Miền Trung sắp đón bão dồn dập

Nhóm phóng viên, Theo Người lao động 10:39 05/10/2020

Từ nay đến cuối năm 2020, dự báo có 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông, trong đó 4-6 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, chủ yếu ở khu vực miền Trung.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết bão sẽ dồn dập trong tháng 10 và 11 năm nay. "Những cơn bão trong các tháng cuối mùa sẽ tập trung ảnh hưởng đến các tỉnh, TP khu vực Trung Bộ" - ông Năng nói. Theo ông, có thể có những cơn bão xuất hiện vào đầu năm 2021, tác động đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Mưa bão kèm lũ lớn

Với tần suất bão dồn dập đổ bộ trong thời gian ngắn, ông Năng cảnh báo nguy cơ đa thiên tai ở Trung Bộ - nơi có địa hình dốc, dễ xảy ra sạt lở, lũ quét khi có mưa lớn kéo dài. Do đó, ngoài các biện pháp chủ động như hằng năm, các địa phương ở miền Trung cần có kế hoạch tích cực hơn nhằm giảm nhẹ thiệt hại.

"Các tỉnh, TP Nam Trung Bộ và Nam Bộ cũng phải luôn trong tư thế đề phòng những cơn bão muộn. Với dự báo dài hạn như vậy thì tất cả phương án phải được thực hiện đồng bộ ngay từ bây giờ để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra" - ông Năng lưu ý.

Miền Trung sắp đón bão dồn dập - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế dọn dẹp cây ngã sau cơn bão số 5 (Ảnh: QUANG TÁM)

Về tình hình mưa lũ, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nhận định từ nay đến cuối năm 2020, trên các sông khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ có thể xuất hiện 2-3 đợt lũ lớn. "Vào tháng 10 và 11, mưa lớn sẽ tập trung ở Trung Bộ nên nguy cơ rất cao xuất hiện lũ lớn và lũ đặc biệt lớn ở khu vực này" - ông Long cảnh báo.

Lên phương án ứng phó

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn ra bất thường, gây thiệt hại lớn. Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, từ nay đến cuối năm, có 1-2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Nam. Ngoài ra, dòng chảy trên các sông có 3-5 đợt biến động mạnh và khả năng xuất hiện lũ, đỉnh lũ cao hơn năm 2019.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với thiên tai, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo các nội dung cụ thể cho các ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan; trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Trong khi đó, Thừa Thiên - Huế, địa phương thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 5 hồi giữa tháng 9-2020, cũng có nguy cơ là tâm bão vào những tháng cuối năm nay. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sau bão số 5, ông đã yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Khí tượng Thủy văn và các địa phương đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác dự báo; triển khai ứng phó, khắc phục thiệt hại nhằm rút ra các kinh nghiệm, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo, huy động sự tham gia của người dân. Ông Thọ cũng giao Sở Xây dựng, UBND TP. Huế rà soát, nghiên cứu, đánh giá lại hệ thống cây xanh trên địa bàn để đề xuất sử dụng các loại cây phù hợp với điều kiện gió bão.

Thừa Thiên - Huế đã lên phương án di dời gần 24.600 hộ với hơn 93.700 khẩu đến nơi an toàn nhằm tránh thiệt hại khi xảy ra mưa bão. Tỉnh này cũng xây dựng phương án bảo đảm an toàn 56 hồ chứa thủy lợi và 9 hồ thủy điện trên địa bàn.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, bài học rút ra sau những cơn bão lớn gây thiệt hại nặng nề là hệ thống ứng phó chưa thực sự phối hợp nhuần nhuyễn; ý thức, kiến thức ứng phó thiên tai của nhiều người dân còn hạn chế. Do đó, trong năm 2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh năm 2020. Phương án này đề cao tính chủ động và kiên quyết khi kích hoạt các kịch bản ứng phó thiên tai.

Huyện Vạn Ninh của tỉnh Khánh Hòa là nơi thường chịu nhiều thiệt hại trong các cơn bão. Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng Phòng Kinh tế huyện, cho biết để đối phó với mùa mưa bão năm 2020, Vạn Ninh đã dự kiến di dời gần 8.800 người dân. Địa phương này cũng xây dựng phương án bảo đảm an toàn tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản và các công trình hồ thủy lợi.

4-6 đợt không khí lạnh

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo trong tháng 10, tần suất không khí lạnh gia tăng. Dự kiến có khoảng 4-6 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta. Ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với các nhiễu động nhiệt đới trên biển Đông có thể gây ra nhiều ngày mưa vừa, mưa to cho các tỉnh, TP miền Trung (từ Thanh Hóa đến Quảng Nam).