Việc kiểm soát hiệu quả những nguy cơ này đòi hỏi bác sĩ sản khoa phải cập nhật kiến thức liên tục và có khả năng phối hợp đa chuyên ngành.
Trong bối cảnh đó, nhiều hội thảo y khoa chuyên sâu đã được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm và cập nhật xu hướng quản lý thai kỳ nguy cơ cao. Một sự kiện đáng chú ý vừa diễn ra tại TP.HCM vào ngày 17/5 với sự tham gia của hơn 400 y bác sĩ sản khoa từ Việt Nam và Singapore. Các chuyên gia cùng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có mổ lấy thai giai đoạn 2, u xơ tử cung trong thai kỳ, chiến lược phòng ngừa tiền sản giật và sàng lọc tim bẩm sinh cho thai nhi.
Hội thảo Khoa học và Đào tạo Y khoa Liên tục (CME) “Những thách thức mới trong quản lý thai kỳ nguy cơ cao”, thu hút 430 y bác sĩ tại TP.HCM và khu vực lân cận tham dự.
Theo TS.BS Bùi Chí Thương – Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, u xơ tử cung là một tình trạng không hiếm gặp, chiếm khoảng 3–12% các trường hợp mang thai. U xơ có thể gây sảy thai, sinh non, tiền sản giật và các biến chứng sau sinh. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào vị trí, kích thước và số lượng khối u. Điều quan trọng là thai phụ không nên hoang mang mà cần được theo dõi sát qua siêu âm định kỳ. Việc lựa chọn sinh thường hay sinh mổ nên dựa vào chỉ định y khoa cụ thể thay vì mặc định vì có u xơ là phải mổ.
“Điều quan trọng là bác sĩ cần đánh giá toàn diện và tư vấn rõ ràng để thai phụ yên tâm dưỡng thai. Rất nhiều trường hợp có thể sinh thường an toàn nếu được theo dõi đúng cách,” bác sĩ Thương nhấn mạnh.
TS.BS Bùi Chí Thương – Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Một trong những nội dung thu hút sự chú ý tại hội thảo là bài chia sẻ của bác sĩ Sharon Foo Anqi – chuyên gia sản khoa đến từ Singapore – về tình huống khó khăn trong mổ lấy thai giai đoạn hai của chuyển dạ, khi đầu thai đã xuống sâu và bị kẹt. Đây là một biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé nếu không xử lý kịp thời. Theo bác sĩ Sharon, tỷ lệ mổ lấy thai giai đoạn này đang tăng ở nhiều nước, đặc biệt ở nhóm phụ nữ mang thai lớn tuổi, hoặc có các bệnh nền đi kèm.
“Tại Singapore, có tới 1 trong 4 ca mổ lấy thai lần đầu xảy ra ở giai đoạn hai chuyển dạ. Tỷ lệ này ở Anh là gần 1 trong 10 trong các ca mổ khẩn cấp,” bác sĩ Sharon chia sẻ. Việc nhận diện sớm tình huống, phối hợp giữa bác sĩ sản khoa và gây mê hồi sức là chìa khóa giúp đảm bảo an toàn.
Không chỉ u xơ tử cung hay các biến chứng chuyển dạ, những vấn đề khác như tiền sản giật – một rối loạn nguy hiểm thường xuất hiện sau tuần thai thứ 20 – cũng đang được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm. TS.BS Trần Nhật Thăng (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, cần có chiến lược sàng lọc sớm từ đầu thai kỳ để dự phòng nguy cơ. “Nếu không can thiệp kịp thời, tiền sản giật có thể dẫn đến suy gan, suy thận, suy tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng mẹ và thai nhi,” ông nói.
Bên cạnh đó, TS.BS Lê Kim Tuyến (Bệnh viện Tim Tâm Đức) cảnh báo về tỉ lệ dị tật tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh – nguyên nhân dẫn đến gần 40% ca tử vong sơ sinh. Việc tầm soát từ giai đoạn thai nhi là yếu tố then chốt giúp bác sĩ sản khoa chủ động xử lý ngay sau sinh.
Tại hội thảo, ThS. BS Võ Triệu Đạt có bài trình bày về phương pháp chuyển dạ dưới nước vốn có lịch sử hơn 50 năm qua, vừa được Bệnh viện FV tiên phong triển khai tại Việt Nam.
Đây là quá trình chuyển dạ trong bồn sinh chứa đầy nước ấm trước khi lên bàn sinh, giúp mang lại cho thai phụ những lợi ích như: Giảm đau, giảm nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau, rút ngắn thời gian chuyển dạ, tăng cảm giác thư giãn và khả năng vận động, tăng mức độ hài lòng chung với trải nghiệm sinh nở. Phương pháp này phù hợp cho những sản phụ có nhu cầu giảm đau nhưng không muốn hoặc không thể sử dụng các phương pháp giảm đau thông thường, hoặc đơn giản là họ muốn có trải nghiệm thư giãn trong quá trình chuyển dạ.
ThS. BS Võ Triệu Đạt – Trưởng Khoa Sản phụ khoa FV-Thomson
“Chuyển dạ dưới nước được khuyến khích và khuyến cáo dành cho sản phụ không có biến chứng, diễn tiến thai kỳ bình thường và không có yếu tố nguy cơ cao như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, hoặc bất kỳ bệnh lý nào gây cản trở quá trình ngâm mình trong nước. Để chọn phương pháp sinh này, thai phụ cần thảo luận kỹ với bác sĩ sản phụ khoa trực tiếp thăm khám”, bác sĩ Đạt cho hay.
Tuy vậy, theo bác sĩ Đạt, cần có thời gian để phụ nữ Việt Nam làm quen. Hơn nữa, với phương pháp chuyển dạ dưới nước, bác sĩ sẽ cần nhiều thời gian hơn để trao đổi với sản phụ trong quá trình lập kế hoạch sinh, điều này sẽ là cản trở trong việc triển khai tại các bệnh viện công lập.
Các bác sĩ tham dự đánh giá cao chất lượng của hội thảo, coi đây là dịp hiếm có để cập nhật kiến thức chuyên sâu, mở rộng kết nối chuyên môn và tiếp cận các xu hướng quản lý thai kỳ hiện đại, trực tiếp từ các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
“Trong bối cảnh số lượng ca thai kỳ nguy cơ cao ngày càng tăng, hội thảo lần này đã tạo cơ hội quý báu để các chuyên gia sản khoa hàng đầu từ Singapore chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng sâu rộng với các đồng nghiệp trong nước. Nhờ đó, cộng đồng bác sĩ sản phụ khoa Việt Nam có thể tiếp cận những thông tin giá trị và ứng dụng hiệu quả vào thực tế chăm sóc thai kỳ, góp phần nâng cao chất lượng điều trị”, ThS.BS Vũ Trường Sơn – Giám đốc Y khoa, Bệnh viện FV chia sẻ.