Lịch sử toán học nhân loại sẽ được viết lại bởi phát hiện văn tự 3.700 tuổi của người Babylon này

Thiên Dung, Theo Trí Thức Trẻ 10:57 05/09/2017

Không phải người Hy Lạp, hóa ra người Babylon đã sở hữu những kiến thức sâu rộng về toán học, thậm chí là vượt cả thời đại từ hàng ngàn năm trước.

Dành cho những ai đã quên thì lượng giác chính là những bài tập về sin, cos xuất hiện trong sách giáo khoa lớp 10. Và với những ai đam mê toán học, có lẽ nhiều người cũng biết rằng người Hy Lạp chính là cha đẻ của lượng giác.

Nhưng có thật là như vậy không? Theo một phát hiện mới đây thì hóa ra, lịch sử toán học lượng giác chúng ta vẫn biết từ trước đến nay đã sai hoàn toàn.

Cụ thể hơn, một phiến đất sét có niên đại 3.700 năm đã chứng minh rằng người Babylon mới là những người phát minh ra lượng giác. Họ "ra tay" trước người Hy Lạp tận 1.500 năm, và thậm chí phương pháp tính toán của họ có thể thay đổi cả ngành toán học hiện đại!

Lịch sử toán học nhân loại sẽ được viết lại bởi phát hiện văn tự 3.700 tuổi của người Babylon này - Ảnh 1.

Văn bản đó có tên là Plimptom 322, được tìm thấy vào khoảng đầu thế kỉ thứ 20 ở phía Nam Iraq bởi nhà khảo cổ học người Mỹ - Edgar Banks, hình mẫu tạo nên nhân vật Indiana Jones.

Nhà thiên văn học người Hy Lạp Hipparchus sống ở những năm 120 TCN, đã được ca ngợi là cha đẻ của lượng giác nhờ phát minh ra bảng tính độ dài các cung tròn và dây cung tương ứng. 

Nhưng rõ ràng, Hipparchus phải gọi những người phát minh ra Plimptom 322 bằng "cụ", do Plimptom 322 xuất hiện trước Hipparchus hơn cả nghìn năm.

Lịch sử toán học nhân loại sẽ được viết lại bởi phát hiện văn tự 3.700 tuổi của người Babylon này - Ảnh 2.

Chúng ta thường lầm tưởng Hipparchus là cha đẻ của lượng giác

15 dòng trong bảng mô tả 15 bộ 3 số đo độ dài 3 cạnh của những tam giác vuông với xu hướng góc nghiêng giảm dần. Góc phía trên bên trái của bảng đã bị vỡ, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng Plimptom 322 ban đầu có 6 cột và 38 dòng.

Ý nghĩa thực sự của phiến đá này chỉ được biết đến gần đây, nhờ một nghiên cứu của trường ĐH New South Wales, Úc. Họ đã chứng minh đây là bảng lượng giác cổ xưa nhất, và cũng chính xác nhất thế giới. Có thể nó đã được các kiến trúc sư thời đó dùng để xây dựng đền đài, cung điện và kim tự tháp.

Lịch sử toán học nhân loại sẽ được viết lại bởi phát hiện văn tự 3.700 tuổi của người Babylon này - Ảnh 3.

Nó được ứng dụng trong xây dựng các công trình kiến trúc cổ đại

Điểm khác biệt duy nhất giữa lượng giác của người Babylon và của chúng ta chính là họ sử dụng hệ thập lục phân (hệ 60) thay vì hệ thập phân (hệ 10) như lượng giác hiện đại. 

Lý do cũng đơn giản thôi, 60 thì chia hết cho 3, và theo như những chuyên gia nghiên cứu, phương pháp tính này có thể cho kết quả chính xác hơn nhiều.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Plimpton 322 mô tả hình dáng của tam giác vuông bằng cách sử dụng lượng giác dựa trên tỷ lệ, chứ không phải số đo góc và cung tròn." – Theo Tiến sĩ Toán học và Thống kê Daniel Mansfield tại ĐH New South Wales.

Theo các chuyên gia, phát hiện này rất có khả năng được áp dụng thực tế trong lĩnh vực điều tra, đồ họa máy tính và giáo dục. Nó cung cấp cho chúng ta một phương pháp tính lượng giác đơn giản hơn và chính xác hơn nhiều so với kiến thức chúng ta đang học và áp dụng.

Nghiên cứu được đăng tải trên tờ Historia Mathematica.

Nguồn: Telegraph