Mẹo chọn mặt bằng kinh doanh tốt, dễ hút lộc

Phạm Duy (tổng hợp)/ VTC News, Theo VTC News 20:13 20/06/2023
Chia sẻ

Chọn mặt bằng kinh doanh sao cho hiệu quả là điều mà tất cả những ai có ý định mở cửa hàng phải quan tâm đầu tiên.

Theo tư vấn của các chuyên gia, để chọn mặt bằng kinh doanh tốt, người mua (hoặc thuê) cần lưu ý những điểm sau đây:

Xác định vị trí, diện tích mặt bằng

Đây là bước đầu tiên cần thực hiện vì nó tác động trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh cũng như giá mua/thuê mặt bằng. Nhiều người bỏ qua bước này nên khi tìm được mặt bằng phù hợp túi tiền thì diện tích của nó lại không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh. Để xác định chính xác diện tích mặt bằng, bạn cần ước tính lượng khách có thể ghé quán hoặc số sản phẩm được bán trong cửa hàng. Ví dụ, với quán cafe quy mô 50 khách, bạn cần thuê mặt bằng khoảng 80m2. Với shop thời trang 500 sản phẩm, bạn có thể tham khảo mặt bằng 30m2. Nhìn chung, càng ước lượng chính xác diện tích, việc tìm được mặt bằng phù hợp sẽ càng dễ dàng hơn.

Vị trí thuận lợi là điều kiện vô cùng quan trọng trong kinh doanh, do đó, một vị trí thuận lợi cần đảm bảo giao thông dễ dàng với cả người mua và người bán, nằm gần khu dân cư thì càng tốt vì như thế sẽ có tiềm năng lớn để hút khách.

Ngoài ra, các vấn đề về đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp cũng cần phải được tìm hiểu, đánh giá, sàng lọc chi tiết. Nếu một khu vực có điều kiện tốt nhưng nhiều đối thủ cạnh tranh quá thì nên cân nhắc giữa lợi ích và thách thức để có quyết định chính xác nhất.

Chất lượng mặt bằng tốt cũng là yếu tố quyết định thành công trong kinh doanh. Chất lượng mặt bằng tốt được thể hiện qua chất lượng cơ sở vật chất ở đây.

Mẹo chọn mặt bằng kinh doanh tốt, dễ hút lộc - Ảnh 1.

Chọn mặt bằng kinh doanh sao cho hiệu quả là điều mà tất cả những ai có ý định mở cửa hàng phải quan tâm. (Ảnh minh họa)

Cân nhắc tài chính cẩn trọng

Giá thuê mặt bằng kinh doanh thay đổi theo khu vực mà bạn lựa chọn. Chẳng hạn như ở TP.HCM, giá thuê mặt bằng tại các quận gần trung tâm thành phố thường cao gấp 3-4 lần các quận khác. Vì thế, bạn cần tính toán kỹ lưỡng mức ngân sách mình có thể chi ra để duy trì hoạt động kinh doanh lâu dài.

Nếu đi thuê mặt bằng thì ngoài phí thuê hàng tháng, bạn cũng cần lưu ý rằng chủ nhà sẽ yêu cầu bạn đặt cọc 3-6 tháng tiền mặt bằng ở tháng đầu tiên. Đây là điều mà nhiều người ít khi lưu ý tới, dẫn đến việc mất thời gian thương lượng với chủ nhà rồi đến lúc đặt cọc lại không có đủ tiền.

Lên danh sách các mặt bằng phù hợp

Sau khi quyết định được diện tích và khu vực kinh doanh, điều tiếp theo bạn cần làm là xác định ngay danh sách các mặt bằng phù hợp đang cho thuê trong khu vực đó. Để có được thông tin, bạn có thể tham khảo trên báo chí hoặc website, môi giới... Nhưng tốt nhất, bạn nên trực tiếp đến khu vực đó để tìm hiểu vì bạn sẽ có được những thông tin chính xác nhất.

Thông thường, các mặt bằng ở cuối đường hoặc góc ngã tư sẽ là những vị trí đắc địa để thu hút khách hàng. Tất nhiên, giá thuê mặt bằng tại đó sẽ cao hơn. Nếu muốn tìm được mặt bằng giá rẻ, bạn nên tham khảo giá tại các con đường nhỏ hoặc trong hẻm đông dân cư.

Đánh giá khả năng sinh lời của mặt bằng

Trong thời gian đầu kinh doanh, bạn sẽ phải chi ra một số tiền lớn, nếu chẳng may chọn phải mặt bằng không tốt, doanh thu sẽ không thể bù đắp được chi phí, khi đó, bạn sẽ phải liên tục bỏ thêm tiền túi để duy trì hoạt động kinh doanh. Vì thế, nếu muốn sinh lời, ngay từ đầu, bắt buộc bạn phải đánh giá chính xác khả năng sinh lời của mặt bằng để tránh việc đầu tư lãng phí.

Đừng vội thấy giá rẻ mà thuê ngay vì dù rẻ nhưng ở nơi hẻo lánh, ít người qua lại thì sẽ khó kinh doanh. Người biết cách chọn mặt bằng kinh doanh sẽ sẵn sàng bỏ 100 triệu đồng để thuê mặt bằng ở nơi có thể đem lại doanh thu tốt, chứ không bao giờ bỏ ra 20 triệu đồng để thuê một địa điểm kinh doanh có nguy cơ thua lỗ.

Để đánh giá chính xác tiềm năng của mặt bằng, bạn cần phải đến thực tế để quan sát mật độ dân cư và thói quen sinh hoạt, mua sắm của người dân xung quanh. Nếu mặt bằng đó nằm gần các khu chung cư, trường học, bệnh viện, khu vui chơi...thì khả năng kiếm lời của bạn sẽ khá cao.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định xem khách hàng mục tiêu của mình có tập trung nhiều ở đó không. Nếu kinh doanh mặt hàng đắt tiền mà lại chọn mặt bằng tại nơi có mức sống thấp thì tín hiệu khả quan không cao.

Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét khoảng cách của mặt bằng với các đối thủ cạnh tranh. "Buôn có bạn, bán có phường", nếu chọn địa điểm gần các đối thủ, bạn có thể thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, nếu nguồn cung của họ đã đủ cho dân cư ở đó thì bạn sẽ phải cạnh tranh khốc liệt, phải mất nhiều thời gian và công sức hơn để có thể kéo khách hàng về bên mình.

Lưu ý lối đi và chỗ để xe

Bạn nên ưu tiên các mặt bằng thuận tiện trong giao thông và dễ dàng tìm kiếm để tránh việc khách hàng bị lạc đường hoặc khó tìm thấy cửa hàng, vì khi ấy họ sẽ dễ dàng "ghé thăm" và ủng hộ đối thủ của bạn. Những mặt bằng ở đường một chiều, đường có dải phân cách cũng là sự lựa chọn mà bạn nên tránh.

Bên cạnh đó, bạn nên chọn các mặt bằng không cùng lối đi với chủ nhà, vì nếu họ dắt xe hoặc ra vào liên tục sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách tại cửa hàng.

Kiểm tra hiện trạng mặt bằng

Hiện trạng mặt bằng cũng là điều mà những người biết cách chọn mặt bằng kinh doanh hiệu quả thường chú trọng. Bạn nên ưu tiên các mặt bằng có tình trạng phù hợp với loại hình kinh doanh để tiết kiệm chi phí sửa chữa, trang trí. Chẳng hạn như bạn định mở quán trà sữa thì hãy chọn các mặt bằng mà trước đây từng kinh doanh trà sữa.

Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi kỹ chủ nhà xem mặt bằng đó đã có sẵn đường ống nước, internet, truyền hình cáp chưa. Vì nó sẽ tiết kiệm khoản phí lắp đặt cho bạn. Nếu tình trạng mặt bằng sơ sài, chưa có bất kỳ gì cả thì bạn có thể thương lượng với chủ nhà để giảm giá thuê (hoặc bán).

Ngoài các yếu tố trên, bạn cũng cần chú ý đến các thỏa thuận trong hợp đồng, nếu đi thuê mặt bằng để đảm bảo bạn không bị bất lợi, dính tranh chấp về sau.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày