Đó là quy định mới được Bộ Y tế đã ban hành trong Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà.
Theo đó, trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm y tế lưu động; trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám; trung tâm vận chuyển cấp cứu và các cơ sở được phân công tham gia công tác quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà.
Ban hành kèm quyết định này là hướng dẫn khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà với người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có nhưng ở mức độ nhẹ như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi... Đặc biệt là không có dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy...
Bên cạnh đó, đối với người nhiễm COVID-19 được quản lý tại nhà phải đáp ứng thêm 1 trong 2 tiêu chí, đó là đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày; hoặc có đủ 3 yếu tố: Độ tuổi (trẻ em trên 1 tuổi, người lớn <50 tuổi); không có bệnh nền và không mang thai.
Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, với người nhiễm COVID-19 là người lớn nếu sốt > 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều thì uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước. Với trẻ em, nếu sốt >38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần.
Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt hai lần mà không đỡ thì phải thông báo ngay đến cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để phối hợp xử lý. Ngoài ra, nếu người nhiễm COVID-19 ho thì dùng thuốc giảm ho.
Về chế độ ăn uống, sinh hoạt, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nhiễm COVID-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ, phù hợp tình trạng sức khỏe. Cụ thể: Tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi cảm thấy khát mới uống; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng bằng cách ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả...
Ngoài ra, người nhiễm COVID-19 nên suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.