Ngày 18/2, chiếc máy bay 6 chỗ ngồi Cessna 340 mất tín hiệu liên lạc với trạm kiểm soát không lưu không lâu sau khi rời sân bay quốc tế Bicol ở tỉnh Albay để đến thủ đô Manila, cơ quan hàng không dân sự Philippines (CAAP) cho biết.
Hai hành khách Úc, gồm Simon Chipperfield và Karthi Santhanam, là cố vấn kỹ thuật cho công ty phát triển năng lượng ở Manila.
Hình ảnh chiếc máy bay trong miệng núi lửa do máy bay không người lái chụp được
Công ty cho biết, đội phản ứng khẩn cấp đã phát hiện xác máy bay ở độ cao khoảng 1.823m trên đỉnh núi lửa Mayon. Ngọn núi lửa này phun trào gần đây nhất vào năm 2018.
Giới chức vẫn đang cố gắng đến chỗ máy bay và xác nhận nó có phải chiếc mà họ đang tìm kiếm hay không, phát ngôn viên CAAP Eric Apolonio nói với đài truyền hình PTV.
“Chúng tôi mới có ảnh chụp từ máy bay không người lái, nhưng chưa thể xác nhận. Các chuyên gia điều tra tai nạn của chúng tôi cần đến hiện trường”, ông Apolonio cho biết.
Quan chức này cũng cho biết, xác máy bay cần được tìm thấy trước khi xác nhận nguyên nhân tai nạn.
Xác máy bay được phát hiện gần vị trí nguy hiểm, được xác định là “vùng cấm bay” gần núi lửa. Các đội cứu hộ phải xin ý kiến của Viện Núi lửa và Địa chấn Philippines trước khi tiến hành chiến dịch tìm kiếm rủi ro cao. Mưa lớn và lở đất cũng gây thêm khó khăn cho nỗ lực tìm kiếm.
Hơn 200 người cùng 34 phương tiện, 11 máy bay không người lái và 4 con chó K9 được huy động tham gia chiến dịch giải cứu trên ngọn núi lửa xa xôi, báo chí trong nước đưa tin.
Đội cứu hộ chuẩn bị triển khai chiến dịch tìm kiếm
Khi núi lửa Mayon phun trào lần gần đây nhất, bụi và dung nham buộc hàng chục ngàn người dân phải sơ tán. Đợt phun trào dữ dội nhất được ghi nhận vào năm 1814, khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng.
Nguồn: CNN