Mới đây, trong một hội nhóm chia sẻ về tài chính, bài đăng của một người vợ trẻ đã khiến cộng đồng mạng không khỏi bàng hoàng và đồng cảm. Cô không viết nhiều, cũng không than thở dài dòng, chỉ là những câu chữ dồn nén như một tiếng kêu cứu tuyệt vọng sau hàng loạt những tổn thương mà chồng cô để lại.
"Chồng em báo nợ hơn 300 triệu. Bảo là chơi game kiếm tiền. Nhưng đây đã là lần thứ 5 hay 6 em không còn nhớ nữa anh báo nợ nhà. Những lần trước anh báo nợ tổng cộng gần 2 tỷ do chơi chứng khoán bẩn với tiền điện tử gì đó em không rõ và toàn là vay tín dụng các ngân hàng hoặc qua app, khiến nhà em phải bán nhà trả nợ và đi ở thuê".
Câu chữ của cô không giấu nổi sự bất lực. Bởi lẽ đây không phải một cú vấp ngã đầu tiên của chồng. Hết lần này đến lần khác, anh ta lén lút vay tiền, đầu tư với hy vọng đổi đời trong chớp mắt, rồi thất bại, rồi đổ lên vai vợ.
"Đáng nói lần nào cũng là lí do anh muốn kiếm nhanh nên liều và em đã giải thích hết nước hết cái là chơi thì phải có tiền nhàn rỗi hẵng chơi vì mất còn đỡ tiếc. Nhưng không lần nào anh nghe em, thậm chí em còn đưa đơn li hôn nhưng anh vẫn tái phạm".
Chồng không nghe, không sợ. Và đến lần gần nhất này, khi cô hỏi chồng định giải quyết ra sao, anh ta thản nhiên bảo: "Lấy tiền tiết kiệm nhà ra trả."
Cô bảo không đồng ý. Bởi số tiền tiết kiệm ít ỏi đó là để dành cho 2 con nhỏ và 2 mẹ già. Vậy mà chồng lại coi đó là khoản tiền có thể mang ra mạo hiểm, để trả nợ cho một lần nữa… không biết đã là lần thứ mấy.
Ảnh minh hoạ
Nỗi đau không chỉ nằm ở con số. Nỗi đau lớn hơn là sự mất niềm tin. Cô nói: "Em thấy bản thân mình không được chồng tôn trọng và anh cũng không sợ mất gia đình nên mới tái phạm nhiều lần như vậy".
Cô từng nghĩ đến ly hôn, nhiều lần. Nhưng rồi lại chùn bước. Vì còn mẹ già, còn hai đứa trẻ. "Cứ nghĩ đến chuyện ly hôn là em lại sợ con không có đủ cha mẹ bên cạnh sẽ thiệt thòi nhiều".
Cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ bài viết, nhiều người khuyên cô nên dừng lại trước khi cả cuộc đời bị cuốn theo vết xe đổ tài chính. Có người gay gắt: "Đây không còn là đầu tư, đây là đánh bạc trá hình". Có người thương cảm: "Chị càng cứu anh ấy, anh ấy càng không biết đường quay đầu đâu."
Tại sao chỉ nên dùng tiền nhàn rỗi của gia đình để đầu tư?
Câu chuyện của người vợ trên không phải hiếm gặp. Ngày nay, với sự bùng nổ của các kênh đầu tư như chứng khoán, tiền ảo, forex, thậm chí là "game kiếm tiền", nhiều người chồng hoặc người vợ đâm đầu vào đầu tư với giấc mơ "giàu nhanh". Nhưng đầu tư không có lối tắt. Và điều quan trọng hơn: không phải đồng tiền nào trong gia đình cũng nên mang đi đầu tư .
Dưới đây là 3 lý do vì sao bạn chỉ nên đầu tư bằng tiền nhàn rỗi , thay vì tiền sinh hoạt, tiền tiết kiệm cho người già hay học phí của con cái:
1. Tiền nhàn rỗi là khoản có thể mất mà không ảnh hưởng đến cuộc sống thiết yếu
Tiền nhàn rỗi là khoản tiền còn dư sau khi đã chi trả đầy đủ các nhu cầu thiết yếu: ăn uống, nhà ở, học hành, y tế, quỹ dự phòng... Đầu tư bằng tiền này, nếu chẳng may thua lỗ, bạn vẫn còn đủ nguồn lực để duy trì cuộc sống bình thường.
Ngược lại, khi bạn lấy tiền tiết kiệm cho con đi học, tiền dự phòng cho mẹ già hay tiền thuê nhà đi đầu tư, nghĩa là bạn đang đặt cả gia đình vào rủi ro . Nếu thất bại, hậu quả không chỉ là con số âm trong tài khoản, mà là những đêm dài mất ngủ vì không có tiền trả nợ, là con trẻ bị gián đoạn học hành, là cha mẹ phải nhịn thuốc men.
Ảnh minh hoạ
2. Đầu tư cần thời gian, không phù hợp với tâm lý "đánh nhanh thắng nhanh"
Rất nhiều người mang tâm lý: "Chơi một mẻ đổi đời." Nhưng sự thật là, đa số các kênh đầu tư là cuộc chơi đường dài , cần sự kiên nhẫn, kiến thức và tâm lý vững vàng.
Khi bạn đầu tư bằng tiền vay nóng, tiền mượn app, tức là bạn đặt mình trong tình huống phải thắng nhanh, thu hồi vốn gấp. Và chính áp lực đó khiến bạn dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn, fomo , hoặc nghe theo lời dụ dỗ lừa đảo – như chứng khoán bẩn, dự án đa cấp, đầu tư tiền ảo không rõ nguồn gốc…
3. Gia đình không phải nơi "gồng lỗ" cùng nhau nếu chỉ một người liều lĩnh
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, sự tôn trọng và minh bạch tài chính là điều cốt lõi. Việc giấu giếm, vay nợ sau lưng vợ/chồng để đầu tư rủi ro không chỉ là sự thiếu trách nhiệm , mà còn là một hình thức bạo lực tài chính .
Khi một người liên tục mang tiền đi đầu tư thua lỗ rồi bắt vợ/chồng phải "gánh cùng", đó không còn là đầu tư, mà là một sự thiếu lành mạnh trong mối quan hệ. Không thể vì mong muốn đổi đời cá nhân mà đẩy cả gia đình vào cảnh bán nhà, nợ nần, và mất lòng tin vào nhau.