Mẹ Hà Nội tiết lộ 3 nguyên tắc khi mua vàng: "Giá vàng có lên đến hơn 100 cũng không thể làm tôi lo lắng"

AMT, Theo Phụ nữ số 10:50 28/03/2025
Chia sẻ 1

Chị Thùy Linh cho biết 3 nguyên tắc mua vàng này đã giúp chị tâm bất biến khi giá vàng vạn biến.

Những ngày vừa qua, biến động giá vàng đã tặng chúng ta một chuyến tàu lượn cảm xúc, mỗi sáng lại xuất hiện một con số gây bất ngờ, biên độ biến động giá vàng không còn là vài trăm ngàn, mà lên tới vài triệu đồng, dù chỉ cách nhau có 1 ngày.

Cũng vì lẽ đó mà nhiều người khóc không thành tiếng, lỡ "đu đỉnh" lúc giá vàng đang dựng đứng, nhưng ngay sáng hôm sau đã bắt đầu vào phiên giảm.

Trong bối cảnh giá vàng biến động thế này, có người bảo nhau "thôi gượm đã, từ từ hẵng mua" nhưng cũng có không ít người mặc kệ, quyết không để giá vàng làm tâm mình lung lay.

Chị Thùy Linh (sinh năm 1982) hiện đang sinh sống ở Hà Nội là một trong số những người "tâm bất biến khi giá vàng vạn biến" như vậy.

Mẹ Hà Nội tiết lộ 3 nguyên tắc khi mua vàng:

"Vợ chồng tôi bắt đầu mua vàng đều đặn hàng tháng kể từ năm 2019, sau khi trả hết khoản vay mua nhà. Thời điểm đó, giá vàng chỉ khoảng đầu 4 hoặc cùng lắm là lên tới đầu 5. Mãi cho tới khoảng 2 năm gần đây, giá vàng mới tăng vọt bất ngờ. Ban đầu, vợ chồng tôi cũng khá hoang mang khi thấy giá vàng ngày càng tay. Việc chần chừ đắn đo, không biết có nên mua tiếp hay không là có, mà cứ suy tính như vậy thì quả thực rất mệt. Cứ như ngồi trên đống lửa, không còn tâm trí mà làm gì khác.

Thế nên vợ chồng tôi bàn tính và thống nhất với nhau về cách mua vàng. Kể từ đó, chúng tôi mua vàng với tâm thế thoải mái hơn. Thú thật bây giờ giá vàng có lên tới hơn 100 triệu đồng/lượng, chúng tôi cũng không quan tâm" - Chị Thùy Linh chia sẻ.

Để bình tâm và vững tâm được như vậy trước biến động giá vàng, đây là 3 quy tắc mua vàng mà vợ chồng chị Thùy Linh đã thống nhất.

1 - Đặt hạn mức tối đa cho ngân sách mua vàng hàng tháng

Cũng giống như việc đặt hạn mức cho các khoản chi tiêu cơ bản, cố định trong tháng, chị Thùy Linh cho biết vợ chồng chị cũng đặt hạn mức tối đa cho ngân sách mua vàng. Dù không tiết lộ mức thu nhập cụ thể của gia đình, nhưng chị Thùy Linh khẳng định: "Nếu giá vàng vượt quá 8,8 triệu đồng/chỉ thì tháng đó vợ chồng tôi sẽ không cố đi mua vàng ngay, mà sẽ để khoản đó lại, gộp với ngân sách mua vàng của tháng sau rồi mới đi mua. Đến bây giờ khi giá vàng có khi lên tới hơn 100 triệu đồng/lượng, chúng tôi vẫn áp dụng quy tắc này.

Giá vàng cao thì 2-3 tháng chúng tôi mới mua được 2 chỉ. Chẳng sao cả, cứ gom tiền lại, bao giờ đủ để mua nhẫn trơn 1 chỉ hoặc 2 chỉ thì mới mua".

Sở dĩ, chị Thùy Linh và chồng phải thống nhất đặt "hạn mức mua vàng" hàng tháng vì ngoài tiền mua vàng, vợ chồng chị vẫn còn khoản tiền đóng bảo hiểm hàng năm cho cả nhà, số tiền lớn nên cũng phải gom góp, chuẩn bị dần từng tháng thì đến đợt đóng mới có tiền. Bên cạnh đó, vợ chồng chị cũng gửi tiết kiệm 1 khoản tiền mặt với hình thức dài hạn, tự động tái tục để hưởng lãi kép.

Với kế hoạch như vậy, nếu cứ bất chấp mua vàng cho bằng được mỗi tháng, thì cuộc sống của vợ chồng chị và 2 con không được đảm bảo, nên cũng... chẳng tội gì phải cố.

2 - Xác định rõ mục đích mua vàng: Không phải để mua đi bán lại ăn chênh tiền lãi!

Hiện tại, vợ chồng chị Thùy Linh có 1 cô con gái và 1 cậu con trai, cả 2 đều đang học cấp 3. Đây chính là động lực để vợ chồng chị Thùy Linh quyết tâm mua vàng tích sản ngay sau khi vừa trả xong khoản nợ vay mua nhà.

Mẹ Hà Nội tiết lộ 3 nguyên tắc khi mua vàng:

Mua vàng để chuẩn bị của hồi môn cho con gái, quà tặng con dâu tương lai nên vợ chồng chị Thùy Linh không nghĩ tới chuyện bán đi

"Tôi chứng kiến nhiều gia đình khi dựng vợ gả chồng cho con trong tình cảnh vui thì có vui, nhưng áp lực lại chiếm phần nhiều vì giá vàng khi đó tăng quá cao. Tiền chuẩn bị đám cưới, của hồi môn, sính lễ cho con đã là một khoản không nhỏ, mà còn thêm áp lực về giá vàng nữa thì quả thực không áp lực không được.

Vợ chồng tôi có 1 con trai, 1 con gái. 2 cháu mới đang học cấp 3 nhưng vì lo xa nên vợ chồng tôi muốn chuẩn bị vàng để dựng vợ gả chồng cho các con từ bây giờ. Làm vậy cũng là để bớt 1 phần áp lực về sau cho bản thân 2 vợ chồng" - Chị Thùy Linh chia sẻ.

Vì lẽ đó, vợ chồng chị thống nhất chỉ mua vàng rồi cất để đó, không màng tới chuyện bán đi lấy phần chênh giá để làm gì. Đơn giản bởi giờ có bán đi thì sau này cũng phải mua lại, mà chẳng ai chắc chắn được giá vàng lúc đó ra sao, nên mua được thì giữ chứ không thiết bán. Nghĩ vậy là rất chính xác và cũng không có gì khó hiểu.

3 - Nếu có lấn cấn chuyện mua vàng thì "đóng cửa vợ chồng bàn với nhau"

Bản thân chị Thùy Linh khẳng định và cũng nhấn mạnh điều này, rằng nếu có lấn cấn hay băn khoăn về việc nên mua vàng hay bán vàng, thì vợ chồng đóng cửa bàn bạc với nhau, hạn chế lên mạng hỏi ý kiến người ngoài hay người lạ. Bởi suy cho cùng, chẳng ai hiểu rõ tình hình tài chính cũng như mục tiêu tài chính của mình bằng chính mình.

"Mang chuyện tiền bạc lên mạng hỏi, thì 9 người 10 ý, vợ chồng tôi cũng từng có 1 lần đi hỏi như vậy. Nhưng cuối cùng đã đang hoang mang lại càng hoang mang hơn. Vì chủ yếu mọi người cũng không phải là chuyên gia, mỗi người một ý, mà ý nào mình cũng thấy có cái đúng, cái chưa hợp lý nên thành ra rất khó quyết định.

Sau lần ấy thì chúng tôi mới bắt đầu bàn bạc thống nhất với nhau về chuyện mua vàng. Kể từ đó đến giờ là không còn băn khoăn hay lấn cấn gì nữa. Nếu có tiền thuê chuyên gia tư vấn 1-1 về vấn đề tài chính là tốt nhất, còn không thì cũng chỉ nên tham khảo lời khuyên của những người hiểu rõ hoàn cảnh của mình, vậy vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm công sức" - Chị Thùy Linh khẳng định.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
  • 31
  • Tháng 3
  • 2025

Tin nổi bật kenh 14

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ