Không ít bài báo gần đây nói rằng Lê Minh Sơn đã trở lại với nền âm nhạc Việt Nam, sau một thời gian dài “ẩn mình”. Vậy lần tái xuất này của mình, anh hứa hẹn sẽ mang lại điều gì mới mẻ?
Thật ra, tôi đã đi đâu đâu mà tái xuất. Tôi vẫn mải mê với nghiệp của mình. Nhưng người nhạc sĩ vốn luôn đứng sau ảnh đèn sân khấu nên thành thử ra mọi người nhầm tưởng tôi “ẩn mình” hay chăng? Thời gian này, tôi tham gia với nhiều vai trò hơn nên xuất hiện nhiều hơn thôi.
Mới đây, anh gây nên cơn bão dư luận với quan điểm “huấn luyện viên có văn hóa”. Nguồn cơn nào mà anh có thể đưa ra quan điểm dễ gây ồn ào như vậy?
Thật ra, văn hóa là một khái niệm rất rộng lớn. Chúng ta có văn hóa ăn, văn hóa uống, văn hóa yêu, văn hóa đời sống, văn hóa làm việc và văn hóa tư duy. Đối với mình, nếu bạn có một nền tảng văn hóa của một gia đình tốt, chưa chắc bạn đã là một người tốt. Nếu một người không có nền tảng gia đình tốt, khi đó họ sẽ phải có sự rèn luyện để vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và chính sự rèn luyện đó đã là văn hóa rồi.
Là một giảng viên trong suốt 22 năm liền, mình vẫn thường nói với các học trò rằng: những người làm nghề và những người muốn kiếm sống bằng nghề đấy thì luôn phải xem số đông họ đang quan tâm đến cái gì, có nhu cầu gì để mình đáp ứng cho số đông đó, để kiếm tiền, để phục vụ cuộc sống mưu sinh. Điều đó cũng tốt thôi, bởi họ sống được bằng nghề.
Nhưng bản thân nghệ thuật đã là văn hoá. Thế nên, đối với những người nghệ sĩ và với những người được giao cho sứ mệnh sáng tạo, hay là những huấn luyện viên đào tạo nghệ thuật, họ sẽ phải có nghĩa vụ đảm bảo tính văn hoá trong tác phẩm của họ. Đó là phong cách, đó là ngôn ngữ âm nhạc, là thái độ với các tác phẩm mà những kẻ sáng tạo đã được ông trời trao cho sứ mệnh như vậy. Vì vậy, các sản phẩm đó, dù dưới hình thức nào, nhất định phải có văn hóa, phải vị nghệ thuật trước nhất.
Được biết, Lê Minh Sơn vừa nhận lời làm trưởng ban giám khảo chương trình The Band by VinaPhone, một cuộc thi âm nhạc hoàn toàn dành cho các ban nhạc. Anh thấy điểm khác biệt giữa 1 gameshow và 1 cuộc thi là gì?
The Band by VinaPhone là một chương trình tuyệt vời. Ngày nay, chính điện thoại di động đã “làm hại” các ban nhạc. Bởi các ca sĩ ngày nay đi đâu cũng có beat nhạc để sẵn trong điện thoại, chỉ việc bật lên hát là xong. Nhưng như vậy, ca sĩ lại bị bơ vơ trên sân khấu. Tất nhiên đó là kiểu đánh nhanh thắng nhanh, để phục vụ nhu cầu mưu sinh… thì cũng rất cần thiết, tiện lợi.
Để làm nên một sản phẩm âm nhạc chất lượng, hình tượng một ca sĩ, hay hình ảnh một đêm diễn đáng nhớ thì không thể không nhắc đến ban nhạc. Những thập kỷ ngày xưa chúng ta đã có rất nhiều ban nhạc nổi tiếng, rất nhiều ban nhạc hay. Khi những thủ lĩnh của các ban nhạc đó đứng trước đời sống nghệ thuật Việt Nam, họ đều là những cánh chim đầu đàn.
Vậy có thể nói “The Band by VinaPhone” hứa hẹn sẽ là sản phẩm xứng đáng cho sự tái xuất của Lê Minh Sơn?
Và khi được ngồi vào vị trí trưởng ban giám khảo của cuộc chơi này, tôi hạnh phúc lắm. Vì ở đây tôi có một tiếng nói khác. Nếu như ở những vị trí giám khảo trước đây, mình đến chấm điểm, gửi cho BTC xong là coi như mình hết trách nhiệm. Lần này, ở The Band by VinaPhone, với vị trí này, tôi buộc phải cân đong đo đếm và thật sự lúc đó mình sẽ bùng nổ tất cả những gì thuộc về cá tính âm nhạc, sự sáng tạo trong âm nhạc. Tôi kì vọng cuộc thi này sẽ trở thành cái nôi đào tạo, nơi ra đời những ban nhạc như Bức Tường trước đây; thu hút các bạn trẻ từ những ngôi trường có bề dày về đào tạo âm nhạc cũng như các trường nổi tiếng với phong trào văn nghệ sinh viên.
Và bản thân, nói đến Lê Minh Sơn thì ơn trời, cho đến bây giờ con đường đi của mình vẫn rất đúng với tâm huyết của mình. Và những gì mình đạt được, cho đến ngày hôm nay, khiến mình cảm thấy rất nhiều niềm vui trong cuộc sống bởi con đường mình chọn là đúng đắn. Đó là sự sáng tạo, sự độc đáo, là những thứ mà không cá tính âm nhạc nào có thể bỏ phí. Và đó cũng là cảm xúc của tôi khi được giữ vị trí trưởng ban giám khảo của cuộc thi đáng chú ý này.