Đó là trường hợp của một bệnh nhi 13 tuổi, ngụ tỉnh Long An.
Theo bệnh sử, cách đây 1,5 năm bé gái được phẫu thuật loại bỏ một khối u lớn mọc ở vùng đầu tụy. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhi dần trở lại bình thường.
Bé gái bị tắc tĩnh mạch cửa sau hơn 1 năm phẫu thuật bướu tụy.
Tuy nhiên giữa lúc gia đình chưa kịp vui mừng thì cách đây 6 tháng, bé bất ngờ xuất tiêu hóa ồ ạt. Bệnh nhi được đưa vào bệnh viện (BV) địa phương điều trị nhưng không phát hiện bất thường.
Hai tuần gần đây, bệnh nhi ói ra máu ồ ạt.
Đến 2 tuần gần đây, bé ói ra máu, mật độ hồng cầu còn 25% nên được đưa đến BV Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Siêu âm của BV chia sẻ, quá trình siêu âm, chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhi bị tắc tĩnh mạch cửa ngoài gan.
Đây là tĩnh mạch lấy máu từ các cơ quan nội tạng như dạ dày, ruột già, ruột non, lá lách, tuyến tuỵ... sau đó dẫn về gan.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí chia sẻ về kết quả siêu âm.
Tuy nhiên vì máu không có đường lưu thông dẫn đến bị ùn ứ, rối loạn về tưới máu ở gan khiến mạch máu bị giãn nở. Đây là nguyên nhân khiến bé gái ra máu ồ ạt.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết, bé gái được chụp CT thêm để đánh giá tình trạng mạch máu trong gan. Sau khi hội chẩn, ekip điều trị quyết định phải phẫu thuật tái thông vùng tĩnh mạch bị tắc cho bệnh nhi bằng phương pháp "bắc cầu cửa – cửa".
Bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết, ông cùng các đồng nghiệp đắn đo trước việc dùng phương pháp phẫu thuật "bắc cầu" cho bé.
Cụ thể, các bác sĩ sẽ lấy một đoạn tĩnh mạch cảnh ở vùng cổ dài khoảng 10cm để làm "cầu vượt" bắc qua chỗ mạch máu bị tắc đến chỗ bình thường.
Nhưng ekip mổ hết sức đắn đo, vì các bộ phận ở hệ tiêu hóa của bệnh nhi đã bị ảnh hưởng nhiều từ di chứng ca phẫu thuật vùng đầu tụy trước đây. Nếu cuộc phẫu thuật có một chút sai sót, bệnh nhi có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Ngô Kim Thơi, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, BV Nhi đồng 1 nhớ lại, để thực hiện ca phẫu thuật "bắc cầu", ekip mổ đã phải tính toán kỹ lưỡng độ dài của mạch máu được chọn.
Bác sĩ chia sẻ khó khăn của ca phẫu thuật.
Tĩnh mạch cực kỳ mỏng và nhỏ, dưới 0,1 mm lại thao tác trong hốc sâu nên phải thật tinh tế, vì chỉ cần đi lệch hoặc thao tác thiếu chính xác sẽ làm rách mạch máu. Lúc này dù có nối lại cũng gây hẹp ảnh hưởng đường máu đi. Cái khó của ca phẫu thuật là làm sao phải bộc lộ được những mạch máu bị tắc nhưng không làm thương tổn các cơ quan lân cận.
Sau phẫu thuật, tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch của bé gái được giải quyết.
Ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài trong 8 giờ. Sau mổ chỗ tắc nghẽn được giải thoát, giúp máu về gan bình thường và mạch máu không bị vỡ giãn. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định vẫn đang được theo dõi tại khoa Hồi sức ngoại.
Bác sĩ Hiếu cho biết, hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch thường xuất hiện ở các vị trí xung quanh gan. Đối tượng nguy cơ là những trẻ đã làm phẫu thuật trong thời gian sơ sinh, tuy nhiên trẻ vẫn có thể bị bệnh bẩm sinh. Có trẻ phát triển bình thường, chỉ đến khi đau bụng siêu âm mới phát hiện.
Do đó, phụ huynh cần tầm soát kỹ cho con để phát hiện bệnh và can thiệp kịp thời. Để trẻ bị bệnh nặng, ói ra máu mới điều trị thì hậu quả sẽ khó lường.