Mới đây, trong một hội nhóm chia sẻ về quản lý tài chính, một bài đăng ngắn gọn nhưng đầy tâm tư đã thu hút hàng trăm bình luận chỉ sau vài giờ:
"Lương 10 triệu vẫn bị chê ít?
Ủa mọi người ơi, mình thấy tính ra lương bây giờ 10 triệu là ít hả mọi người? Mình ở Sài Gòn, với mức lương này tuy không cao nhưng cũng đâu đến mức dưới đáy xã hội đâu? Hàng xóm mình bảo lương thế về quê làm công nhân còn cao hơn, đỡ tốn tiền ăn với tiền trọ nghe mà hụt hẫng thật sự..."
Dòng tâm sự ngắn ngủi ấy đã chạm đến nỗi niềm của không ít người trẻ đang sống tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội – nơi chi phí sinh hoạt luôn nằm trong top đầu cả nước. Nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ không phải là mức lương 10 triệu, mà là phản ứng đầy trái chiều của cộng đồng mạng.
Trong phần bình luận, có người nhẹ nhàng an ủi, có người thẳng thắn phản biện, nhưng cũng không ít người tỏ ra gay gắt:
- "10 triệu nếu có nhà có xe thì khác. Nhưng 10 triệu nếu chưa có gì thì gọi là quá thấp. Chỉ đủ nhu cầu thiết yếu ăn ở đi lại. Chưa thể lo cho một gia đình nhỏ."
- "Tôi ở tỉnh lẻ, lương 20-25 triệu mà vẫn thấy bất an, vì nhà có 2 con nhỏ, đã dùng hết tiền tiết kiệm để mua nhà. Nếu bạn lương 10 triệu mà chưa gửi về cho bố mẹ hay có khoản tiết kiệm nào, thì thực sự nên nghĩ lại."
- "So sánh dân văn phòng với công nhân thì cũng không công bằng đâu. Văn phòng có điều hòa, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, còn công nhân phải làm ca đêm, tăng ca mới được hơn 10 triệu."
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, cũng có nhiều bình luận mang tính chia sẻ và thông cảm hơn:
"Không ít đâu bạn ơi. Giờ kinh tế khó khăn kiếm việc làm không dễ. Nhiều người còn đang nhận mức 7–8 triệu/tháng ở TP.HCM đó. Mỗi người một hoàn cảnh, miễn mình thấy ổn là được."
Nhìn từ nhiều phía, bài viết tưởng chừng đơn giản đã mở ra cuộc tranh luận về tiêu chuẩn thu nhập, áp lực tài chính và cả về kỳ vọng của xã hội dành cho người trẻ. Cùng một con số - lương tháng 10 triệu đồng nhưng khi đặt vào hoàn cảnh khác nhau, lối sống khác nhau, áp lực chi tiêu khác nhau thì cách cảm nhận cũng hoàn toàn thay đổi. Với người đã có nhà cửa ổn định, 10 triệu có thể là khoản tiền đủ để sống nhẹ nhàng. Nhưng với người mới đi làm, đang thuê nhà ở TP.HCM hoặc Hà Nội, khoản tiền ấy dễ dàng "bốc hơi" chỉ sau vài ngày đầu tháng.
Lương 10 triệu - đây là con số không quá cao, nhưng cũng chẳng quá thấp đến mức "dưới đáy xã hội". Điều quan trọng là bạn có đang sống chủ động, có kế hoạch tài chính, hay vẫn tiêu tiền theo cảm xúc?
Thực tế, có người lương 5 triệu vẫn ổn, có người lương 50 triệu vẫn thấy thiếu. Sự khác biệt nằm ở việc bạn quản lý tiền như thế nào, chứ không phải kiếm được bao nhiêu.
Và nếu bạn đang thấy lương mình thấp, đừng vội chán nản. Hãy xem đó là điểm xuất phát, chứ không phải điểm dừng. Quan trọng nhất, đừng so sánh bản thân với người khác. Hãy tập trung vào cuộc đua của chính mình.
Bên cạnh đó, nhiều người nghĩ rằng chỉ khi thu nhập đạt 20 triệu, 30 triệu trở lên thì mới có thể bắt đầu tính đến tiết kiệm, đầu tư hay ổn định tài chính. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở bạn kiếm được bao nhiêu, mà là bạn giữ lại được bao nhiêu và sử dụng nó khôn ngoan thế nào.
Ảnh minh hoạ
Một người có lương 10 triệu vẫn hoàn toàn có thể đạt được sự an toàn tài chính - nếu áp dụng tư duy quản lý tiền đúng cách. Dưới đây là 3 nguyên tắc then chốt, phù hợp cho cả người thu nhập trung bình đến cao.
- Chi tiêu thông minh với quy tắc 50/30/20
Một trong những nguyên tắc chi tiêu được áp dụng rộng rãi trên thế giới là mô hình 50/30/20 - chia thu nhập thành ba nhóm chính: 50% cho các nhu cầu thiết yếu, 30% cho mong muốn cá nhân và 20% cho tiết kiệm hoặc đầu tư.
Cụ thể, với mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng, bạn nên dành khoảng 5 triệu cho các chi phí bắt buộc như tiền thuê nhà, điện nước, thực phẩm và đi lại. 3 triệu còn lại có thể dùng cho nhu cầu giải trí, mua sắm, ăn uống bên ngoài hay những hoạt động cá nhân khác. Phần còn lại - tương đương 2 triệu đồng mỗi tháng, nên được trích riêng để tiết kiệm hoặc đầu tư.
Đây là công thức đơn giản nhưng hiệu quả để vừa đảm bảo chất lượng sống hiện tại, vừa có thể xây dựng nền tảng tài chính cho tương lai. Trong trường hợp sống cùng gia đình hoặc thuê trọ với chi phí thấp hơn, bạn thậm chí có thể tăng tỷ lệ tiết kiệm mà không làm ảnh hưởng đến mức sinh hoạt tối thiểu.
- Dự phòng tài chính: Tấm lưới an toàn cần thiết
Một yếu tố thường bị xem nhẹ nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định tài chính là quỹ dự phòng. Theo các chuyên gia, mỗi người trưởng thành nên sở hữu một khoản tiền tương đương 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản. Với người độc thân sống tại thành phố, con số này dao động từ 15 đến 30 triệu đồng.
Quỹ dự phòng có thể giúp bạn ứng phó kịp thời trước các rủi ro như mất việc, tai nạn, bệnh tật hoặc các biến cố gia đình. Không ít người vì không có khoản dự phòng mà rơi vào vòng xoáy vay nợ, mất khả năng chi trả đúng hạn hoặc phải rút lui khỏi các kế hoạch tài chính dài hạn.
Việc hình thành quỹ dự phòng nên được ưu tiên trước khi nghĩ đến đầu tư. Từ khoản tiết kiệm 2 triệu mỗi tháng theo nguyên tắc 50/30/20, bạn hoàn toàn có thể tích lũy được từ 15 đến 20 triệu chỉ trong vòng một năm. Đây là bước đầu tiên để bảo vệ bản thân khỏi những cú sốc tài chính bất ngờ.
- Chỉ đầu tư khi có tiền nhàn rỗi
Nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng muốn gia tăng thu nhập nhanh chóng thông qua đầu tư, tuy nhiên không phải ai cũng có sự chuẩn bị cần thiết về tài chính cũng như kiến thức. Các chuyên gia nhấn mạnh, chỉ nên dùng tiền nhàn rỗi - tức khoản tiền không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày để tham gia các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, quỹ mở hoặc kinh doanh.
Trong thực tế, không ít người đã trích tiền thuê nhà, tiền ăn uống hoặc đi vay nóng để đầu tư theo phong trào, kỳ vọng "một bước đổi đời". Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn, không chỉ mất trắng khoản vốn mà còn làm xáo trộn toàn bộ cuộc sống.
Muốn đầu tư hiệu quả, bạn cần đáp ứng ba điều kiện: có quỹ dự phòng đủ 3 đến 6 tháng chi tiêu, có kiến thức hoặc hiểu biết cơ bản về kênh đầu tư mình lựa chọn và có nguồn tiền thực sự dư thừa. Với mức tiết kiệm 2 triệu mỗi tháng, sau một năm, bạn có thể cân nhắc chia nhỏ khoản tiền này để gửi tiết kiệm kỳ hạn, tham gia quỹ đầu tư an toàn hoặc dùng học một kỹ năng tài chính mới.