Một ca rubella vừa phát hiện: Bố mẹ chủ quan, trẻ lãnh hậu quả

, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 10:22 10/05/2025
Chia sẻ

Bé gái 7 tháng mắc rubella vì chưa tiêm vắc xin. Bệnh tưởng hiếm gặp nhưng có thể gây dị tật thai nhi nếu lây sang phụ nữ mang thai.

Tuần qua, CDC Hà Nội phát hiện 1 ca bệnh mắc rubella là bé gái 7 tháng tuổi, chưa được tiêm vắc xin.

Rubella là bệnh không phổ biến hiện nay, chính vì thế nhiều người ít có khái niệm về bệnh lý. Theo BSCKII Phạm Mạnh Thân (chuyên khoa Nhi của Bệnh viện An Việt), rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức.

Đây là bệnh do virus rubella gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Loại virus gây ra sởi Đức cư trú tại vòm họng và các hạch bạch huyết. Khi người lành tiếp xúc trực tiếp với chất nhầy của mũi/họng hay các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt xì hơi thì có thể bị bệnh.

"Bất cứ ai cũng có thể nhiễm rubella, đặc biệt là những người chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Khi mắc rubella, người bệnh sẽ xuất hiện các nốt ban đỏ ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân nhưng thường không tuần tự như bệnh sởi", BS Thân cho hay.

Các triệu chứng của bệnh rubella thường nhẹ, xuất hiện từ ngày 16-18 sau khi phơi nhiễm.  Có biểu hiện tương tự như bệnh cúm.

Một ca rubella vừa phát hiện: Bố mẹ chủ quan, trẻ lãnh hậu quả- Ảnh 1.

Bất cứ ai cũng có thể nhiễm rubella, đặc biệt là những người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh minh họa

BSCKII Phạm Mạnh Thân cho biết, những triệu chứng thường gặp của bệnh rubella gồm: Sốt nhẹ kèm kèm nhức đầu, mệt mỏi, đau rát vùng họng, chảy nước mũi trong, thường từ 1-4 ngày, sau khi phát ban thì sốt giảm. Người bệnh có thể bị nổi hạch, hạch xuất hiện trước khi phát ban và tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết.

Triệu chứng điển hình là phát ban, những ban là màu hồng hoặc hơi đỏ, hình tròn hoặc hình bầu dục, kích thước 1-2mm, ngứa, thường kéo dài khoảng 3 ngày sau đó biến mất để lại nốt thâm trên da...Tuy nhiên, có khoảng một nửa trường hợp mắc rubella không có những biểu hiện lâm sàng điển hình khiến người bệnh nhầm tưởng triệu chứng bệnh rubella với các bệnh khác. rubella thường là bệnh nhẹ, khỏi bệnh mà không để lại biến chứng.

Tuy nhiên với phụ nữ mang thai thì bệnh lại có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

"Những biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như sảy thai, thai chết lưu hoặc gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi như chứng đầu nhỏ, chậm phát triển tâm thần vận động, điếc, mù lòa, bệnh tim (hội chứng rubella bẩm sinh).

Ngoài ra, trẻ sinh ra từ những bà mẹ nhiễm bệnh rubella còn có thể bị vàng da, xuất huyết, đái tháo đường, lách to, xương thủy tinh... Hội chứng rubella bẩm sinh có thể gặp ở 70-90% trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ nhiễm bệnh rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Vì thế, tốt nhất nên tiêm phòng cho trẻ em gái từ 13 tuổi tới trước khi mang thai", BS Thân nhấn mạnh.

Một ca rubella vừa phát hiện: Bố mẹ chủ quan, trẻ lãnh hậu quả- Ảnh 2.

BSCKII Phạm Mạnh Thân khám cho bệnh nhi

Theo BSCKII Phạm Mạnh Thân, rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó tiêm vắc xin là biện pháp phòng tránh bệnh tốt nhất. Hiện vắc xin phòng rubella là loại vắc xin 3 trong 1 M.M.R (sởi, quai bị và rubella).

Ở trẻ nhỏ, khi bị mắc rubella, phụ huynh cần chú ý trong cách điều trị và chăm sóc trẻ như: Phụ huynh cần chú ý thường xuyên theo dõi nhiệt độ, cho uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38 độ C và đưa trẻ đi khám bác sĩ trong trường hợp sốt quá cao hoặc có những dấu hiệu bất thường.

- Cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, mềm (cháo, súp, sữa…) và có thể chia nhỏ khẩu phần ăn làm nhiều lần trong ngày giúp trẻ dễ tiêu hóa.

- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nhất là các loại nước ép trái cây giàu vitamin C nhằm đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng.

- Hạn chế trẻ chạy nhảy, đùa giỡn.

- Tắm rửa cho trẻ sạch sẽ bằng nước ấm mỗi ngày.

- Cần chú trọng việc vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ và cách ly trẻ lành với trẻ bị rubella, tránh tiếp xúc với phụ nữ mang thai (đặc biệt là phụ nữ mang thai những tháng đầu của thai kỳ) nhằm tránh lây cho họ.

"Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ từ 12 – 24 tháng tuổi đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin ngừa rubella. Khi trẻ có những dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị", BS Thân lưu ý.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày