McDonald’s kinh doanh ra sao ở Việt Nam sau 10 năm?

Hà Linh, Theo VTC News 13:05 18/09/2024
Chia sẻ

Đúng 10 năm có mặt tại Việt Nam, McDonald’s thông báo đóng cửa hàng sát chợ Bến Thành (Quận 1, TP.HCM) và không thể đạt con số 100 điểm bán như mong muốn.

Thông báo gửi khách hàng, McDonald’s cho biết, “2h ngày 19/9, McDonald’s Bến Thành sẽ khép lại hành trình 10 năm đồng hành đầy cảm xúc. Cảm ơn bạn vì đã cùng nhau tạo nên một thập kỷ rực rỡ và ý nghĩa”.

McDonald’s Bến Thành - Quận 1 mở cửa tháng 5/2014, cách đây 10 năm, là cửa hàng thứ 2 của ông lớn thức ăn nhanh Mỹ khi đặt chân vào Việt Nam với khởi đầu tại TP.HCM. Trước đó, cửa hàng đầu tiên được mở tại vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ, Quận 1.

McDonald’s kinh doanh ra sao ở Việt Nam sau 10 năm?- Ảnh 1.

Sau 10 năm hoạt động, cửa hàng thứ 2 tại Việt Nam của McDonald’s nói lời chia tay thực khách vào 2h sáng mai 19/9. (Ảnh: McDonald’s)

Tuy mở sau, nhưng cửa hàng ở Bến Thành có nhiều ưu thế thu hút khách vì mở cửa suốt 24 giờ, lại nằm ngay khu đông khách du lịch ở giữa chợ Bến Thành và phố Tây Bùi Viện, có view xanh mát hướng ra Công viên 23/9. Đây cũng là cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng hệ thống băng chuyền vận chuyển thức ăn từ bếp đến các tầng nhanh chóng. Khách hàng có thể quan sát một phần quá trình làm việc của nhân viên trong bếp, hành trình thức ăn đi đến quầy giao hàng.

Cửa hàng Bến Thành cũng là nơi đầu tiên có quầy đặt hàng “To Go”, giúp khách mua đồ ăn nhanh chóng, tiện lợi mà không cần vào bên trong.

10 năm, McDonald’s chỉ mở được 36 cửa hàng

McDonald’s được ông Nguyễn Bảo Hoàng đưa về Việt Nam tháng 2/2014, và tháng 2/2024 vừa rồi, chuỗi này kỷ niệm 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam. Hiện, chuỗi có 36 cửa hàng, trong đó 18 cửa hàng tại TP.HCM, 10 cửa hàng tại Hà Nội, còn lại 8 cửa hàng  ở Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa, Hải Phòng... Con số này mới bằng 1/3 so với tham vọng mà đơn vị nhận nhượng quyền đặt ra khi vào Việt Nam.

Năm 2014, trả lời Bloomberg, ông Nguyễn Bảo Hoàng cho biết theo kế hoạch, sẽ có ít nhất 100 cửa hàng McDonald's mở cửa trong vòng 10 năm. Số lượng nhân viên tại McDonald's tại Việt Nam có thể lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người.

Việt Nam được xem là một trong những thị trường hấp dẫn của thức ăn nhanh, nhưng McDonald's lại chậm chân hơn nhiều đối thủ của họ trên hành trình đến Việt Nam. Trả lời phỏng vấn báo chí năm 2014, khi vừa mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM, ông Bảo Hoàng nói rằng các thương hiệu nổi tiếng đều nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam, nhưng mỗi doanh nghiệp có một chiến lược kinh doanh riêng.

“Chúng tôi không đến chậm mà phải dành thời gian để nghiên cứu thị trường, xu hướng tiêu dùng. Hơn nữa, với McDonald’s, cách làm việc và văn hóa của họ không phải để so sánh với thương hiệu khác. Theo tôi, nếu bạn có dịch vụ, thức ăn, và mọi điều kiện kinh doanh tốt nhất thì bạn luôn có cơ hội để thành công mà không phải đến sớm hay muộn”, ông Hoàng khẳng định.

McDonald’s kinh doanh ra sao ở Việt Nam sau 10 năm?- Ảnh 2.

Là "người đến sau", McDonald’s không dễ chinh phục thị trường 100 triệu người Việt Nam vốn có nền ẩm thực đa dạng. (Ảnh: McDonald’s)

Ông cũng nói Việt Nam là đất nước có nền văn hóa ẩm thực đa dạng, với bản sắc riêng, McDonald’s đến Việt Nam là góp thêm vào sự đa dạng này. Sản phẩm của McDonald’s giá không đắt, ai cũng có thể ăn, lại mở cửa 24/24 nên có thể phục vụ bất cứ lúc nào, nên dù đến sau thì cơ hội thành công vẫn không thiếu.

Một điểm khác biệt của McDonald’s Việt Nam là trong thực đơn có thịt heo, ông Bảo Hoàng nói ông mang thịt heo vào thực đơn của McDonald’s Việt Nam vì vị rất ngon. Hơn nữa, thịt heo là thực phẩm phổ biến, có đến hơn 90% người Việt chọn trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, những thương hiệu nhượng quyền cũng thường hay tạo sự khác biệt ở nơi mở cửa hàng, và ông cũng muốn tạo nét lạ, tạo nên sự phong phú cho thực đơn của McDonald’s.

Theo doanh nhân này, có 3 lý do khiến ông quyết đưa thương hiệu này về Việt Nam. Thứ nhất, đây là việc kinh doanh tốt, công việc ông từng trải nghiệm và yêu thích. Thứ hai, Mc Donald’s là một thương hiệu rất uy tín, chuyên nghiệp. Thứ ba, McDonald’s tạo ra rất nhiều việc làm. Toàn hệ thống đã tạo việc làm cho 1,7 triệu nhân viên trên thế giới, khi đến Việt Nam cũng sẽ tạo việc làm cho một lượng lớn lao động trẻ Việt Nam.

Cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM khai trương ngày 8/2/2014 là bước đánh dấu lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, một tập đoàn đồ ăn nhanh này gia nhập thị trường Đông Nam Á.

10 năm có mặt ở Việt Nam, nếu so với các thương hiệu thức ăn nhanh đang có mặt ở Việt Nam thì McDonald’s chỉ là “người đến sau”. Nhưng công bằng mà nói, chuỗi này đã tạo được ấn tượng với khách hàng về không gian rộng rãi, hiện đại, có khu vui chơi cho trẻ em, phòng tiệc, dịch vụ đặt hàng trên xe, mở cửa 24/7.

Chuỗi cũng có quầy cà phê riêng (McCafe), có dịch vụ giao hàng, phục vụ tại bàn và đi đầu ứng dụng số như đặt hàng qua kios - SOK, app hỗ trợ khách hàng gọi món, kiểm tra thông tin - khuyến mãi, phản hồi đánh giá dịch vụ…

Nhưng sau 10 năm, trái ngược với nhiều thị trường trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có ít cửa hàng McDonald’s nhất, và chỉ bằng 1/5 Singapore là nơi có số cửa hàng thấp thứ 2 liền kề.

Khó chinh phục thị trường 100 triệu dân

McDonald’s kinh doanh ra sao ở Việt Nam sau 10 năm?- Ảnh 3.

McDonald’s chỉ đứng ở vị trí thứ 4 trong số các thương hiệu thức ăn nhanh được người Việt lựa chọn. (Nguồn: Cốc cốc)

Báo cáo thị trường “Mở khóa đồ ăn nhanh” do Cốc Cốc phát hành cuối 2023, cho thấy thị trường đồ ăn nhanh tại Việt Nam có lượng tiêu thụ rất lớn, đến 45% người được hỏi cho biết họ sử dụng đồ ăn nhanh hàng ngày hoặc hàng tuần. Độ tuổi 18 - 21 có xu hướng tiêu thụ cao nhất, đặc biệt là tại các khu vực thành thị.

4 thương hiệu đồ ăn nhanh được yêu thích nhất theo khảo sát lần lượt là KFC, Jollibee, Lotteria và McDonald’s. Đặc biệt, KFC có tỷ lệ ưa chuộng cao hơn gấp đôi MCDonalds, với 59,2% đáp viên lựa chọn KFC và 29,5% chọn McDonalds.

Theo kết quả khảo sát, mức chi phổ biến cho đồ ăn nhanh mỗi lần 50.000 - 100.000 đồng. Trong đó người tiêu dùng khu vực phía Nam có mức chi tiêu cao nhất trong 3 miền, với hơn 75% đáp viên chi trả 50.000 đồng/người/ phần ăn trở lên.

Nếu tính giá thức ăn, McDonald’s và Burger King có giá cao nhất. KFC, Lotteria, Jolibee có mức giá bình dân,  thực đơn cũng phong phú, lại thường được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Điều này một phần lý giải vì sao McDonald’s sau 10 năm vẫn chưa thể chinh phục thị trường Việt 100 triệu dân như mục tiêu ban đầu.

Còn về doanh thu, năm 2020, doanh thu của chuỗi này tại Việt Nam đạt gần 450 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu giảm mạnh 24%, dễ lý giải là vì đại dịch COVID-19. Đến năm 2022, doanh thu tăng vọt 94%, đạt hơn 650 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam, từng cho biết phải mất hơn 10 năm để tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, đơn vị nhận nhượng quyền mới quyết định mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam.

Để có thể có chỗ đứng trên thị trường, ngoài việc tạo ra sự khác biệt, một thương hiệu thức ăn nhanh cần hiểu rõ nhu cầu khách hàng, đặc biệt là văn hóa ẩm thực của người Việt, từ đó tạo nên sự cân bằng giữa việc đảm bảo nét riêng của thương hiệu, vừa cải tiến và mang lại những sản phẩm “bản địa hóa”, để phù hợp với khẩu vị của thực khách hơn.

Thương hiệu này cũng từng dành 3 năm tìm hiểu thị trường để đưa vào thực đơn món gà rán “giòn da thấm thịt”.

McDonald's Bến Thành không công bố nguyên nhân đóng cửa, nhưng khả năng liên quan đến giá thuê mặt bằng được nhiều người quan tâm. Địa chỉ 2-2A Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 này là vị trí vàng, có giá thuê  thuộc hàng đắt đỏ tại khu trung tâm TP.HCM. Ước giá thuê cửa hàng McDonald's Bến Thành khoảng 14.000 - 15.000 USD/năm

Báo cáo của một website bất động sản cho thấy giá mặt bằng khu vực này đã tăng gần 16% trong một năm qua.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày