Nhắc đến khái niệm tự do tài chính, phần lớn mọi người sẽ nghĩ ngay tới việc không cần làm việc cũng đủ tiền trang trải cuộc sống. Và thường thì chỉ khi đến gần độ tuổi nghỉ hưu, người ta mới đạt được sự tự do tài chính.
Tuy nhiên, với những người đã từng phải gánh nợ, thì khái niệm tự do tài chính lại đơn giản, dễ hình dung hơn nhiều: Trả được hết nợ, kiếm tiền để phục vụ cuộc sống của chính mình chứ không còn phải bận tâm về tiền lãi, tiền nợ.
Không khó để bắt gặp những bài tâm sự về hành trình trả nợ của người trẻ. Hết nợ rồi, có người đi du lịch 1 chuyến, có người tự thưởng cho bản thân 1 bữa ăn ngon,... Tất cả đều đơn giản thôi, với mọi người, đó có thể chẳng phải chuyện gì to tát, nhưng với họ - những người từng chật vật gánh nợ, thì chuyến đi ấy, bữa ăn ấy lại là điểm khởi đầu của tự do: Tự do chi tiêu, tự do tiết kiệm và tự do chuẩn bị cho tương lai của chính mình.
Tự do tài chính của người từng mắc nợ là được kiếm tiền cho bản thân, tự ăn tiêu, tự tiết kiệm
Hoặc như người mới “chuộc” sổ đỏ về cho bố mẹ trong câu chuyện dưới đây cũng vậy, cảm giác hạnh phúc, tự do không biết diễn tả sao mới đúng!
“Mình muốn chia sẻ 1 chút niềm vui là mình cũng mới trả nợ được cho gia đình sau 4 năm cày cuốc, tuy thụt lùi so với bạn bè đồng chang lứa nhưng mình lại cảm thấy rất hạnh phúc, thấy người thân hạnh phúc mình thấy đủ thấy nhẹ lòng.
Sau khi trả nợ, mình đã có chuyến đi khắp các tỉnh thành Việt Nam, mới thấy cuộc sống còn rất nhiều điều mà ta chưa trải nghiệm. Cày cuốc miệt mài để dành dụm, cuối cùng cũng được hít thở không khí tự do. Mỗi thành phố đều mang một màu sắc riêng, khiến mình cảm thấy hạnh phúc và nhẹ lòng nhiều lắm.
Đi nhiều, thấy nhiều, mình càng thêm trân trọng gia đình và tình cảm của những người thân yêu. Mong rằng sau này sẽ có thêm nhiều cơ hội để tiếp tục hành trình khám phá những điều tuyệt vời này. Chúc cho mọi người nếu có nợ sẽ sớm trả hết nợ và gặt hái nhiều thành công”.
Hạnh phúc, tự do ở đây chứ đâu xa!
Có người tự tạo ra nợ, rồi tự gồng gánh để “sửa lỗi sai” do chính mình gây ra. Có người trả nợ cho gia đình, cho bố mẹ,... Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh, nhưng cảm xúc sau khi hết nợ thì có lẽ ai cũng như nhau thôi. Hiện tại chưa có tiền tiết kiệm, thu nhập cũng chỉ vừa vừa nhưng vẫn vui lắm, vì cuối cùng cũng thoát được áp lực nợ để kiếm tiền và vun vén cho tương lai của bản thân.
1. Kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, tuyệt đối tránh “tiêu trước trả sau”
Trong giai đoạn bất ổn tài chính, việc kiểm soát chi tiêu trở nên vô cùng quan trọng. Hãy rà soát lại toàn bộ các khoản chi tiêu hàng tháng, từ chi phí sinh hoạt hàng ngày đến các khoản chi tiêu không thường xuyên. Bước tiếp theo là xác định những khoản chi tiêu không cần thiết và cắt giảm chúng một cách triệt để.
Ảnh minh họa
Lập một ngân sách chi tiêu chi tiết, ghi rõ các khoản thu nhập và chi tiêu dự kiến, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt theo ngân sách đã lập. Hạn chế tối đa việc sử dụng thẻ tín dụng và vay nợ lắt nhắt để phục vụ các khoản chi tiêu không cần thiết, bởi chúng có thể tạo ra gánh nặng tài chính lớn hơn trong tương lai. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tiết kiệm và sử dụng tiền mặt một cách thông minh.
2. Xây dựng quỹ dự phòng
Quỹ dự phòng tài chính đóng vai trò như một "tấm đệm" an toàn, giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn khi mất việc hoặc thu nhập giảm. Hãy tưởng tượng quỹ dự phòng như một khoản tiết kiệm đặc biệt, chỉ được sử dụng trong những tình huống khẩn cấp.
Để xây dựng quỹ này, hãy đặt mục tiêu tiết kiệm một khoản tiền đủ để trang trải chi phí sinh hoạt thiết yếu từ 3 đến 6 tháng. Bạn có thể chia nhỏ mục tiêu này thành các khoản tiết kiệm hàng tháng. Điều quan trọng là phải duy trì tính kỷ luật và kiên nhẫn trong quá trình xây dựng quỹ dự phòng, tránh sử dụng quỹ cho những mục đích không thực sự cần thiết.
3. Chủ động đa dạng thu nhập
Trong bối cảnh thị trường lao động biến động, việc chỉ dựa vào một nguồn thu nhập duy nhất có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hãy chủ động tìm kiếm các cơ hội gia tăng thu nhập, chẳng hạn như làm thêm các công việc bán thời gian, làm việc tự do (freelance). Đồng thời, không ngừng học hỏi và phát triển các kỹ năng mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động. Tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ của chính phủ dành cho người lao động, chẳng hạn như bảo hiểm thất nghiệp, để có thể tận dụng khi cần thiết. Việc chủ động tìm kiếm các nguồn thu nhập thay thế không chỉ giúp bạn ổn định tài chính mà còn tạo ra sự linh hoạt và tự tin trong cuộc sống.