Mật ong từ lâu được ví như “vàng lỏng”, không chỉ ngọt lành mà còn giàu dưỡng chất. Nó cung cấp năng lượng nhanh, hỗ trợ tiêu hóa, làm dịu cổ họng và còn có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên. Nhưng chính vì giá trị cao, được yêu thích mà mật ong lại trở thành mục tiêu bị làm giả, pha tạp để thu lợi.
Mật ong giả không đơn thuần chỉ là pha thêm nước đường mà còn có thể chứa phẩm màu, hương liệu, hóa chất độc hại… Khi sử dụng chúng, không chỉ giá trị dinh dưỡng giảm mà còn tiềm ẩn mối nguy cho sức khỏe. Đặc biệt là với những người miễn dịch kém, có bệnh nền, trẻ em hay người cao tuổi - những đối tượng sức khỏe yếu nhưng lại hay cần dùng mật ong.
Để tránh rơi vào “ma trận” mật ong kém chất lượng, dưới đây là 6 mẹo đơn giản mà hiệu quả, giúp bạn dễ dàng phân biệt thật - giả. Một số mẹo thậm chí người bán cũng không muốn bạn biết!
Đây là mẹo đơn giản nhưng rất đáng tin cậy. Khi lắc nhẹ và lật ngược chai mật ong, hãy quan sát bọt khí và tốc độ di chuyển của mật. Mật ong thật thường có bọt nhỏ, mịn, nổi chậm và lâu tan, trong khi mật chảy xuống đặc sánh và chậm rãi. Ngược lại, mật ong giả hoặc pha loãng tạo bọt lớn, ít, nổi nhanh và dễ vỡ, chất mật thường loãng và chảy nhanh như nước. Quan sát kỹ chi tiết này có thể giúp bạn phát hiện mật ong kém chất lượng ngay từ lần kiểm tra đầu tiên.
Mật ong thật có màu sắc khác nhau tùy theo loại hoa ong hút mật - từ vàng nhạt, vàng hổ phách đến nâu đậm. Điều quan trọng là độ trong tự nhiên và ánh bóng nhẹ khi soi dưới ánh sáng. Mật ong giả thường có màu quá tươi, hơi đục hoặc trong vắt không tự nhiên. Một số còn có hiện tượng kết tủa sớm, mất màu hoặc tách lớp sau một thời gian ngắn. Đây là dấu hiệu mật ong có lẫn nước đường hoặc chất phụ gia, hóa học và không nên dùng.
Để thực hiện mẹo này, đơn giản nhất là lấy một chiếc đũa sạch, nhúng vào mật ong rồi rút ra từ từ. Mật ong nguyên chất sẽ kéo thành sợi dài, không đứt đoạn, khi nhỏ giọt thì tụ lại thành hình tròn rõ ràng. Mật ong pha thường loãng, chảy nhanh, khó kéo sợi và dễ đứt quãng. Mật ong thật cũng thường đặc hơn, bảo quản tốt có thể để được lâu mà không bị biến chất.
Bạn có thể kiểm tra độ loãng của mật ong đơn giản với nước hoặc giấy ăn. Cách làm là nhỏ vài giọt mật ong vào cốc nước lạnh, nếu là mật ong thật, nó sẽ chìm xuống đáy và giữ nguyên khối, trong khi mật ong pha sẽ loang nhanh ra nước. Tiếp theo, chấm mật ong lên giấy ăn khô. mật ong nguyên chất có độ đặc cao nên không thấm lan rộng, còn mật pha loãng hay có hóa chất sẽ loang nhanh như nước đường.
Mật ong thật thường có mùi thơm dịu tự nhiên, mang hương đặc trưng của loại hoa mà ong lấy mật, mùi thơm này tinh tế và dễ bay hơi. Trong khi đó, mật ong giả thường có mùi hắc, nồng, ngọt gắt hoặc mùi nhân tạo, dễ gây khó chịu. Nếu mở nắp mật ong mà bạn cảm thấy mùi lạ, thơm nồng bất thường hoặc gần như không có mùi gì, hãy cẩn trọng. Đây có thể là mật ong đã pha hương liệu hoặc qua xử lý công nghiệp.
Bạn có thể dùng tăm hay diêm, nhưng tốt hơn là dụng cụ bằng inox để hơ mật ong qua lửa. Nếu là mật ong nguyên chất, nó chỉ nóng lên, không cháy bùng hay phát ra mùi lạ, vẫn giữ mùi thơm tự nhiên. Ngược lại, mật ong pha hóa chất, siro công nghiệp hoặc chất tạo màu có thể bắt lửa, phát ra tiếng xèo xèo và tỏa mùi khét khó chịu. Đây không chỉ là dấu hiệu hàng giả mà còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nếu dùng lâu dài, do dư lượng phụ gia hoặc tạp chất không rõ nguồn gốc.
Cách này rất đơn giản nhưng lại hữu ích trong mọi trường hợp đi mua mật ong. Mật ong thật không thể “rẻ như cho”. Quy trình thu mật đòi hỏi công sức lớn từ cả đàn ong và người nuôi, nên mức giá quá thấp là điều đáng ngờ. Mật ong tự nhiên hoặc rừng thường có giá cao hơn, đặc biệt nếu không có thêm phụ gia. Nếu một chai mật ong 1 lít được rao bán với giá chỉ vài chục nghìn, gần như chắc chắn bạn đang nhìn vào sản phẩm đã pha hoặc là hàng công nghiệp kém chất lượng.
Nguồn và ảnh: Sohu, Nutrients