Vài ngày trước, một đoạn video dài khoảng 30 giây đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi của cư dân mạng Trung Quốc. Theo đó, có một người mẹ ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô đang mang thai vẫn phải chăm sóc ba đứa con ở nhà.
Một ngày, chị lên cơn sốt. Sau khi chuẩn bị bữa ăn cho những đứa trẻ, người mẹ cảm thấy không khỏe, đứng ở cửa bếp một lúc rồi đột nhiên ngã ngồi xuống đất, đầu ngửa ra sau. Khi thấy mẹ bất tỉnh, cô con gái lớn nhất chỉ ngoái đầu lại nhìn một lượt rồi tiếp tục ăn. Đứa con gái thứ hai đưa bát cơm cho em xong liền đứng dậy đi tìm mẹ, nhưng chỉ đứng đó mà không la lên hay bước tới đỡ mẹ dậy. Đứa con út đang tập trung ăn, thấy thái độ của chị cả, chỉ quay sang nhìn mẹ rồi ăn tiếp.
Ảnh cắt từ clip.
Không biết sau khi chứng kiến phản ứng của ba đứa con, người mẹ này cảm thấy thế nào. Nhưng đại đa số cư dân mạng đều thẳng thừng cho rằng: "Quá kinh khủng, sao những đứa trẻ lại cư xử như vậy. Nhất là đứa con gái lớn, dù thế nào cũng phải qua đỡ mẹ dậy chứ?".
Cũng có một ít người cảm thấy ba đứa trẻ còn nhỏ, có lẽ lần đầu tiên gặp phải chuyện như vậy, trong lòng có chút bối rối. Ngoài ra, một số người cho rằng có thể gia đình này thường ngày dạy con theo theo triết lý giáo dục "tự lập", chẳng hạn như ngã xuống tự đứng dậy và tự giải quyết khó khăn, các thành viên khác hiếm khi giúp đỡ, dẫn đến cách ứng xử này của những đứa trẻ.
Có nhiều tranh cãi được đưa ra, nhưng đa phần cho rằng, dù có được dạy về các kỹ năng sơ cứu hay an toàn hay không thì việc một đứa trẻ cảm thấy sợ hãi và lo lắng tột độ sau khi chứng kiến mẹ ngã là điều bình thường. Bản năng của nhiều trẻ nhỏ là sợ hãi và khóc thét lên, rồi vội gọi "Mẹ ơi". Những đứa trẻ lớn hơn sẽ cố gắng đỡ mẹ dậy, hoặc nhờ người nhà, hàng xóm giúp đỡ.
Nhưng ba đứa trẻ trong video không nói năng hay cử động, chỉ giữ thái độ thờ ơ từ đầu đến cuối. Đây không chỉ là thiếu ý thức chung về giáo dục an toàn, mà còn là sự thờ ơ và thiếu tình yêu đối với người khác.
Cổ nhân có câu "Tam tuế khán đại, thất tuế khán lão", ý muốn nói nhìn trẻ lên 3 có thể biết tính cách của chúng lúc trưởng thành, nhìn trẻ lên 7 sẽ biết vận mệnh cả đời của chúng. Con cái sau này có hiếu thuận hay không, khi còn nhỏ đã có biểu hiện rõ ràng.
Cụ thể trong 2 tình huống sau đây:
Trẻ phản ứng thế nào khi người thân bị ốm
Khi nhìn thấy người thân bị thương, khóc lóc hay ốm đau, những đứa trẻ biết quan tâm sẽ ngay lập tức vứt bỏ những thứ đang cầm trên tay, sau đó hốt hoảng chạy tới hỏi bố/mẹ có sao không?
Chúng sẽ ôm bạn, thậm chí sẽ tìm băng cá nhân, mang cho bạn một cốc nước và thuốc uống. Để không làm phiền bạn nghỉ ngơi, chúng sẽ ngoan ngoãn im lặng chơi bên ngoài nhưng trong lòng không ngừng lo lắng nên sẽ thỉnh thoảng vào hỏi thăm rồi lặng lẽ đóng cửa lại. Trẻ sẽ quan tâm đến bạn theo cách riêng của mình và khiến trái tim bạn ấm áp.
Còn những đứa con dửng dưng, khi bố/mẹ ngất xỉu trước cửa nhà cũng chỉ đứng nhìn, rồi lại tiếp tục xem TV.
Ảnh minh họa.
Cách trẻ ứng xử với gia đình
Một số trẻ dù còn nhỏ nhưng tính khí rất hung dữ. Khi không hài lòng, trẻ nổi giận với các thành viên trong gia đình, thậm chí đấm đá họ.
Thông thường ở nhà, trẻ không tôn trọng người khác. Trẻ thường nói lại, trả lời qua loa hoặc phớt lờ lời nói của các thành viên trong gia đình. Ngay cả khi chúng làm điều gì đó sai trái, bất kể ai trong gia đình có khuyên răn, họ đều nhận lại sự bác bỏ hay la hét. Thậm chí, trẻ còn đánh bố, mẹ, cả ở nhà và nơi công cộng khi không được đáp ứng yêu cầu.
Việc khuyến khích, nuông chiều những hành vi xấu của con bất kể chúng ở độ tuổi nào là bạn đang tiếp tay cho việc trẻ không tôn trọng trật tự, quy định, không tôn trọng bố mẹ, dần dẫn đến sự không hiếu thảo trong tương lai.
Trên thực tế, sự thờ ơ của đại đa số trẻ đến từ những lời dạy và việc làm của cha mẹ chúng. Vì vậy, khi phát hiện con mình còn nhỏ nhưng thiếu tình cảm với người thân, bạn cũng nên nhanh chóng xem xét liệu giáo dục trong gia đình có vấn đề hay không.
Phụ huynh hãy hướng dẫn con tôn trọng người khác bằng cách làm gương. Đầu tiên, bạn nên tôn trọng trẻ, không phải bằng cách xưng hô trang trọng hay cúi chào. Bạn chỉ cần đối xử với con như cách đối xử với những người trưởng thành khác.
Lời nói, hành động của đứa trẻ thực chất được sao chép từ bố mẹ, bên cạnh tác động của môi trường xã hội. Thế nên, không thể có một đứa con hiếu thảo, nếu bản thân cha mẹ chúng là những đứa con chưa hiếu thảo, cư xử với người già trong nhà bằng thái độ thiếu tôn trọng, thiếu lễ nghĩa. Do đó, trông con mà ngẫm đến mình cũng là một cách để điều chỉnh ứng xử của bản thân, nếu muốn con mình trưởng thành là người hiếu đạo.