Theo Simple Flying , chứng nhận của CAAC cho phép RX4E vượt qua giai đoạn thử nghiệm và đi vào sản xuất hàng loạt máy bay điện . CAAC đánh giá việc này là bước đột phá trong công nghệ hàng không năng lượng mới.
Thời báo Hoàn Cầu cho biết, RX4E do Học viện Hàng không tổng hợp Liêu Ninh (LGAA) chế tạo, vừa thực hiện chuyến bay đầu tiên khởi hành từ sân bay Thái Hồ gần Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.
Đây là loại máy bay chạy bằng điện hoàn toàn đầu tiên, được thiết kế theo CCAR 23 (Quy định Phần 23) - quy định hàng không dân dụng của Trung Quốc về khả năng bay đối với máy bay hạng thông thường.
Do đó, RX4E là máy bay điện đầu tiên trên thế giới được chứng nhận theo quy định để sử dụng cho mục đích thương mại. Máy bay được thiết kế với cánh đơn phía trên, đuôi phẳng thấp, cánh quạt phía trước và bánh đáp ba điểm phía trước không thể thu vào.
LGAA thông tin, RX4E sử dụng một lượng lớn vật liệu composite sợi carbon, chiếm 77% tổng trọng lượng cấu trúc của máy bay. RX4E cũng là máy bay điện đầu tiên trên thế giới có công nghệ hoán đổi pin.
Máy bay có sức chứa 4 người, sải cánh 13,5 m và chiều dài 8,4 m, với trọng lượng cất cánh tối đa là 1.260 kg, bao gồm 860 kg của chính máy bay. Nó được cung cấp năng lượng bởi một pin lithium có tổng công suất 70 kWh và có hệ thống đẩy điện có khả năng đạt công suất tối đa 140 kW cho tốc độ tối đa 260 km/giờ, hoặc tốc độ bay ổn định 200 km/giờ. Với thời gian bay là 1h30, máy bay có phạm vi hoạt động khoảng 300 km.
Phương tiện hàng không xanh này được thiết kế cho nhiều mục đích sử dụng như đào tạo phi công tư nhân hoặc thương mại, các chuyến bay trải nghiệm hàng không, chuyến bay giải trí cá nhân, du lịch , nông nghiệp, lâm nghiệp,... Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của máy bay là kết nối các khu vực có cơ sở hạ tầng hạn chế, nhờ khả năng hạ cánh trên cỏ cứng hoặc cát của máy bay.
Máy bay điện RX4E có tốc độ tối đa 260 km/giờ, thời gian bay là 1h30 với phạm vi hoạt động khoảng 300 km. Ảnh: LGAA.
Quá trình chứng nhận loại máy bay này mất hơn 5 năm với 3 mẫu máy bay đã tích lũy được hơn 1.200 giờ bay và 1.800 lần cất cánh và hạ cánh kể từ khi RX4E thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2019.
Chia sẻ với tờ SCMP , ông Henry Hooi Hing Lee - Chủ tịch sáng lập của Volar Air Mobility (đối tác bán hàng toàn cầu của LGAA) có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc - cho biết, công ty đã có thỏa thuận với các nhà phát triển để thương mại hóa máy bay điện này tại 15 quốc gia. LGAA cũng đang nghiên cứu biến thể chạy bằng hydro của RX4E và họ hy vọng việc này sẽ được CAAC chứng nhận trong những năm tới.
Trong một bài đăng trên LinkedIn , Volar Air Mobility cho rằng việc RX4E được CAAC chứng nhận là cột mốc này đánh dấu kỷ nguyên mới cho ngành hàng không bền vững, mở đường cho việc thương mại hóa máy bay điện trên thị trường di động hàng không tiên tiến (AAM).
Đại diện Mobility đánh giá giải pháp hàng không xanh này nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách trong khả năng di chuyển bằng đường hàng không khu vực chặng ngắn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển có cơ sở hạ tầng đường bộ hạn chế.