Trung tâm làng gốm Thanh Hà (Ảnh: B.D)
Phó chủ tịch UBND phường Thanh Hà - ông Trương Hướng cho biết hiện tại, các kế hoạch tổ chức lễ đã hoàn tất. Dịp giỗ tổ nghề gốm năm nay đặc biệt hơn khi lượng khách du lịch đã quay trở lại, nhiều cơ sở gốm đã đỏ lửa tái hoạt động.
Giỗ tổ nghề gốm được tổ chức hằng năm vào ngày 10/7 âm lịch. Truyền thống này được bà con Thanh Hà duy trì hàng trăm năm qua, không chỉ là một nghi thức tín ngưỡng tinh thần mà còn là một hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch tại Hội An.
Năm nay lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 7/8. Trước ngày lễ chính, cộng đồng cư dân sẽ tổ chức cúng lễ túc, trưng bày sản phẩm gốm, thi sơ khảo chuốt gốm và nặn con thổi, hô hát bài chòi.
Lễ chính sẽ được tổ chức vào ngày 7/8. Theo kế hoạch, từ sáng sớm cộng đồng cư dân tổ chức lễ rước kiệu tổ nghề gốm xuất phát từ miếu Lùm Bà Dàng về khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu (phường Thanh Hà, cách phố cổ Hội An 4km).
Nung gốm thủ công tại làng gốm Thanh Hà (Ảnh: B.D)
Lễ chính diễn ra trong không khí trang nghiêm thành kính với phần tế lễ nhằm tạ ơn các bậc tiền hiền đã tạo dựng làng nghề và phù hộ cho dân làng bình an, làm ăn phát đạt. Trong ngày lễ chính, bên cạnh phần lễ thì nhiều hoạt động văn hóa - thể thao cũng được tổ chức như đua ghe, thi chuốt gốm và nặn con thổi, thi nấu cơm niêu, kéo co...
Làng gốm Thanh Hà có tuổi đời trên 500 năm, khởi phát từ những người di cư vào Hội An và mang theo nghề làm gốm. Đây là một trong những làng nghề cổ nằm trong vệt các làng nghề nổi danh một thời dọc hạ nguồn sông Thu Bồn từ Điện Bàn về phố cổ Hội An.
Làng gốm Thanh Hà hiện nay vừa làm gốm vừa làm du lịch nên đời sống người dân khá hơn nhiều so với trước đây (Ảnh: B.D)
Gốm Thanh Hà từng đối diện nguy cơ thất truyền, có lúc chỉ còn dưới 10 cơ sở còn hoạt động do sức ép cạnh tranh thị trường đồ dùng vật liệu hiện đại. Nhờ nỗ lực của cộng đồng và chính quyền địa phương, nay trở thành một địa điểm du lịch kết hợp sản xuất đồ gốm.
Gốm Thanh Hà được làm từ đất sét, nhào nặn, chế tác hoàn toàn thủ công nên tạo ra chất gốm thô mộc đặc trưng.
Hiện nay làng gốm này có 32 cơ sở đỏ lửa. Cao điểm, mỗi năm làng gốm này thu hút hơn nửa triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và là một trong các địa điểm du lịch được biết đến nhiều nhất tại miền Trung.