Sự việc xảy ra vào năm ngoái, khi công ty ông Lý (sống tại Bắc Kinh, Trung Quốc) thực hiện giao dịch mua hàng từ một công ty vật liệu. Trong quá trình chuyển khoản thanh toán, do sơ suất, ông đã chuyển nhầm số tiền hơn 37.000 Nhân dân tệ (~ 130 triệu VND) vào tài khoản của một người lạ thay vì tài khoản của nhà cung cấp.
Ngay sau khi nhận ra sai lầm, ông Lý lập tức báo cảnh sát và nhờ đơn vị hỗ trợ liên hệ với người nhận tiền. Tuy nhiên, người nhận tiền là ông Trương, không những từ chối hoàn trả mà còn tiến hành huỷ thẻ và khoá tài khoản ngân hàng của mình lại. Điều này khiến ông Lý buộc phải khởi kiện ông Trương và cả ngân hàng đã xử lý việc khoá tài khoản ra toà.
Tại phiên toà, ông Trương khẳng định rằng tài khoản nhận tiền không thực sự thuộc về mình mà là do một kẻ gian sử dụng thông tin cá nhân của ông để mở tài khoản trái phép. Ông cũng cho biết, sau khi phát hiện số tiền bất thường trong tài khoản, ông đã trình báo cảnh sát. Được sự cho phép của cơ quan chức năng, ông đã tiến hành khoá và huỷ tài khoản ngân hàng của mình.
Ông Trương nhấn mạnh rằng bản thân chưa từng rút hoặc sử dụng số tiền này, vì vậy trách nhiệm hoàn trả thuộc về ngân hàng chứ không phải ông.
Về phía ngân hàng liên quan, họ cho biết không nắm rõ giao dịch tài chính giữa ông Lý và ông Trương. Ngân hàng xác nhận rằng ông Trương đã yêu cầu huỷ tài khoản với lý do bị giả mạo, và toàn bộ số tiền trong tài khoản đã được chuyển vào quỹ chuyên dụng của ngân hàng. Ngân hàng cũng khẳng định rằng nếu toà án phán quyết số tiền cần được hoàn trả, họ sẽ chấp hành quyết định.
Sau quá trình xét xử, Tòa án Nhân dân quận Thông Châu, Bắc Kinh đã đưa ra kết luận rằng: nếu một cá nhân nhận được lợi ích tài chính mà không có căn cứ pháp lý, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu hoàn trả số tiền đó. Trong trường hợp này, ông Lý đã vô tình chuyển hơn 130 triệu đồng vào tài khoản của ông Trương, nhưng giữa hai người không hề có giao dịch mua bán hay thoả thuận tài chính nào. Vì vậy, số tiền này được xem là "khoản thu nhập không chính đáng" và phải được hoàn trả.
Tuy nhiên, do số tiền đã bị ngân hàng tự động chuyển vào quỹ chuyên dụng và không còn thuộc quyền kiểm soát của ông Trương, toà án xác định rằng yêu cầu của ông Lý đối với ông Trương không có đủ cơ sở pháp lý. Thay vào đó, toà tuyên bố rằng ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền hơn 130 triệu đồng cho ông Lý.
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, cả hai bên đều không kháng cáo. Phán quyết hiện đã có hiệu lực pháp lý, và ngân hàng đã tiến hành hoàn trả số tiền bị chuyển nhầm.
Theo Toutiao