyết định chốt căn nhà nhanh chóng.
Theo Hải Yến, khi tìm mua nhà sang nhượng, bạn nên tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của dự án và làm việc thông qua 1 bên môi giới bất động sản uy tín. Bạn cần tìm hiểu xem bản thân sẽ phải trả các loại thuế/phí gì khi mua nhà hoặc sang nhượng có sổ. Đã có những trường hợp chủ nhà rao giá khá rẻ nhưng để người mua tự chịu các loại thuế phí kể cả thuế thu nhập cá nhân của bên bán. Nếu mua nhà dính trường hợp này, phần thiệt sẽ thuộc về bạn.
Cặp đôi mua được nhà sau 6 năm kết hôn
Từ trải nghiệm cá nhân, Hải Sâm cho rằng mọi người nên sở hữu nhà từ sớm, nỗ lực kiếm tiền ngay khi còn trẻ. Tất nhiên bạn cũng nên cân bằng cuộc sống, không phải cứ lao đầu vào kiếm tiền mà quên đi sức khỏe của bản thân.
Bên cạnh đó, bạn hãy học cách quản lý tài chính bằng việc phân chia chi tiêu hợp lý, tối ưu hóa khoản tiền tiết kiệm. Ví dụ, các bạn chỉ nên mua quần áo vừa đủ phục vụ cuộc sống hàng ngày, sắm những bộ đồ chất lượng, mặc được lâu dài mà vẫn hợp thời. Đồng thời, bạn hãy mua những đồ thật sự cần dùng tới thường xuyên thay vì đầu tư cho những món đồ 1 năm chỉ dùng có 1-2 lần. Đừng quên cân nhắc và có kế hoạch đi du lịch sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn nổi hứng lên là đi. Nếu có thể, hãy đa dạng hóa nguồn thu nhập để giúp tiết kiệm tốt hơn, phòng tránh những trường hợp công việc bị ảnh hưởng do nền kinh tế.
Trong khi đó, sau trải nghiệm mua nhà, Hải Yến cũng rút được một số lưu ý sau:
- Bạn nên tiết kiệm tối thiểu 20-30% tổng thu nhập hàng tháng, thay vì chi tiêu không có kế hoạch.
- Số tiền bạn chọn vay ngân hàng không vượt quá 50% giá trị căn hộ, không vượt quá 50% tổng thu nhập. Số tiền trả cho ngân hàng cũng chỉ khoảng 30% thu nhập hàng tháng.
- Bạn hãy tìm hiểu về lãi suất vay mua nhà của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng có lãi suất cố định trong vòng 6-36 tháng đầu, sau đó thả nổi dựa trên lãi suất thị trường. Nếu không có kế hoạch chi tiêu rõ ràng trong hành trình mua nhà, gia đình bạn có thể sẽ phải đối mặt với nợ nần chồng chất.
- Bạn nên có 1 cuốn sổ/ứng dụng ghi lại kế hoạch chi tiêu của gia đình. Điều đó giúp kiểm soát được việc chi tiêu. Bạn cần phân định các khoản nào là cố định, thiết yếu không thể thay đổi hoặc giảm bớt (tiền thuê nhà, điện, nước, học phí cho con, xăng xe, ăn uống,...) và khoản nào là không thiết yếu (du lịch, mua sắm, đi ăn ở ngoài, giải trí,...).