Nhiều người vẫn thường có thói quen rửa chảo nóng bằng nước lạnh vì cách đó có thể khiến giúp dễ dàng rửa trôi các vết bẩn. Tuy nhiên, bác sĩ Nhan Tông Hải - Giám đốc Trung tâm chống độc lâm sàng Lâm Khẩu Trường Canh (Trung Quốc) vẫn khuyên mọi người nên tránh thói quen này. Bởi sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn sẽ khiến lớp chống dính phủ trên bề mặt chảo bị ảnh hưởng, dễ hư hỏng và tăng nguy cơ nhiễm độc vào thực phẩm.
Việc vệ sinh lâu ngày bằng cách này có thể gây móp, nứt hoặc bong tróc màng sơn phủ trong nồi, chảo có lớp chống dính. Khi kim loại dưới lớp chống dính bị lộ ra ngoài và tiếp xúc với không khí dẫn đến oxy hóa sẽ tạo thành chất axit perfluorooctanoic (PFOA).
Chất này có thể tồn tại trong cơ thể con người tới 3 năm, không chỉ ảnh hưởng tới tuyến giáp mà còn dẫn đến mãn kinh sớm ở phụ nữ, tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Ủy ban Cố vấn Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cũng đã phân loại PFOA là chất có thể gây ung thư.
Để vệ sinh nồi, chảo chống dính, nên dùng khăn giấy lau bề mặt sau khi sử dụng để loại bỏ dầu mỡ, sau đó dùng miếng bọt biển để nhẹ nhàng rửa sạch và phơi khô.
Làm thế nào để sử dụng chảo chống dính an toàn?
1. Lựa chọn cẩn thận
Khi mua chảo chống dính, nên tìm mua ở những thương hiệu uy tín, các sản phẩm đều tuân thủ các quy định liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, khi lựa chọn chảo, người tiêu dùng cũng nên đọc kỹ chất liệu và nhãn sản phẩm. Xác nhận độ chịu nhiệt của từng loại chảo để từ đó sử dụng vào mục đích phù hợp từng loại chảo.
2. Tránh để chảo không ở nhiệt độ cao
Bác sĩ Hoàng Nãi Vân cho biết, thông thường dầu ăn sẽ có nhiệt độ bốc khói là khoảng 200°C, thịt thường cháy ở nhiệt độ từ 200°C đến 230°C. Tuy nhiên, nếu một chiếc chảo chống dính không có đồ ăn được đặt trên lửa sẽ dễ vượt qua mức nhiệt 260°C và giải phóng PFAS.
Chính vì vậy, thay vì việc làm nóng chảo mới đổ dầu ăn hoặc thức ăn vào nấu, nên cho dầu ăn vào từ khi chảo còn nguội. Trước khi nấu, nên bật máy hút mùi để tránh hít phải các chất độc hại dễ nhiễm vào không khí trong quá trình nấu nướng. Nên nấu ở mức lửa vừa và nhỏ.
3. Tránh làm trầy xước bề mặt chảo
Không nên dùng các miếng cọ rửa kim loại để làm sạch chảo chống dính vì điều đó rất dễ khiến bề mặt chảo trầy xước. Đồng thời, trong quá trình nấu cũng không nên sử dụng các loại dụng cụ nấu ăn bằng kim loại, thay vào đó nên dùng chất liệu gỗ để giúp hạn chế việc trầy xước bề mặt.
Nhiều người có thói quen dùng dụng cụ nấu ăn gõ mạnh vào đáy chảo khi nấu, điều này cũng có thể gây ra tổn hại cho bề mặt sau thời gian dài sử dụng. Những vết xước trên chảo, nồi chống dính có thể là nơi những loại bụi bẩn, chất độc hại ẩn chứa.
Bác sĩ Đàm Tôn Từ cũng cho biết, khi sử dụng chảo chống dính, nên tránh dùng những thực phẩm có vỏ, xương như ngao, cua... nên sơ chế cá trước khi chiên để tránh làm trầy xước bề mặt.
4. Chú ý gia vị khi cho vào chảo
Các loại gia vị có tính axit như giấm, nước tương, rượu... có thể khiến lớp phủ bong tróc, phát tán những chất có hại trong quá trình nấu nướng. Chính vì vậy, nên tránh cho trực tiếp những gia vị này vào chảo khi nấu mà nên cho thức ăn ra đĩa rồi mới tiếp tục nêm nếm.
Dù chảo chống dính được cho là có khả năng chống axit và kiềm, nhưng nghiên cứu hiện tại đã phát hiện việc thêm giấm hoặc nước tương thực sự sẽ làm tăng tốc độ hòa tan của lớp sơn chống dính, các loại kem bơ và rượu trắng thường được sử dụng trong ẩm thực phương Tây cũng làm cho sơn dễ bị hòa tan hơn.
5. Thay thế khi bề mặt trầy xước
Nếu chảo chống dính bắt đầu dính khi sử dụng hoặc lớp phủ bị trầy xước, móp, dù chỉ có một hoặc hai vết xước nhỏ thì cũng nên thay thế ngay để giảm nguy cơ gây hại sức khỏe khi sử dụng. Có thể phát hiện vết xước bằng cách đổ nước vào chảo và đun sôi. Khi quan sát những bọt bong bóng nước nếu có cùng kích thước nghĩa là không có vết xước trên mặt chảo.
Nguồn: edh.tw