Với 6 động cơ, 2 thân và sải cánh dài đến 117 m, máy bay được thiết kế để phóng rốc-két lên quỹ đạo. Bệ phóng trên không này đã trải qua một số cuộc thử nghiệm trong năm vừa qua bên trong nhà chứa máy bay và trên một đường băng ở Mojave, bang California - Mỹ.
Stratolaunch hôm 20-8 công bố kế hoạch phát triển 3 loại rốc-két mới có thể được phóng từ bên dưới cánh máy bay này. Kế hoạch của công ty là phóng rốc-két đầu tiên của mình vào năm 2022 dù chi phí chế tạo chúng không được tiết lộ. Stratolaunch còn xác nhận đang thiết kế một loại máy bay không gian có thể tái sử dụng, dùng để vận chuyển hàng hóa từ trái đất lên quỹ đạo và ngược lại. Một phiên bản dùng để chở người cũng đang được phát triển.
Với bước đi trên, công ty của tỉ phú Paul Allen, nhà đồng sáng lập Công ty Microsoft, quyết tâm tham gia vào thị trường dành cho loại phương tiện có thể đưa vệ tinh lên quỹ đạo - được dự báo có nhu cầu cao trong những năm tới. Theo chuyên gia Marco Caceres của Công ty Tư vấn Teal Group (Mỹ), khoảng 800 vệ tinh nhỏ dự kiến được phóng lên quỹ đạo hằng năm từ năm 2020, cao gấp đôi con số bình quân mỗi năm của thập kỷ qua.
Chiếc máy bay của Stratolaunch sẽ trở thành bệ phóng rốc-két di động Ảnh: STRATOLAUNCH
Theo Reuters, những đối thủ hàng đầu của Stratolaunch trong lĩnh vực này tại Mỹ là SpaceX của tỉ phú Elon Musk và United Launch Alliance - công ty ra đời từ sự hợp tác giữa 2 hãng Boeing và Lockheed Martin. Thông cáo báo chí của Stratolaunch, công ty ra đời năm 2011 và đặt trụ sở ở TP Seattle, tự tin cho biết phương tiện phóng của họ giúp việc triển khai vệ tinh "dễ dàng như đặt vé máy bay". Phương pháp phóng rốc-két nói trên tương tự những gì Công ty Virgin Galactic của tỉ phú người Anh Richard Branson đang phát triển.
Theo Reuters, máy bay của Stratolaunch được thiết kế để có tải trọng đến 250 tấn (tính luôn cả rốc-két), tương đương với khả năng của rốc-két Falcon 9 của SpaceX khi được phóng từ mặt đất. Trước mắt, công ty này đặt mục tiêu phóng rốc-két Pegasus của Công ty Northrop Grumman Corp sớm nhất là vào năm 2020.