Lưu ý khi trẻ mắc tay chân miệng

Thu Trang, Theo vtv.vn 07:45 21/10/2024
Chia sẻ

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng.

Lưu ý khi trẻ mắc tay chân miệng- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi.

Ghi nhận tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú thọ), trong tháng vừa qua, trung bình mỗi ngày, Khoa Nhi tiếp nhận 4 bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám và điều trị nội trú.

Như trường hợp bệnh nhi C.T.Đ. (31 tháng tuổi, trú tại xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba) ở nhà sốt cao liên tục, quấy khóc không ăn được, đau ở miệng nhiều, xuất hiện các nốt mụn nước trong miệng. Gia đình lo lắng nên đã đưa bệnh nhi vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba để thăm khám.

Bệnh nhi được chẩn đoán bị tay chân miệng và được chỉ định nhập viện điều trị. Tại Khoa Nhi, bệnh nhi được các bác sĩ chăm sóc và điều trị tích cực. Sau 5 ngày điều trị, hiện, sức khỏe bệnh nhi ổn định, hết sốt, hết đau miệng, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Theo ThS.BS. Cao Việt Hưng, Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, bệnh chân tay miệng ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, liệt dây thần kinh sọ não, tăng trương lực cơ, viêm cơ tim, phù phổi, trụy mạch... Hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh, do đó việc chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ là rất quan trọng.

Các bậc phụ huynh cần thực hiện các biện pháp như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ); thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày