Ths.BSCKII Trương Minh Phương - Phó trưởng khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, sản phụ 27 tuổi ở Bắc Giang mang thai đôi nhờ thụ tinh ống nghiệm. Ở tuần 21 của thai kỳ, chị tức bụng, ra dịch nhầy, đi thăm khám bác sĩ phát hiện cổ tử cung đã mở, ối ra ngoài âm đạo. Chị được người nhà đưa đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Bác sĩ Phương đánh giá đây là trường hợp khó, muốn giữ thai cần khâu vòng cổ tử cung bảo vệ đầu ối. Tuy nhiên, chân của một em bé đã thõng ra ngoài âm đạo, bác sĩ quyết định để một thai ra trước, giữ thai còn lại.
"Mọi thao tác cần chính xác tuyệt đối, đảm bảo không có sai sót dù là nhỏ nhất", bác sĩ Phương nói và cho biết ngày hôm sau, sản phụ xuất hiện cơn chuyển dạ, sinh non một thai, em bé không may mất sau sinh. Các bác sĩ dùng thuốc điều trị giữ em bé còn lại trong bụng mẹ.
Hàng ngày nhân viên y tế xét nghiệm máu và vệ sinh âm đạo cho sản phụ để kiểm soát tình hình nhiễm trùng, đổi thuốc điều trị 2 tuần/lần sao cho phù hợp với từng giai đoạn bệnh. May mắn cơn co tử cung không còn nữa, cổ tử cung cũng đóng kín hoàn toàn.
Sản phụ phục hồi tốt sau sinh. (Ảnh: BVCC)
Đến tuần 27, thai phụ đau bụng, cổ tử cung mở ba phân, nguy cơ sinh non. Bác sĩ chỉ định tiêm thuốc trưởng thành phổi, thuốc cắt cơn co để giữ thai thêm.
"Chúng tôi chỉ có thể giữ em bé khoảng 3 đến 4 ngày nữa, lâu hơn sẽ gây nguy hiểm cho hai mẹ con vì cổ tử cung đã mở, nguy cơ nhiễm trùng rất lớn", bác sĩ nói.
4 ngày sau, sản phụ có cơn chuyển dạ, sinh bé trai nặng 1,1kg. Trẻ được chuyển theo dõi tại khoa Sơ sinh.
Đây không phải trường hợp duy nhất giữ thai đôi khi thai một đã sảy. Trước đó, Ths.BSCKII. Trương Minh Phương và ekip đã giữ được 2 trường hợp tương tự.
Bác sĩ khuyến cáo mang đa thai sau thụ tinh ống nghiệm có nhiều rủi ro. Người mẹ tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, cặp song sinh chào đời (do can thiệp) nguy cơ dị tật bẩm sinh gấp đôi bình thường. Bà bầu mang song thai cần khám thai định kỳ, sàng lọc bệnh, không chờ dấu hiệu nguy hiểm mới đi viện, giảm tối đa nguy cơ tai biến.