Bệnh gút (còn gọi là gout hay thống phong) là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, bệnh đặc trưng bởi nhiều đợt viêm khớp cấp tái phát. Đau nhức khớp được xem là biểu hiện điển hình nhất của bệnh. Ở mỗi đợt bệnh cấp, người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối,... kèm theo cơn đau là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được do đau. Nhiều bệnh nhân còn ví von rằng: “ cơn đau của bệnh Gút là vua của các loại đau..” để cho thấy sự khó chịu của bệnh gây ra.
BÁC SĨ HUỲNH MINH NHỰT
Tác giả bài viết
Bác sĩ tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.
Bác sĩ khoa Nội Nhiễm - BV đa khoa Khu vực Thủ Đức
Kinh nghiệm công tác:
Bác sĩ điều trị Hệ thống nhi khoa Dr.Phước.
Đại biểu Đại hội Liên Chi Hội Gan Mật TPHCM nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đau các khớp và sự hình thành các hạt Tophi do sự tích tụ là những đặc trưng của bệnh Gút
Lâu nay, nhiều người vẫn thường cho rằng: “ bệnh gút là bệnh nhà giàu” và bệnh chỉ có ảnh hưởng đến đàn ông. Ngày, nay quan niệm này dần được xóa tan vì thực tế cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt ở nhóm phụ nữ đã mãn kinh và bệnh xảy ra không phân biệt hoàn cảnh kinh tế. Bên cạnh đó, khi đời sống được nâng cao hơn, nguồn thực phẩm đa dạng và chế độ ăn không lành mạnh đã khiến căn bệnh này ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Thậm chí có những bạn trẻ 25 - 35 đã mắc bệnh Gút. Tại Việt Nam, bệnh gút được xếp thứ tư trong nhóm bệnh nhân khớp nội trú điều trị tại Bệnh viện.
Hiện nay, nguyên nhân bệnh Gút vẫn chưa sáng tỏ. Phần lớn cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến bệnh Gút là do sự rối loạn chuyển hóa và dư thừa acid uric trong cơ thể, từ đó gây lắng đọng các tinh thể ở các khớp và dẫn đến viêm khớp. Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gút được kể đến như: chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm, giàu purin (như thịt đỏ, nội tạng động vật, cá béo…), thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích, thừa cân, béo phì, lười vận động hay tiền sử gia đình có người mắc bệnh Gút.
Bệnh Gút hình thành do rối loạn chuyển hoá nên đa phần khó có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn. Nguyên tắc chính trong điều trị bệnh Gút là điều trị triệu chứng, kiểm soát nồng độ acid uric máu để hạn chế sự lắng thêm các tinh thể.
Các thuốc thường được sử dụng trong điều trị Gút gồm: thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc làm giảm nồng độ axit uric. Bên cạnh đó, bệnh nhân luôn cần duy trì chế độ sinh hoạt ăn uống hợp lý để ngừa tái phát các đợt bệnh cấp. Thực tế cho thấy nếu chẩn đoán sớm và điều trị đúng phương pháp, người bệnh Gút có thể kiểm soát 90 – 95% các triệu chứng bệnh.
Như đã đề cập ở trên, điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc điều trị Gút. Chỉ điều trị bệnh Gút bằng thuốc là chưa đủ, người bệnh cần tạo cho mình những thói quen tốt để phòng ngừa tái phát. Một số phương pháp bạn có thể áp dụng như:
Thay đổi thói quen sinh hoạt: nên để cho khớp nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong những đợt bệnh cấp tính, sinh hoạt điều độ, làm việc hợp lý, tránh stress, tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường, tránh dùng một số thuốc có thể làm tăng acid uric máu (như lợi tiểu, aspirin liều thấp, corticoid kéo dài) và khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện bệnh và điều trị từ sớm.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Sử dụng thức ăn chứa ít nhân purin như ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, đường, trứng, sữa, phomat, rau quả. Hạn chế thức ăn nhiều acid uric như thịt, cá, hải sản, gia cầm, óc, gan, bầu dục, đậu đỗ; bỏ rượu, thức uống có rượu, bia, cà phê, chè. Uống đủ nước hàng ngày khoảng 2 lít/ngày.
Đã từ lâu, nhiều người vẫn quan niệm bệnh Gút là bệnh người giàu, bệnh tuổi trung niên. Tuy nhiên, bệnh dần thay đổi khi mà độ tuổi mắc bệnh ngày càng xu hướng trẻ hóa và phổ biến hơn. Hiện nay, phần lớn người mắc Gút thường xem nhẹ tình trạng bệnh, cho rằng bệnh gout không nguy hiểm bằng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Nhiều người bệnh chỉ dùng thuốc khi có các triệu chứng sưng đau khớp. Sau đó khi thấy các triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc từ đó dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Nhìn chung, phòng bệnh vẫn quan trọng hơn chữa bệnh vì vậy để ngăn ngừa Gút, bạn hãy thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt ngày từ bây giờ. Nếu mắc bệnh, hãy đến thăm khám bác sĩ để được tư vấn điều trị một cách có hiệu quả và luôn nhớ phải tuân thủ chỉ định do bác sĩ đề ra để có thể "sống chung" với căn bệnh này một cách an toàn, tránh phát sinh các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.