Vào sáng ngày mùng 5 tháng Tư năm 1943, cách khoảng mười dặm ngoài khơi bờ biển Brazil, một gia đình đánh cá phát hiện người đàn ông Trung Quốc đang lênh đênh trên chiếc bè gỗ nhỏ nhấp nhô giữa lòng Đại Tây Dương. Khi thấy anh ta uống quít ra hiệu bằng một chiếc áo sơ mi và nhảy nhót không ngừng, gia đình Brazil nhận ra người đàn ông nọ đang gặp khó khăn nên quyết định quay thuyền của họ lại để đón anh ta.
Poon Lim - người sinh tồn lâu nhất trên biển mà nhân loại từng được chứng kiến.
Leo lên tàu, anh chàng tỏ ra rất vui mừng và đói bụng; tới mức anh ấy ăn bất cứ thứ gì mà gia đình nọ đưa cho. Sau ba ngày, họ đến Belem, Brazil, một thị trấn ở cửa sông Amazon. Các nhà chức trách đã đợi sẵn để đón người đàn ông Trung Quốc tên Poon Lim này. Anh đã lênh đênh trên biển trong suốt 133 ngày, điều mà chưa từng có ai làm được trong suốt chiều dài hàng trăm năm lịch sử hàng hải của nhân loại.
Sinh ra ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, Biển Đông, Poon Lim được cha mẹ cho đi học - không giống như nhiều đứa trẻ khác cùng tuổi - nhờ có những người anh của mình gửi tiền kiếm được từ công việc tại các nhà máy. Năm Lim 16 tuổi, đứng trước sự bành trướng của Đế quốc Nhật Bản, đồng thời do cha của anh tin rằng Lim sẽ có một cuộc sống tốt hơn ở một nơi khác, Lim được gửi đến làm việc ở một tàu biển Anh Quốc, làm chân phụ việc lặt vặt trong cabin.
Lim ban đầu bị say sóng, chóng mặt và liên tục bị các thủy thủ trên tàu trêu chọc. Bị phân biệt đối xử, được giao cho những công việc tồi tệ nhất và sống tạm bợ ở những khu nhà chật chội, đây không phải là cuộc sống tốt đẹp hơn mà Poon hay cha anh hình dung ra. Anh trai của anh cố gắng trấn an em mình rằng "Ít nhất, các sĩ quan Anh không đánh đập chúng ta."
Lim bỏ việc vào khoảng năm 1937/1938 và chuyển đến Hồng Kông để ghi danh vào học một lớp cơ khí. Sau sáu tháng, biển lại gọi tên anh. Người anh họ của Lim nói với anh về những điều kiện hàng hải đã được cải thiện và quan trọng nhất là lương đi biển đã cao hơn nhiều. Thêm vào đó, người Nhật đã sẵn sàng đánh chiếm Hồng Kông vào bất cứ lúc nào và Lim không muốn ởlại Hồng Kông khi điều đó xảy ra. Vì vậy, anh đã ký hợp đồng làm việc trên tàu SS Benlomond để rồi một lần nữa ra khơi, bắt đầu chuyến đi định mệnh của cuộc đời mình.
Một tấm ảnh chụp gia đình của Poon Lim.
SS Benlomond bắt đầu hành trình của mình tại Cape Town vào ngày 10 tháng 11 năm 1942 và băng qua Đại Tây Dương trên đường tới Suriname (thuộc địa trồng rừng của Hà Lan ở Nam Mỹ) trước khi đến New York. Benlomond được biết đến như là một "con tàu chở khách" không có lịch trình cố định và cũng không được phép nhập cảng. Đồng thời, nó cũng được trang bị vũ khí đầy đủ, nhưng do di chuyển quá chậm chạp mà nó lại trở thành một mục tiêu của bọn hải tặc.
Vào ngày 23 tháng 11, khoảng 11 giờ 30 phút, tàu của Lim trúng ngư lôi bởi một chiếc thuyền U-Boat của Đức quốc xã. Con tàu chìm nghỉm trong vòng hai phút; 56 người đã thiệt mạng, trong đó có 34 người Anh và 22 người Trung Quốc, chỉ có một người đàn ông duy nhất sống sót. Người đó chính là Poon Lim.
Trong cuộc oanh kích, Lim vẫn đủ bình tĩnh với lấy một chiếc áo phao cứu sinh rồi bơi từ con tàu chìm ra ngoài. Anh ta bị phát hiện trên mặt nước bởi tàu U-Boat của Đức Quốc xã, nhưng quân chữ thập ngoặc mặc kệ vì nghĩ rằng thế nào anh cũng sẽ chết trong vùng nước tối tăm và lạnh lẽo này thôi.
Poon Lim tìm được một chiếc bè bằng gỗ, vốn được dùng để cứu hộ và leo lên. Đó là một cái bè rộng khoảng 15 mét vuông, trên đó một vài hộp bánh quy và bìa cứng, pemmican (một loại thịt bò khô), sữa trứng viên nén, đường, đèn pin và thậm chí một ít sô cô la. Đây sẽ là nhà của Lim trong 133 ngày tiếp theo lênh đênh chốn biển khơi.
Chiếc bè của Poon Lim.
Ban đầu Lim nghĩ mình sẽ được giải cứu một cách nhanh chóng, vì vậy, anh chỉ phân chia thức ăn ra cho ba mươi ngày. Cuối cùng, Lim nhận ra không ai có thể tìm ra chiếc bè cứu sinh của mình trong những điều kiện nguy hiểm thời chiến. Anh nhanh chóng quyết định rằng mình sẽ phải tự giải quyết vấn đề của chính mình, xoay sở cho tới khi tìm được người cứu hộ.
Để sống sót, Lim đã tạo ra một cái bình hứng nước mưa từ một tấm thảm và áo khoác của mình. Lim cũng làm một cái móc câu cá bằng dây điện từ đèn pin và các cạnh rìa của hộp bánh bích quy. Còn mồi câu, ban đầu anh đã sử dụng chính các phần bánh của mình.
Ngoài việc câu cá, Lim cũng tìm ra cách để bắt được những con mòng biển một cách khá mưu mẹo. Lim lấy rong biển từ đáy bè, đắp và nhào nặn nó cho đến khi hỗn hợp trông giống như một cái tổ chim. Sau đó, anh để một con cá thối vào chiếc "tổ" kể trên. Chẳng bao lâu, một chim hải âu tham ăn nhào xuống và Lim bắt sống nó rồi làm khô thịt bằng nước biển để ăn dần.
Lim cũng đồng thời tập bơi loanh quanh chiếc bè cứu sinh của mình. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp và đầy hứa hẹn cho đến tháng thứ hai, khi một cơn bão ập tới gần như phá hủy bè của Lim. Anh vẫn sống sót và từ từ sửa chữa lại chiếc tàu, mặc dù mất đi nguồn cung cấp nước và thực phẩm đã khổ cực tích trữ bấy lâu nay.
Ngoài các cơn bão và khó khăn liên tục trong việc kiếm lương thực và nước uống, cá mập cũng là một vấn đề nan giải. Chúng bị thu hút bởi máu vương lại của những con cá mà Lim đã giết và phơi khô làm đồ ăn dần.
Những con cá mập thường bao quanh bè của Lim, thậm chí đôi khi còn tấn công. Lim đã tạo ra vũ khí sắc bén từ một cái đinh cạy ra từ sàn bè, sau đó dùng để tấn công cả những con cá mập cả gan nhao lên định làm thịt anh. Chiến thắng cả cá mập, Lim xử lý xác của chúng như đối với xác của những con mòng biển - rút cạn máu và phơi khô làm thực phẩm dự trữ.
Poon Lim khi được cứu thoát bởi những ngư dân Brazil.
Lim đã sống sót tốt đẹp trong 133 ngày liền. Trong 133 ngày đó, Lim đã suýt được giải cứu tới 3 lần - một lần khi anh ta được phát hiện bởi một tàu chở hàng đi qua - những người này đã phớt lờ anh ta. Lần thứ hai, Lim được phát hiện bởi các phi công Mỹ bay tuần tra biển. Họ thậm chí còn bay thấp xuống để điều tra, nhưng cuối cùng không có cuộc giải cứu nào được thực hiện. Lý do có lẽ là, ngay sau khi họ phát hiện ra Lim, một cơn bão đã xuất hiện và đẩy chiếc bè của Lim đến một nơi khác.
Lim thậm chí còn được phát hiện bởi một tàu ngầm của Đức, và may thay tàu này đã bỏ qua anh.
Cuộc chiến sinh tồn của Lim kết thúc khi anh được cứu thoát bởi những ngư dân Brazil vào ngày 05 tháng 4 năm 1943, cách bờ biển Brazil khoảng mười dặm. Ba ngày sau, họ đến Belem, Brazil, một thị trấn ở cửa sông Amazon.
Khi đến Belem, mặc dù tương đối khỏe mạnh, Lim vẫn phải trải qua tới bốn tuần tại bệnh viện địa phương. Khi anh được thả ra, lãnh sự quán Anh sắp xếp cho Lim tới Anh, nơi anh được vua George VI trao tặng Huân chương Đế quốc.
Hải quân Hoàng gia đã rất ấn tượng bởi kỹ năng sinh tồn và câu chuyện khó tin của Lim. Sau chiến tranh, Lim muốn di cư sang Hoa Kỳ và, bất chấp những khó khăn ban đầu do hạn ngạch nhập cư Trung Quốc, yêu cầu của anh đã được đáp ứng (điều này vẫn tồn tại ở Hoa Kỳ cho đến năm 1965). Cuối cùng Lim được phép nhập cư Hoa Kỳ nhờ một luật đặc biệt được viết bởi Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Walter Magnuson của Washington.
Poon Lim sống đến tuổi 72, qua đời vào năm 1991. Cho đến ngày nay, Lim vẫn là người giữ kỷ lục chính thức về việc sinh tồn trong một thời gian dài nhất giữa biển khơi. Vào năm 1943, Poon Lim đã hài hước nói rằng, "Tôi hy vọng không ai có thể phá vỡ kỷ lục đó." với mong muốn sẽ không ai còn phải lênh đênh trên biển như anh nữa!