Mặt trận Youtube: Các ngôi sao hội chợ sánh ngang Sơn Tùng, Bích Phương nhờ loạt MV giang hồ

SJ, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 03/04/2019
Chia sẻ

Hoạt động có phần lặng lẽ và bị đánh giá thấp, nhưng những ca sĩ mang mác hội chợ vẫn có cho mình một phân khúc khán giả riêng biệt và luôn được ủng hộ nhiệt tình.

Trong những năm đầu thập niên 2000, có hàng loạt những ca khúc "bình dân" với tựa đề rất dài và giai điệu na ná nhau được ra đời và "làm mưa làm gió" trong làng nhạc Việt. Có giai đoạn thịnh hành nhưng không hề biến mất khi thoái trào, dòng nhạc được định nghĩa là "bình dân" vì mọi tầng lớp khán giả đều có thể hiểu vẫn luôn tồn tại, bất chấp dòng chảy chung của âm nhạc Việt Nam. "Cha đẻ" của dòng nhạc này là những ngôi sao vô cùng đắt sô tại các sân khấu ở tỉnh, dù tên tuổi của họ ít khi xuất hiện trên báo chí hay những trang mạng xã hội chuyên cập nhật tin tức giải trí.

Suốt gần hai thập kỉ qua, những lớp ca sĩ trẻ càng ngày càng cố gắng làm mới mình bằng những thể loại âm nhạc tiệm cận với âm nhạc quốc tế. Từ Hip hop, RnB cho đến Reggae thịnh hành trong năm 2018 đều đã có mặt trên bản đồ âm nhạc Việt Nam, dù với số lượng không quá đông đảo. Tuy đã cố gắng đổi mới với những sản phẩm được trau chuốt kĩ lưỡng từ âm nhạc tới hình ảnh, không phải ca sĩ nào cũng có thể thành công. Vpop không phải là một bàn tiệc "đất chật người đông", thế nhưng để tìm cho mình một chỗ đứng lại là điều không hề dễ.

Trong khi đó, những sản phẩm âm nhạc đến từ các ca sĩ mang mác "hội chợ" vẫn luôn có chỗ đứng mà không cần bất cứ thay đổi nào. Vẫn một chủ đề, một cách thể hiện, dòng nhạc "mì ăn liền" này vẫn tồn tại bất chấp sự thay đổi của âm nhạc Việt Nam. Lướt ngang qua những bảng xếp hạng nhạc Việt, ta vẫn dễ dàng tìm thấy những ca khúc có thể loại, ca từ và cách thể hiện cũ kĩ. Thậm chí ở trong thời buổi Youtube lên ngôi, những "ngôi sao hội chợ" vẫn đường hoàng lọt top trending và còn đạt đến cột mốc nút bạc, nút vàng Youtube nhanh hơn nhiều ca sĩ theo đuổi những dòng nhạc mới.

Công thức thành công rõ ràng trên mặt trận Youtube

Tính đến hiện tại, có đến 171 kênh Youtube "made in Vietnam" được nhận nút vàng – chứng nhận của Youtube cho những nhà sáng tạo nội dung đạt đến 1 triệu lượt người theo dõi. Trong số 171 kênh Youtube nói trên, chỉ có 5 kênh Youtube của các ca sĩ góp mặt đó là Sơn Tùng M-TP, Bích Phương, Lâm Chấn Khang, Hồ Quang Hiếu và Châu Khải Phong.

Mặt trận Youtube: Các ngôi sao hội chợ sánh ngang Sơn Tùng, Bích Phương nhờ loạt MV giang hồ - Ảnh 1.

Những ca sĩ Vpop triệu follow trên Youtube: Sơn Tùng M-TP, Bích Phương, Châu Khải Phong, Lâm Chấn Khang, Hồ Quang Hiếu

Nếu như Sơn Tùng M-TP và Bích Phương là 2 cái tên đã quá quen thuộc với lớp khán giả trẻ ở thành thị thì Lâm Chấn Khang và Châu Khải Phong lại là 2 nghệ sĩ không xuất hiện nhiều trên các trang mạng về âm nhạc. Bù lại, Lâm Chấn Khang, Châu Khải Phong và Hồ Quang Hiếu là những cái tên vô cùng đắt sô ở các sân khấu hội chợ lớn nhỏ, đặc biệt là ở khu vực miền Tây. Không chỉ Lâm Chấn Khang, Châu Khải Phong hay Hồ Quang Hiếu, trong làng nhạc Việt hiện tại còn có rất nhiều những ca sĩ khác được coi như là những "ngôi sao hội chợ" - những cái tên dù xa lạ với tầng lớp khán giả trẻ ở thành thị nhưng lại nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt ở phân khúc khán giả của riêng mình. 

3/5 ca sĩ nhận được nút vàng Youtube là những ca sĩ bị mang mác "hội chợ", điều này chứng tỏ rằng những ngôi sao này không chỉ tỏa sáng ở sân khấu tỉnh xa mà còn rất có quyền lực trên internet. Ở thời điểm Youtube trở thành một "mặt trận" của tất cả các nghệ sĩ, những "ngôi sao hội chợ" cũng tham gia vào cuộc đua đó một cách thầm lặng nhưng thành tích lại không hề kém cạnh những tên tuổi mainstream.

Nhìn vào đa số những MV hot trong thời gian qua, có thể thấy ngay được khán giả Việt thích phim ca nhạc, thích những tình tiết drama, âm nhạc nếu hay sẽ thành hit lớn còn không hay thì… nghe nhiều cũng thành hit. Công thức sản xuất MV dưới dạng drama trở nên thời thượng trong Vpop kể từ năm 2017, thế nhưng những "ngôi sao hội chợ" dường như đã... đi trước thời đại khi có cho mình những sản phẩm kết hợp giữa drama và âm nhạc từ vài năm trước.

Nổi tiếng nhất trong số những ca sĩ kết hợp giữa phim chiếu mạng với âm nhạc là Lâm Chấn Khang. Phim ca nhạc "Người trong giang hồ" của anh đạt đến 240 triệu cho phần có lượt xem nhiều nhất. Không có fandom gồm toàn fan cứng với những chiến dịch cày view rầm rộ, có thể nói rằng lượt xem MV trên Youtube của các ca sĩ hát nhạc thị trường phản ánh rõ sở thích của một bộ phận khán giả phổ thông. Thời lượng của những bộ phim ca nhạc như "Người trong giang hồ" lên đến gần 2 tiếng đồng hồ, tuy nhiên sức hút của phim qua nhiều năm vẫn không hề suy giảm.

Mặt trận Youtube: Các ngôi sao hội chợ sánh ngang Sơn Tùng, Bích Phương nhờ loạt MV giang hồ - Ảnh 2.

Series "Người trong giang hồ" của Lâm Chấn Khang có số lượt xem rất cao dù thời lượng dài đến 2 tiếng

Nói một cách công bằng, MV hay phim chiếu mạng của những "ngôi sao hội chợ" vẫn còn có rất nhiều sạn và không được trau chuốt quá kĩ lưỡng về mặt bối cảnh hay góc quay. Bù lại, với nội dung đánh trúng sở thích, thỉnh thoảng lại điểm xuyết những chi tiết gây cười, loạt phim ca nhạc như "Người trong giang hồ" (Lâm Chấn Khang), "Thiếu niên ra giang hồ" (Hồ Quang Hiếu) đều nhận được hưởng ứng tích cực và giải quyết được cơn khát phim điện ảnh của phân khúc khán giả không có nhiều điều kiện tiếp xúc với rạp chiếu phim.

Mặt trận Youtube: Các ngôi sao hội chợ sánh ngang Sơn Tùng, Bích Phương nhờ loạt MV giang hồ - Ảnh 3.

Giang hồ thường là nội dung được ưa chuộng nhất của những ca sĩ hát nhạc thị trường

Không bị áp lực về việc bắt buộc phải tạo hit, các ngôi sao hát nhạc "bình dân" có thể sắp xếp để từ 3 đến 4 ca khúc xuất hiện trong một bộ phim ca nhạc. Vẫn là dòng nhạc ballad với cấu trúc quen thuộc, không thể thiếu được một vài ca khúc nhạc Hoa lời Việt đang thịnh hành, các ca sĩ nói trên đã đủ vốn liếng để đi lưu diễn khắp các sân khấu tỉnh xa. Vừa có thu nhập từ Youtube để sản xuất tiếp MV vừa có bài hát để biểu diễn, Youtube đã trở thành sự thay thế hoàn hảo cho những đĩa VCD phổ biến trong thập niên 2000. Có thể nói rằng dù âm nhạc và hình ảnh cá nhân đều cũ, nhưng tư duy đón bắt xu hướng của những "ngôi sao hội chợ" lại không cũ chút nào.

Trong những ngày vừa qua, khán giả được dịp bất ngờ với những thành tích ấn tượng của ca khúc "Cuộc vui cô đơn" (Lê Bảo Bình). Lê Bảo Bình bắt đầu hoạt động ca nhạc từ năm 2012, nhưng sân khấu chủ yếu của anh là các phòng trà, quán bar và các hội chợ. Một ca sĩ xa lạ, một ca khúc nằm trong ngưỡng cũ kỹ và dễ dàng chìm nghỉm cùng một MV với kịch bản không thể quen thuộc hơn, lại thu được đến 20 triệu lượt xem chỉ trong vỏn vẹn 2 tuần ngắn ngủi, thậm chí còn án ngữ vị trí top 1 trending Youtube suốt một tuần. Song song với MV, video lyric của "Cuộc vui cô đơn" cũng đạt được gần 9 triệu lượt xem, một con số mà kể cả những ca sĩ mainstream cũng phải mơ ước.

Cùng trong thời gian Lê Bảo Bình làm mưa làm gió với "Cuộc vui cô đơn", Mr. Siro - "thánh nhạc buồn" của Vpop cũng cho ra mắt MV "Một bước yêu vạn dặm đau". Được khán giả mong chờ đã lâu nhưng thành tích của "Một bước yêu vạn dặm đau" lại ngậm ngùi xếp sau "Cuộc vui cô đơn". Nếu đem so sánh giữa Mr. Siro với Lê Bảo Bình, dù là tên tuổi, độ phổ biến hay sự trau chuốt trong sản phẩm thì đa số khán giả đều sẽ cho rằng phần thắng nghiêng về Mr. Siro, nhưng thành tích trên Youtube lại nói lên điều ngược lại. Cuộc đua giữa những ca sĩ mainstream hay underground đang hot với lớp "ngôi sao hội chợ" tưởng chừng thắng thua đã rõ nhưng thật ra lại luôn trong tình trạng "kẻ tám lạng người nửa cân", dù những "ngôi sao hội chợ" thường không có nhiều lợi thế về truyền thông như những nghệ sĩ có chiến lược tốt và fanbase hùng hậu.

Mặt trận Youtube: Các ngôi sao hội chợ sánh ngang Sơn Tùng, Bích Phương nhờ loạt MV giang hồ - Ảnh 4.

"Cuộc vui cô đơn" (Lê Bảo Bình) - ẩn số bất ngờ của mặt trận Youtube tháng 3

Món ăn tinh thần quen thuộc của phân khúc khán giả nông thôn

Thu nhập cao, số lượng khán giả biết đến không ít, nhưng những "ngôi sao hội chợ" luôn bị rất nhiều khán giả - đặc biệt là khán giả trẻ xếp vào "chiếu dưới" trong làng nhạc Việt. Dễ hiểu bởi vì Vpop vẫn còn nhiều hạn chế, một số lượng lớn khán giả trẻ từ lâu đã tìm đến âm nhạc quốc tế - từ Kpop, Cpop, Jpop cho đến US – UK để thỏa mãn nhu cầu giải trí. Đem tiêu chuẩn của Kpop hay US – UK áp vào nhạc Việt thì đến các ca sĩ mainstream cũng phải chật vật, đừng nói đến những ca sĩ đã 20 năm vẫn không hề thay đổi tư duy âm nhạc của mình.

Dù người hâm mộ Kpop hiện nay đã là một thế lực đông đảo hay số lượng Sky và Potatoes – fan của Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi - hoạt động rất nổi bật trên các trang mạng xã hội, thì vẫn có một phân khúc khán giả đông không kém đó là khán giả ở vùng nông thôn. Indie, underground… những dòng chảy âm nhạc đang thịnh hành lúc này dường như không thể chạm được đến phân khúc khán giả nông thôn với những nhu cầu khác với khán giả thành thị.

Nếu đã từng sống ở những địa điểm thường xuyên có sự ghé thăm của những hội chợ thương mại, chắc chắn ai cũng sẽ một lần bắt gặp những tấm băng rôn quảng cáo với những cái tên nghe rất kêu nhưng không mấy khi xuất hiện trên báo chí hay mạng xã hội treo dọc khắp các con đường. Những cái tên na ná nhau đôi khi còn gây nhầm lẫn nhưng vẫn đủ sức kéo khán giả tỉnh đến chật kín các sân khấu ngoài trời vào ban đêm. 

Chắc hẳn sẽ có những lời chê bai bởi sự kết hợp của những sân khấu đôi khi có vẻ tạm bợ, những tấm băng rôn bất chấp các quy chuẩn thẩm mĩ và dàn âm thanh ánh sáng không chất lượng, tuy nhiên hiếm thấy những lời phàn nàn về âm nhạc trên những sân khấu này. Kết hợp với hoạt động kinh doanh từ hội chợ, những đêm diễn có mời ca sĩ thường được bán vé rất rẻ hoặc miễn phí, điều này phần nào khiến khán giả có cái nhìn bao dung hơn và dễ thỏa mãn hơn.

"Đơn giản" là từ khóa đầu tiên để tiếp cận khán giả vùng nông thôn, và đa số những ca sĩ trẻ hiện nay đều không đáp ứng được tiêu chí đó. Sử dụng ngoại ngữ, hát không rõ lời, bản phối quá cầu kì…, tất cả đều khiến khán giả vùng nông thôn từ chối tiếp cận những thể loại âm nhạc được cho là tân tiến.

Mặt trận Youtube: Các ngôi sao hội chợ sánh ngang Sơn Tùng, Bích Phương nhờ loạt MV giang hồ - Ảnh 5.

Rap và hiphop vẫn là một thể loại nghệ thuật khó hiểu với khán giả nông thôn

Trong khi đó, những "ngôi sao hội chợ" lại có thể dễ dàng đáp ứng được từ khóa "đơn giản" mà khán giả nông thôn đặt ra. Kết cấu bài hát quen thuộc, đề tài gói gọn trong tình yêu và gia đình, ca từ không trúc trắc khó hiểu và đặc biệt là không cần quá nhiều kĩ thuật để xử lý chính là điểm mạnh của "nhạc bình dân" so với những bản hit được giới trẻ thành thị nghe đi nghe lại hàng ngày.

Nếu như khán giả nghe nhạc ở thành thị thường tìm đến những sân khấu chủ yếu để thưởng thức, thì khán giả vùng nông thôn lại có nhu cầu thể hiện khá cao. Thời gian rảnh rỗi cùng những buổi tụ tập ca hát là một nét đời sống tinh thần của một bộ phận dân cư sống ở khu vực nông thôn, và những ca khúc "nhạc bình dân" là lựa chọn phù hợp để thể hiện hơn cả. Đây cũng là cách để những ca khúc "nhạc bình dân" được lan tỏa mà không cần đến Youtube hay Facebook. Những "ca sĩ không chuyên" trong những buổi gặp gỡ chính là công cụ chia sẻ bài hát đắc lực nhất, bởi trên thực tế, việc một khán giả chọn cho mình một "bài tủ" đã là điều quá quen thuộc và dĩ nhiên sẽ không vấp phải lời chê bai nào như khi ca sĩ hát đi hát lại bài hit của mình.

Mặt trận Youtube: Các ngôi sao hội chợ sánh ngang Sơn Tùng, Bích Phương nhờ loạt MV giang hồ - Ảnh 6.

Dù là siêu hit thì "Chạy ngay đi" (Sơn Tùng M-TP) cho đến "Người lạ ơi" (Karik, Orange) đều không dễ thể hiện.

Chỉ cần có khán giả là đã thành công

Vài năm trước, một bộ phận khán giả Việt gần như "phát cuồng" vì bolero. Những chương trình ca nhạc dành riêng cho bolero mọc lên như nấm, các bản hit bolero xuất hiện từ trong xe ô tô cho đến những quán cà phê lớn. Song song với cơn sốt đó, không ít người chỉ trích rằng đa phần những ca khúc bolero đều ủy mị, nỉ non, không nên để nó thành một trào lưu rộng khắp.

Mặt trận Youtube: Các ngôi sao hội chợ sánh ngang Sơn Tùng, Bích Phương nhờ loạt MV giang hồ - Ảnh 7.

Hai ca sĩ Thanh Lam và Tùng Dương từng gây tranh cãi vì những phát ngôn được cho là "coi thường" bolero

Không trở thành một trào lưu như bolero nhưng dòng nhạc thị trường của những ca sĩ mang mác hội chợ cũng có sức sống bền bỉ không kém. Những "ngôi sao hội chợ" đã đáp ứng được điều cơ bản nhất làm nên một người ca sĩ: họ có khán giả, có thị trường dành riêng cho mình. Những con số về lượt xem Youtube, tần suất xuất hiện trên các sân khấu hội chợ ở tỉnh mà đặc biệt là khu vực miền Tây và những ca khúc bám trụ dai dẳng trên các bảng xếp hạng âm nhạc chính là minh chứng không thể chối cãi cho độ phổ biến của những ngôi sao hội chợ, dù có thể giới chuyên môn hay khán giả hiện đại vẫn có cái nhìn khắt khe về dòng nhạc "bình dân" và cha đẻ của nó.

"Âm nhạc thiếu đầu tư", "không có đẳng cấp", "kéo lùi gu nghe nhạc của khán giả", "ca từ vô nghĩa", chắc chắn không ít lần những ca sĩ đắt sô hội chợ nghe được những lời đánh giá như thế. Tuy nhiên, không ai chối bỏ được sự thật là có cầu mới có cung, khán giả có thích và có đồng cảm thì những "ngôi sao hội chợ" mới hoạt động trong suốt một thời gian rất dài mà vẫn kiếm ra lợi nhuận khủng. 

Cũng như những loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc luôn luôn cần có khán giả, tuy rằng số lượng khán giả nhiều hay ít không phải là thước đo chính xác nhất để khẳng định thành công của một người nghệ sĩ. Tuy nhiên, có lẽ danh hiệu "sao hạng A" hay những giải thưởng âm nhạc cũng không quá quan trọng và cái mác "ngôi sao hội chợ" cũng không hề đáng xấu hổ khi một bộ phận khán giả vẫn tìm thấy sự đồng cảm trong những "Ngắm hoa lệ rơi", "Nếu ta ngược lối" của Châu Khải Phong, có thể xúc động khi nghe những ca khúc về gia đình của Hồ Quang Hiếu, vẫn ngày đêm chờ đợi Lâm Chấn Khang ra phần mới của "Người trong giang hồ".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày