Malaysia suýt đem đến "ác mộng" cho dân chơi TikTok, YouTube

CN, Theo Trí Thức Trẻ 00:15 02/08/2020
Chia sẻ

Một quy định về up video TikTok và YouTube tại Malaysia đã khiến rất nhiều cư dân mạng giật mình vì nội dung bị hiểu lầm của nó.

Việc thoải mái sử dụng các nền tảng mạng xã hội để xem video giải trí như YouTube, Facebook, TikTok vốn đã chẳng còn xa lạ, không ai tính thuế và phí phạt cho những hành động này.

Thế nhưng, một hiểu lầm không đáng có tại Malaysia những ngày vừa qua đã khiến rất nhiều người giật mình giãy nảy khi nghe đến tin sét đánh ngang tai: Muốn đăng tải nội dung video lên bất kỳ nền tảng trực tuyến nào cũng cần phải có giấy phép tầm cỡ quốc gia.

"Các nhà sản xuất nội dung phim phải đăng ký bằng cấp SPP cho hành động quay và sản xuất phim của mình, áp dụng cho cả hình thức và mục đích cá nhân, truyền thông hay sử dụng trên mạng xã hội...". Thông tin này được nhắc đến trong phát biểu của ông Saifuddin Abdullah, Bộ trưởng Truyền thông Đa phương tiện Malaysia.

Malaysia suýt đem đến ác mộng cho dân chơi TikTok, YouTube - Ảnh 1.

Cụ thể, bằng cấp này phải được thông qua ít nhất 7 ngày trước thời điểm khởi quay cho sản phẩm phim ảnh/video. Chưa hết, phí nộp để nhận bằng sẽ lên tới 50.000 ringgit (tương đương 273 triệu đồng). Điều này thực sự khiến rất nhiều người cảm thấy sửng sốt vì điều luật đột ngột như vậy.

Khúc mắc được giải đáp

Dẫu vậy, những nghi vấn và thắc mắc của hàng triệu người đã nhanh chóng được giải quyết. Thì ra, tất cả là nhầm lẫn tai hại trong cách diễn đạt và bối cảnh phát biểu của điều luật trên. Trong bài đăng công khai trên Facebook cá nhân, ông Saifuddin đã đích thân đính chính rằng Malaysia không hề có ý định ép buộc người dùng mạng xã hội phải thi bằng cấp để có thể đăng video lên Internet.

Vậy lời phát biểu trước đó của ông mang ý nghĩa gì? Thực chất, đó là câu trả lời dành cho thắc mắc của đại biểu quốc hội Malaysia. Khi đó, đại biểu này hỏi về vấn đề bằng cấp của các nhà sản xuất phim trước khi được phép bấm máy, từ đó ông Saifuddin đã trích dẫn lại quy định như đã đề cập để giải đáp câu hỏi.

Nguyên văn điều luật này có nhắc đến và bao gồm khái niệm "nền tảng mạng xã hội" và đã được chấp thuận bởi chính phủ từ cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, thời điểm chấp thuận là năm 1981, khi mạng xã hội còn chưa thực sự ra đời để mọi người hiểu rõ định nghĩa này. Nay nó đã trở thành hiểu lầm rắc rối khi được nhắc lại trong cuộc thảo luận của quốc hội. Ông Saifuddin cũng cam kết sẽ nhanh chóng làm việc và cập nhật lại từ ngữ của điều luật một cách chính xác trong thời gian sớm nhất.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày