Đừng quá bận tâm xã hội nói gì về chuyện kết hôn: Không có chuyện chúng ta làm được đúng, khi sai thời điểm

Linh Phan/ Design: Hoàng Anh, Theo Tổ Quốc 14:00 09/05/2020

Chúng ta sẽ phải đối phó với những kỳ vọng của gia đình và xã hội về những loại vai trò mà chúng ta “được cho là” phải đảm nhận ở một độ tuổi nhất định. Kết hôn, sinh con là một trong những vai trò đó. Nếu không sống theo những kỳ vọng này, cụ thể là trì hoãn kết hôn hoặc thậm chí không kết hôn, người ta

Trong những ngày gần đây, khi độ tuổi kết hôn trở thành một đề tài thu hút sự quan tâm và các ý kiến trái chiều, tôi nhớ lại 2 bài báo khoa học đọc trên Jounal of Family Psychology cách đây vài năm. Một nghiên cứu của Đại học Alberta được thực hiện trong 25 năm để đánh giá sự liên quan giữa độ tuổi kết hôn và mức độ trầm cảm ở tuổi trung niên. Một nghiên cứu của giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học gia đình là Nicholas H.Wolfinger về độ tuổi kết hôn phù hợp dẫn tới ít ly hôn nhất.

Tôi cho rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hôn nhân, không phải chỉ nằm ở độ tuổi. Khi chúng ta lớn lên, trải qua các cột mốc khác nhau trong cuộc sống, như là từ vị thành niên sang trưởng thành, chúng ta có nhiều vai trò mới cần đảm nhận. Chúng ta sẽ phải đối phó với những kỳ vọng của gia đình và xã hội về những loại vai trò mà chúng ta “được cho là” phải đảm nhận ở một độ tuổi nhất định. Kết hôn, sinh con là một trong những vai trò đó. Nếu không sống theo những kỳ vọng này, cụ thể là trì hoãn kết hôn hoặc thậm chí không kết hôn, người ta sẽ phải đối phó với sự từ chối của xã hội hoặc gia đình một cách khá khó chịu.

Cho dù sự không tán thành của xã hội và gia đình này có nhiều sự khác biệt giữa các nền văn hóa, nhưng có những cột mốc nhất định như “tam thập nhi lập” cũng khiến mang lại sự lo lắng hoặc cảm giác xấu hổ khi không hoàn thành được như những gì chúng ta được dạy (để tin rằng chúng ta nên hoàn thành lúc đó).

Kết hôn không nên vì trách nhiệm, cũng không phải là con đường

Thực tế là trong văn hóa phương Đông như ở Việt Nam, gia đình và xã hội vẫn quá coi trọng việc kết hôn ở người trẻ thay vì tìm con đường riêng của họ. Tôi nghĩ rằng thảm kịch của các cuộc hôn nhân trẻ đổ vỡ là khi vợ/chồng coi người còn lại là “con đường” của họ.

Đừng quá bận tâm xã hội nói gì về chuyện kết hôn: Không có chuyện chúng ta làm được đúng, khi sai thời điểm - Ảnh 1.

Tình yêu lãng mạn không có gì sai. Nhưng nó không phải là tất cả ý nghĩ của cuộc sống. Chồng hay vợ bạn không phải là “con đường” để bạn theo đuổi. Lãng mạn hóa hôn nhân và đối xử nó như một sứ mệnh của cuộc sống có thể phá hủy mọi thứ. Một số bạn trẻ kết hôn từ ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, hoặc đôi khi là lúc đang học đại học, rồi ưu tiên cho hôn nhân hơn mọi thứ khác. Đột nhiên, sự nghiệp, phát triển cá nhân phải thế chỗ cho việc họ làm mẹ làm vợ.

Hôn nhân không phải là tất cả. Tôi không có ý nói hôn nhân của bạn không quan trọng, hay sai lầm. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể có một tương lai tốt hơn nếu chúng ta không đặt hôn nhân lên quá cao. Hôn nhân thực ra cũng không phải dành cho tất cả mọi người. Có rất nhiều ông bố bà mẹ đơn thân đang sống vui vẻ trên thế giới này. Tập trung vào phát triển cá nhân và sự độc lập, với tôi mà nói, quan trọng rất nhiều để sống hạnh phúc hơn – dù là có kết hôn hay không.

Đừng quá bận tâm xã hội nói gì về chuyện kết hôn: Không có chuyện chúng ta làm được đúng, khi sai thời điểm - Ảnh 2.

Nghiên cứu khác của Nicholas H. Wolfinger cho thấy là mọi người nên kết hôn trong độ tuổi từ 28-32 nếu không muốn ly hôn (ít nhất là trong 5 năm đầu tiên). Đừng vội ghét tôi nếu bạn đang già hơn 32 tuổi và chưa kết hôn. Đây chỉ là số liệu thống kê. Sẽ không ai đổ lỗi cho bạn cả, mỗi người có lựa chọn và cuộc sống riêng. Còn nữa, nghiên cứu này còn cho thấy dư dả về vật chất và có bằng đại học sẽ làm giảm nguy cơ ly hôn, cũng như đính hôn trước khi chuyển tới ở cùng nhau và chờ đợi để có con sau kết hôn cũng giúp bạn kéo dài cuộc hôn nhân.

Muộn còn hơn sớm

Nghiên cứu của Đại học Alberta được thực hiện trong 25 năm. Cụ thể là bắt đầu từ 1985, gần 1000 học sinh trung học được tham gia khảo sát và tiếp tục được khảo sát vào các năm 19,20,22, 25, 32 và 43 tuổi. Theo thời gian, những người tham gia khảo sát cung cấp thông tin tới tình trạng hôn nhân, tuổi kết hôn lần đầu và tình trạng hôn nhân hiện tại. Họ cũng cung cấp thông tin về nhân khẩu học, trình độ học vấn, giới tính và tổng thu nhập ở tuổi 43. Sức khỏe chủ quan được đo bằng các câu hỏi khảo sát liên quan tới mức độ hạnh phúc, sự hiện diện của các triệu chứng trầm cảm, lòng tự trọng và sự thỏa mãn về cuộc sống. Khảo sát được thực hiện ở tuổi 18 và tới 43 để rồi so sánh trực tiếp.

Những người tham gia được xếp vào 3 loại: kết hôn sớm, đúng lúc và muộn. Đối với phụ nữ, kết hôn sớm là 23 tuổi (22%), đúng lúc là 23-27 (45%) hoặc muộn là sau 27 tuổi (33%). Đối với đàn ông, tuổi kết hôn sớm là 26 tuổi (29%), đúng lúc là 27-30 tuổi (38%) và muộn là sau 30 tuổi (33%). Kết quả cho thấy, những người kết hôn muộn hoặc đúng lúc ít có các báo cáo về triệu chứng trầm cảm ở tuổi trung niên. Những người có ghi nhận triệu chứng trầm cảm ở tuổi 18 có nhiều khả năng ly hôn sau này. Cùng với việc tốt nghiệp đại học, kết hôn muộn dự đoán mang lại thu nhập cao hơn ở độ tuổi trung niên, cũng như sự tự trọng cao hơn.

Đừng quá bận tâm xã hội nói gì về chuyện kết hôn: Không có chuyện chúng ta làm được đúng, khi sai thời điểm - Ảnh 3.

Theo nghiên cứu này, người kết hôn sớm phải đối mặt với thách thức lớn hơn do phải gánh vác trách nhiệm bắt đầu một gia đình ở độ tuổi tương đối sớm. Điều này dẫn tới khó khăn khi đạt mục tiêu giáo dục, sự nghiệp. Kết hôn sớm do áp lực từ gia đình hoặc “bác sĩ bảo cưới” cũng mang tới nhiều cảm xúc đau khổ hơn về sau.

Tôi nghĩ rằng một mối quan hệ được xác định bởi sự tin tưởng, lòng trắc ẩn, tình yêu và sự đồng hành. Hôn nhân cũng vậy. Vậy thì đâu nhất thiết cứ phải giới hạn nó với một độ tuổi nhất định? Độ tuổi sẽ chỉ ảnh hưởng với việc sinh nở (vì sau 33 tuổi thường dẫn tới nhiều nguy cơ về sức khỏe cho các bà mẹ và em bé).

Đừng quá bận tâm xã hội nói gì về chuyện độc thân. Cũng đừng kết hôn quá sớm trước 25 tuổi. Kinh nghiệm từ tôi mà ra: thà muộn còn hơn sớm.

Đừng quá bận tâm xã hội nói gì về chuyện kết hôn: Không có chuyện chúng ta làm được đúng, khi sai thời điểm - Ảnh 4.