"Mỗi ngày như phải hút 50 điếu thuốc, cứ 2 phút lại có 1 người chết": Tại sao bầu không khí ở thành phố này lại chết chóc đến vậy?

J.D, Theo Helino 08:10 27/12/2019

Cứ vào giai đoạn tháng 10 - 11, gần 30 triệu người dân tại thành phố (hoặc bang) Delhi của Ấn Độ lại phải chịu đựng bầu không khí độc hại đến kinh khủng, gấp 50 lần ngưỡng an toàn.

Một ngày của tháng 11, trên đường cao tốc tại Ấn Độ. Một vụ va chạm xảy ra gây ùn tắc nhỏ, nhưng rồi những chiếc khác liên tiếp đâm vào đó và biến nó thành một vụ tai nạn liên hoàn.

Mỗi ngày như phải hút 50 điếu thuốc, cứ 2 phút lại có 1 người chết: Tại sao bầu không khí ở thành phố này lại chết chóc đến vậy? - Ảnh 1.

Đó là những gì xảy ra tại cao tốc Yamuna, gần bang Delhi của Ấn Độ. Ngày hôm ấy ít nhất 24 chiếc xe đã bị cuốn vào vụ tai nạn, mà nguyên nhân là vì họ chẳng thể nhìn được gì. Khói bụi bay mù trời, dày đặc, tầm nhìn của người tham gia giao thông không quá được 10m phía trước.

Ở Delhi, chuyện này diễn ra thường xuyên vào dịp cuối năm, khi thành phố ghi nhận nồng độ ô nhiễm trong không khí tăng vọt. 

"Mỗi 2 phút lại có một người chết vì bầu không khí tại Delhi" - trích trong một bản tin vào năm 2017. 

Mỗi lần như vậy, gần 30 triệu con người lại buộc phải sống bầu không khí được ví với "khói độc". Thậm chí các chuyên gia ước tính, một ngày hít thở bầu không khí ngoài thành phố này cũng tương đương với việc hút hết 50 điếu thuốc vào phổi. 

"Là một bác sĩ phẫu thuật phổi, những ngày này tôi gần như không còn được thấy một lá phổi trong tình trạng hồng hào và bình thường," - tiến sĩ Arvind Kumar - người sáng lập quỹ Lung Care (Ấn Độ) cho biết. 

Mỗi ngày như phải hút 50 điếu thuốc, cứ 2 phút lại có 1 người chết: Tại sao bầu không khí ở thành phố này lại chết chóc đến vậy? - Ảnh 2.

Dưới đất, bụi đất đóng thành từng lớp dày đặc. Không khí thì trở nên mờ mịt, che khuất những công trình biểu tượng của thành phố - thứ vẫn có thể quan sát hết sức rõ ràng từ xa vào thời điểm khác trong năm. Trên thực tế, Delhi vẫn luôn là một thành phố đông đúc và ô nhiễm. Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ dần trở nên kinh khủng quá mức trong 10 năm trở lại đây mà thôi.

10 năm kinh hoàng của một thành phố

Mỗi ngày như phải hút 50 điếu thuốc, cứ 2 phút lại có 1 người chết: Tại sao bầu không khí ở thành phố này lại chết chóc đến vậy? - Ảnh 3.

10 năm qua, dân số tại Delhi đã tăng khoảng 7 triệu người. Ngày nay, đây là thành phố và bang đông dân thứ 2 sau Tokyo của Nhật Bản, nhưng đồng thời cũng nằm trong số những nơi ô nhiễm bậc nhất thế giới.

Dân số tăng lên, các phương tiện giao thông cũng tăng theo, cùng với đó là khí thải và bụi khuếch tán vào không khí. Sự phát triển của thành phố cũng biến nó thành một công trường khổng lồ - cũng là nguồn tạo ra bụi. Cộng thêm sự xuất hiện của nhiều ngành công nghiệp gây hại cho môi trường, tất cả khiến chất lượng không khí của Delhi luôn ở mức "có hại" quanh năm.

Tuy nhiên vào giai đoạn tháng 10 - 11, có thứ gì đó đã khiến bầu không khí của Delhi trở nên thực sự chết chóc, khi chỉ số chất lượng đo được cao gấp khoảng 50 lần so với mức an toàn. Lượng khói bụi trong giai đoạn này nhiều đến nỗi có thể quan sát được từ vệ tinh vũ trụ.

Mỗi ngày như phải hút 50 điếu thuốc, cứ 2 phút lại có 1 người chết: Tại sao bầu không khí ở thành phố này lại chết chóc đến vậy? - Ảnh 4.

Không khí tại Delhi luôn ở mức độc hại, nhưng vào cuối năm luôn cực kỳ cao

"Chỉ số không khí tăng quá kinh khủng. Rất nhiều máy đo còn không được thiết kế đủ để đọc được những gì chúng tôi phải trải qua," - Kumar cho biết.

Số khói này thực chất không xuất phát từ Delhi, mà đến từ 2 bang gần đó là Panjab và Haryana - những khu vực làm nông nghiệp trọng điểm của Ấn Độ. Nghề nông ở đây là trồng lúa - loại cây cần cực kỳ nhiều nước.

Đầu thập niên 2000, nông nghiệp tại Panjab và Haryana phát triển mạnh, người dân bắt đầu dùng nước nhiều hơn. Vấn đề nằm ở chỗ họ dùng quá nhiều, dẫn đến chuyện nguồn nước ngầm dần cạn kiệt. Để bảo vệ nguồn nước, năm 2009 chính phủ Ấn Độ đã đưa ra đạo luật yêu cầu cấm trồng lúa trước thời điểm giữa tháng 6 hàng năm. 

Chỉ có điều, họ không ngờ rằng đó là khởi đầu của một bi kịch.

Với sự ra đời của đạo luật này, nông dân Ấn Độ không thể bắt đầu trồng lúa trước thời điểm gió mùa tới - thứ mang theo mưa để bổ sung vào nguồn nước ngầm vào cuối tháng 7. Điều này đẩy giai đoạn gặt lúa rơi vào sát cuối năm, khiến người dân có ít thời gian để chuẩn bị cho mùa vụ kế tiếp. Và để dọn rơm rạ một cách nhanh nhất, đơn giản chỉ là châm lửa đốt hết mà thôi.

Mỗi ngày như phải hút 50 điếu thuốc, cứ 2 phút lại có 1 người chết: Tại sao bầu không khí ở thành phố này lại chết chóc đến vậy? - Ảnh 5.

Kể từ năm 2009, mỗi năm những đám cháy do đốt rơm rạ tạo thành cột khói khổng lồ trong giai đoạn tháng 10 - 11. Đám khói ấy theo gió, hướng thẳng về Delhi.

Có hai lý đó khiến việc đốt rơm rạ làm tình hình của Delhi trở nên tồi tệ hơn. Đầu tiên là vấn đề địa hình: Dãy Himalaya chắn phía trước đã khiến đám khói không thể bay đi bất kỳ nơi nào khác ngoài thành phố này. Thứ hai là thời tiết: luồng không khí lạnh vào mùa đông từ dãy Himalaya hướng thẳng xuống, kết hợp cùng không khí ấm hơn đã tạo thành một cái bẫy vô hình.

Mỗi ngày như phải hút 50 điếu thuốc, cứ 2 phút lại có 1 người chết: Tại sao bầu không khí ở thành phố này lại chết chóc đến vậy? - Ảnh 6.

Khí nóng sẽ lên phía trên, giữ khí lạnh và khói bụi ở dưới, tạo thành cái bẫy chết người

Trong đó, khí nóng sẽ bay lên trên tạo thành mái vòm, giữ không khí lạnh ở dưới kẹt cứng ngắc trong thành phố, không thể thoát ra được. Khi đám khói đốt rơm tràn đến, nó kết hợp cùng khói bụi ô nhiễm, tạo thành một trong những bầu không khí độc hại bậc nhất toàn thế giới.

Nỗ lực nay đã muộn?

Tháng 11/2019, tòa án tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết yêu cầu các tiểu bang phía Bắc Ấn Độ phải sớm ngăn cản người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Nhưng điều này chưa cho thấy tác dụng gì, khi chỉ vài tuần sau phán quyết, có tới hàng vạn các vụ đốt rơm liên tục xảy ra tại Panjab và Haryana, đẩy Delhi vào tình trạng hết sức nguy kịch. 

Bản thân Delhi không có đủ quyền hạn để ngăn chuyện đốt rơm từ các tiểu bang lân cận. Vậy nên thay vào đó cứ vào giai đoạn tháng 10 - 11, giới chức trách quyết định thay đổi một số thứ họ có thể tác động, như đình chỉ hoạt động của các công trường, ngăn lượng ô tô lưu thông... 

Nhưng tiếc là nếu như luật cấm đốt rơm rạ không được thông qua, câu chuyện này vẫn sẽ tiếp tục xảy ra mỗi năm. Nó sẽ biến thành phố trở thành nơi có bầu không khí tệ hại bậc nhất và đẩy sinh mạng của gần 30 triệu con người vào cảnh bị đe dọa.

Mỗi ngày như phải hút 50 điếu thuốc, cứ 2 phút lại có 1 người chết: Tại sao bầu không khí ở thành phố này lại chết chóc đến vậy? - Ảnh 7.

Người dân cũng không còn lựa chọn. "Tôi đã sống ở đây 50 năm, giờ có thể đi đâu?" - một người bức xúc trả lời phỏng vấn của Vox. "Cuộc đời tôi là ở đây."

"Biết là mọi thay đổi cần theo quá trình, nhưng chúng ta đang ở giai đoạn mà quá trình thay đổi nhỏ lẻ chẳng có ý nghĩa gì nữa." - một người dân khác cho biết.

Tham khảo: VOX