Thử nghiệm một số đề thi với diện 12.000 thí sinh
Bộ GD&ĐT cho biết đã triển khai xây dựng cấu trúc định dạng đề thi và công bố từ cuối năm 2023. Cấu trúc định dạng đề thi này giúp đánh giá tốt hơn năng lực của thí sinh, tránh học tủ, học lệnh; độ phân hóa phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng bảo đảm không vượt quá yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Việc Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc, định dạng đề thi và đề thi tham khảo từ sớm giúp cho nhà trường và học sinh chủ động trong việc dạy và học, trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ và chuẩn bị tốt hệ thống hóa kiến thức cho Kỳ thi cuối cấp.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng một số đề thi để thử nghiệm trên diện rộng với khoảng 12.000 thí sinh trên toàn quốc, tại cả những tỉnh khó khăn nhất. Kết quả thử nghiệm đã được phân tích kỹ lưỡng bằng lý thuyết khảo thí hiện đại và là một trong những căn cứ quan trọng để hội đồng ra đề thi tham khảo cho việc xác định mức độ của đề thi, bảo đảm độ phân hóa và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29.
Các em học sinh, phụ huynh, cộng đồng mạng...đồng loạt cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 quá khó so với mặt bằng chung
Đề thi thuộc chương trình 2018
Bộ GD&ĐT cho rằng đề thi đáp ứng các mục tiêu đề ra của Nghị quyết 29, trong đó, có việc đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Kỳ thi được thiết kế để thí sinh dự thi 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn học sinh được học ở lớp 12.
Đề thi gia tăng các câu hỏi có tính phân hóa. Theo Bộ, những năm trước đây, đề thi còn ít câu hỏi để phân loại học sinh, dẫn đến gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, kéo theo nhiều cơ sở giáo dục đại học phải tổ chức các kỳ thi riêng, gây tốn kém và lãng phí cho nguồn lực xã hội.
“Nội dung đề thi thuộc chương trình GDPT 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền”, báo cáo nêu rõ.
Bộ cho rằng việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn thi toán và môn thi tiếng Anh có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng được.
Bộ lý giải, dù định dạng đề thi và định hướng điều chỉnh công tác ra đề thi đã được công bố từ năm 2023 nhưng do cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng giáo viên và học sinh bỡ ngỡ với đề thi năm nay.
Bộ GD&ĐT cho biết trong thời gian tới sẽ thực hiện phân tích kết quả thi của các thí sinh để có cơ sở đánh giá về chất lượng của đề thi, kỳ thi, công tác dạy học trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, thực hiện phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi để phục vụ công tác đánh giá kết quả thi của các môn thi.
Học sinh nào, tỉnh nào cũng là học sinh trên đất nước Việt Nam
Trước đó, chiều 27/6, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức Họp báo thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp báo.
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là lần đầu tiên đề thi được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng tới đánh giá năng lực, phẩm chất của thí sinh.
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Họp báo
Trao đổi về đề thi được đánh giá có độ phân hóa cao, Thứ trưởng nhấn mạnh, nếu kỳ thi nhiều điểm cao mà không phải do năng lực thực sự của các em, mà vì đề dễ, thì liệu rằng có vui không? Ngược lại, nếu các em đạt được 6 - 7 điểm, nhưng đây là kết quả phản ánh đúng năng lực, thì các em vẫn có thể tự tin và có nhiều lựa chọn để bước tiếp trên con đường trưởng thành.
Hơn nữa, điểm xét tốt nghiệp chỉ chiếm 50% nên đề thi phải đảm bảo tính phân hóa để xét tốt nghiệp và tuyển sinh lên bậc học cao hơn.
Theo Thứ trưởng, điều đáng ghi nhận, là đề thi năm nay tập trung đánh giá năng lực học sinh, giúp các em biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Đề cập đến việc chuyển đổi trạng thái tổ chức thi và chấm thi, Thứ trưởng cho biết, công tác coi thi được thực hiện với chính quyền địa phương 3 cấp, nhưng chấm thi là chính quyền địa phương 2 cấp.
Với nhiều yếu tố tác động, Bộ GD&ĐT đã lường trước điều này. Đặc biệt là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần "3 đảm bảo, 6 rõ", Bộ đã quán triệt rõ quan điểm: học sinh nào, tỉnh nào cũng là học sinh trên đất nước Việt Nam, tất cả đều phải được đối xử công bằng, minh bạch, đúng quy chế.