Mài răng bằng giũa móng tay và nhiều trò nghịch dại khác từ TikTok mà bạn nên tránh xa

Ivan Lê, Theo Trí Thức Trẻ 15:35 03/01/2021

Trên TikTok đang tràn lan những trào lưu vô bổ và có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của chính bản thân như: uống cồn, mài răng bằng giũa móng tay...

Diễn biến đại dịch Covid-19 ở nước ngoài vẫn còn rất phức tạp, đến nay họ vẫn phải thực hiện cách ly xã hội và làm việc từ xa. Chính vì thế, nhiều người đã chia sẻ các cách tư vấn làm đẹp, trị bệnh ngay trên sóng TikTok, tuy nhiên điều đáng trách là nó có quá nhiều điều sai, mà nếu bạn làm theo thì rất có thể rước họa vào thân. Bài viết dưới đây sẽ kể ra một số xu hướng "chữa bệnh" tồi tệ nhất trên TikTok, mà bạn cần phải tránh xa.

Kiểm tra khứu giác với rượu Everclear

Các blogger bị nhiễm SARS-CoV-2 đã rủ nhau uống rượu Everclear (loại rượu chứa tới 95% cồn và bị cấm ở 14 bang ở Mỹ) để xem họ có thể nếm và ngửi được nó hay không. Ngay cả khi khứu giác đã thực sự biến mất, việc sử dụng dung dịch không pha loãng này cũng sẽ rất nguy hiểm, chắc do họ chưa đọc cảnh báo trên trang website của nhà sản xuất. Nó chỉ có thể được sử dụng như một chất khử trùng, để pha chế rượu hoặc như thành phần cocktail. Việc sử dụng dù chỉ một lượng nhỏ dung dịch có thể dẫn đến ngộ độc cồn.

Cô gái thực hiện thử thách uống Everclear để thử khả năng của khứu giác - Nguồn: TikTok

Mất khứu giác là triệu chứng phổ biến ở người bị cảm lạnh hoặc cúm do nghẹt mũi. Trong khi đó, bệnh nhân Covid-19 có thể mất khứu giác một phần hoặc toàn bộ, thậm chí không ngửi thấy mùi hôi.

Chỉnh răng bằng giũa móng tay

Nhiều TikTokers đã quay video cố gắng làm thẳng răng cửa bằng giũa móng tay. Ngay sau đó, các nha sĩ đã làm loạt video giải thích điều này có thể gây ra tác hại nghiêm trọng và chính các blogger cũng phàn nàn về hậu quả mà họ phải gánh chịu.

Video cô gái mài răng bằng giũa móng tay và cái kết - Nguồn: TikTok

Nha sĩ Chad Evans cho biết: "Răng được tạo thành từ nhiều lớp, lớp trên cùng là lớp men, cũng là lớp bền nhất và quan trọng nhất. Khi bạn phá hủy cấu trúc của răng, bạn đã gây ra những tác hại không thể khắc phục được, độ nhạy cảm tăng lên cùng với nguy cơ mất răng tăng cao".

Tạo răng nanh bằng cách dán keo

Trước ngày lễ Halloween, các TikTokers đã thử làm răng nanh từ móng tay giả và dán chúng lên bằng keo siêu dính (người Việt hay gọi là keo 502). Sau đó trên máy quay, một số người cố gắng loại bỏ chúng khỏi răng trong sự tuyệt vọng.

Cô gái làm răng nanh bằng keo siêu dính và hậu quả là không tháo ra được - Nguồn: TikTok

Các nha sĩ cảnh báo việc cố gắng loại bỏ có thể khiến răng bị nứt, bắt đầu lung lay hoặc rơi ra. Tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc đợi phần nhựa tự bong.

"Đừng sử dụng keo siêu dính!". Nha sĩ Z. Maki cho biết, nó là chất độc và răng nanh sẽ rất khó bị loại bỏ. "Nếu dùng móng acrylic (nhựa trong), hãy dùng keo nha khoa. Sau đó, chiếc móng có thể được tháo ra dễ dàng và an toàn, hoặc sử dụng sáp chỉnh nha. Nó sẽ không tồn tại lâu, nhưng sẽ đẹp khi chụp ảnh".

Tẩy nốt ruồi tại nhà

Do không có việc gì làm trong thời gian cách ly, các Tiktokers nước ngoài đã cố gắng tẩy nốt ruồi bằng phương pháp đào nó lên, bôi giấm và sử dụng bút đặc biệt. Tiến sĩ Daniel Sudai cho biết: "Làm tổn thương nốt ruồi rất nguy hiểm, đặc biệt nếu nó là khối u ác tính". Trong loạt video của mình, anh đã chỉ ra những nốt ruồi trông ra sao khi chủ nhân của chúng đã cố gắng loại bỏ.

Đừng tự tẩy nốt ruồi tại nhà - Nguồn: TikTok

Mài răng để dán sứ Veneer không đúng cách

Tiktoker người Mỹ Taysb16 đã khoe bộ hàm trắng đẹp bằng cách dán răng sứ veneer ở Thổ Nhĩ Kỳ và cho biết, cô đã mài răng của mình trước khi làm thủ thuật. Tuy nhiên, các nha sĩ trênTikTok lưu ý rằng việc mài như vậy là chuẩn bị cho việc đặt mão răng (hay còn gọi là chụp răng), chứ không phải là dán sứ veneer. 

Theo họ, trong trường hợp đầu tiên, chỉ cần mài nửa milimet men răng hoặc ít hơn, trong khi đối với đặt mão răng phải từ 2 milimet trở lên.

Cô gái mài toàn bộ răng của mình và khoe lên TikTok - Nguồn: TikTok

Nha sĩ Shadi Manuchekhri sau đó đã nói với Insider rằng, dán sứ veneer chỉ nên áp dụng cho răng sâu, chứ không phải là răng khỏe mạnh. Shadi nói thêm rằng, tuổi thọ của veneer chỉ được 40 năm, về sau sẽ phải sử dụng đến các phương pháp nha khoa đắt tiền, còn dùng chụp răng thì dùng được trong suốt quãng đời còn lại. Nha sĩ Amy Moson trên TikTok bình luận: "Nếu đã làm thì sẽ không có chuyện quay lại như trước".

Bởi vậy mà nói, trước khi làm gì hãy suy xét thật kỹ, vì rất có thể hành động dại dột nào đó ở thời điểm hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai dài phía trước.

Theo: Afisha