Lần đầu ghi lại được khoảnh khắc một thiên thạch rơi xuống Trái Đất ngay trước thềm cửa, kèm tiếng như đạn nổ, suýt nữa thì trúng đầu người

Thanh Long, Theo thanhnienviet.vn 00:07 19/01/2025
Chia sẻ

Mỗi ngày, có 48,5 tấn thiên thạch đi vào khí quyển Trái Đất, nhưng chỉ có 95 gam rơi xuống cửa nhà của loài người.

Một "hố" thiên thạch có đường kính 2 cm trên thềm cửa của một ngôi nhà ở Canada đã đi vào lịch sử, khi trở thành sự kiện thiên thạch va vào Trái Đất đầu tiên được ghi lại trong thời gian thực - bằng video với cả hình lẫn tiếng động rõ ràng mà bạn có thể nghe thấy như tiếng đạn nổ:

Video này sẽ đi vào lịch sử của nhân loại, là sự kiện thiên thạch va vào Trái Đất đầu tiên được ghi lại với cả âm thanh và hình ảnh cùng lúc

Video này được camera chuông cửa tại một ngôi nhà trên Đảo Hoàng tử Edward ghi lại vào tháng 7 năm 2024, nhưng tới bây giờ mới được công bố, do các nhà khoa học cần hoàn tất công tác xác minh nó đúng là một thiên thạch rơi xuống từ vũ trụ, chứ không phải một viên sỏi bắn ra từ ná cao su của một cậu bé hàng xóm nào đó.

"Nó hoàn toàn có thể xé tôi ra làm đôi"

Chủ nhân của ngôi nhà là cặp vợ chồng Joe Velaidum và Laura Kelly cho biết, cả hai đang dắt chó đi dạo và trở về thì thấy dưới thềm cửa nhà mình là một đống vụn đá màu xám như xỉ tro.

"Chúng tôi đã giật mình thấy hành lang ngập tràn các mảnh vụn. Mấy viên đá tung tóe rải rác khắp nơi. Lúc đầu, chúng tôi cũng không biết nó là thứ gì", Velaidum nói. Trên thực tế, anh đã thoáng nghĩ đó là một thứ gì đó rơi ra khỏi mái nhà, rồi bắt tay ngay vào việc dọn dẹp đống hỗn độn.

Lần đầu ghi lại được khoảnh khắc một thiên thạch rơi xuống Trái Đất ngay trước thềm cửa, kèm tiếng như đạn nổ, suýt nữa thì trúng đầu người- Ảnh 1.

Hiện trường vụ thiên thạch rơi có một không hai được ghi lại.

Thế nhưng, sau khi bố vợ của Velaidum là Kelly sống ở gần đó chạy sang và nói rằng họ vừa nghe thấy một tiếng nổ lớn ở nhà con rể mình, Velaidum mới xem lại video được ghi lại từ chiếc camera ở chuông cửa nhà mình.

Đến bấy giờ anh mới toát mồ hôi hột khi nghĩ đó có thể là một thiên thạch rơi xuống từ bầu trời.

"Nó đã rơi xuống đất với lực cực mạnh. Chỉ vài phút trước đó, tôi vẫn đang đứng ở đúng vị trí đó. Nếu tôi đứng đó thêm một hoặc hai phút nữa thôi, chắc chắn tôi đã bị viên thiên thạch này rơi trúng và có thể tử vong", anh nói. "Nó hoàn toàn có thể xé tôi ra làm đôi".

Video sẽ đi vào lịch sử

Sau phút bàng hoàng ấy, Velaidum quyết định tìm lại các mảnh vụn mà anh đã hất vào bụi cỏ rồi báo cáo sự việc này với Bộ phận Giám sát Thiên thạch của Đại học Alberta, nơi đang vận hành một hệ thống thu thập cá sự kiện thiên thạch rơi ở Canada.

Tiếp nhận vụ việc là giáo sư Chris Herd, một nhà địa chất học, người phụ trách Bộ sưu tập thiên thạch ở trường đại học. Với kinh nghiệm hàng chục năm nghiên cứu thiên thạch, giáo sư Herd chỉ cần xem qua video và ảnh chụp hiện trường của Velaidum là đủ để biết đó thực sự là một vụ va chạm đi vào lịch sử.

"Đây là thiên thạch đầu tiên và duy nhất đến từ Đảo Hoàng tử Edward", giáo sư Herd cho biết. Nhưng ngay cả trên toàn Canada và thậm chí là toàn thế giới, chưa từng có sự kiện thiên thạch va chạm với Trái Đất nào được ghi lại rõ ràng và cụ thể với cả âm thanh và tiếng động như thế này.

Lần đầu ghi lại được khoảnh khắc một thiên thạch rơi xuống Trái Đất ngay trước thềm cửa, kèm tiếng như đạn nổ, suýt nữa thì trúng đầu người- Ảnh 2.

Chiếc hố mà thiên thạch đã để lại trên thềm cửa nhà Velaidum là Kelly.

Trong thời đại phổ biến của camera an ninh, máy ảnh cầm tay và điện thoại di động, bạn có thể đã thấy đâu đó một video ghi lại cảnh thiên thạch lao vút qua bầu trời, rơi xuống đâu đó nhưng không đi kèm với tiếng động của vụ va chạm.

"Tôi nghe nói có những lần âm thanh của vụ va chạm đã được ghi lại, nhưng nó không thể giống như video này: Bạn nhìn thấy mảnh thiên thạch chạm vào bề mặt Trái Đất, vỡ tan và bạn nghe thấy âm thanh của nó cùng một lúc", giáo sư Herd khẳng định.

"Chưa từng có thiên thạch nào khác rơi xuống được ghi nhận như thế này, hoàn chỉnh với âm thanh".

48,5 tấn thiên thạch đi vào khí quyển Trái Đất mỗi ngày, chỉ có 95 gam rơi xuống cửa nhà của loài người

Với tính chất đặc biệt của sự kiện, chỉ 10 ngày sau vụ va chạm, giáo sư Herd đã tìm tới nhà của Velaidum và Kelly ở Đảo Hoàng tử Edward để tận mắt xem xét hiện trường. Khi nhìn vào chiếc "hố" có đường kính khoảng 2 cm trước thềm nhà của Velaidum, giáo sư Herd ước tính mảnh thiên thạch phải có kích thước to bằng một quả bóng tennis.

Ông cho biết các thiên thạch thường đi vào khí quyển của Trái Đất với vận tốc khoảng 60.000 km/h và giảm dần xuống còn 200 km/h khi chạm đất. Trước đó khi ma sát với không khí, chúng thường sẽ bốc cháy.

Chỉ có một số ít mảnh nhỏ của thiên thạch chưa cháy hết có khả năng rơi xuống mặt đất, mà tới 71% xác suất là chúng sẽ rơi xuống đại dương, bởi tính theo diện tích thì 71% Trái Đất được bao phủ bởi nước.

Lần đầu ghi lại được khoảnh khắc một thiên thạch rơi xuống Trái Đất ngay trước thềm cửa, kèm tiếng như đạn nổ, suýt nữa thì trúng đầu người- Ảnh 3.

Giáo sư Chris Herd, nhà địa chất học phụ trách Bộ sưu tập thiên thạch ở trường đại học Alberta đang cầm trên tay mảnh vụn thu thập được từ sự kiện.

Mảnh thiên thạch rơi xuống thềm nhà Velaidum thực sự rất cá biệt, vì không phải toàn bộ mặt đất còn lại của Trái Đất đều được bao phủ bởi nhà cửa của con người. Tới 97% diện tích đất liền không có nhà cửa. Và trong số 3% còn lại, không phải cửa nhà nào cũng được gắn camera.

Do đó, mặc dù giáo sư Herd cho biết mỗi ngày có tới 48,5 tấn thiên thạch đi vào bầu khí quyển của Trái Đất, phải cho tới tận bây giờ, chúng ta mới có được video đầu tiên ghi lại khoảnh khắc một thiên thạch va đập trước thềm nhà.

Toàn bộ mảnh số mảnh vụn mà Velaidum thu thập lại được từ vụ va chạm chỉ nặng vỏn vẹn 95 gram.

Đến từ vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc

Phân tích mẫu vật thu thập được, giáo sư Herd cho biết thiên thạch Charlottetown, được đặt tên theo thị trấn nơi nó rơi xuống, có thành phần chủ yếu là khoáng chất phi kim như silicat, olivin và pyroxen.

Đây là những khoáng chất hình thành trong thời kỳ đầu của Hệ Mặt Trời và gần như không bị biển đổi kể tử đó. Chúng không bị nung nóng đến mức tan chảy cũng không bị biến đổi bởi quá trình phong hóa, giống như các khoáng chất dưới bề mặt Trái Đất.

Những thiên thạch khoáng này chiếm tới 90% các thiên thạch rơi xuống Trái Đất được tìm thấy. "Nó có thể đã đến từ vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, vì vậy, thiên thạch này đã trải qua một chặng đường dài", giáo sư Herd nhận định.

Mặc dù không phải hiếm, thiên thạch Charlottetown vẫn có thể tiết lộ cho chúng ta biết nhiều thông tin, ví dụ như các loại bụi có trong thời kỳ sơ khai của Hệ Mặt Trời, khi các hành tinh bao gồm cả Trái Đất của chúng ta vẫn đang hình thành từ những gì còn sót lại của đám mây bụi và khí từ vụ nổ Big Bang của vũ trụ.

Giáo sư Herd đã mang những mảnh vụn còn sót lại của thiên thạch Charlottetown về đặt vào bộ sưu tập của ông ở Đại học Alberta, cùng với một bản sao video và những tấm ảnh mà Velaidum chụp được.

Lần đầu ghi lại được khoảnh khắc một thiên thạch rơi xuống Trái Đất ngay trước thềm cửa, kèm tiếng như đạn nổ, suýt nữa thì trúng đầu người- Ảnh 4.

Trong trường hợp bạn cảm thấy ghen tị với một người đàn ông ngẫu nhiên đi vào lịch sử, chỉ vì một thiên thạch đã rơi xuống trước cửa nhà anh ấy, trong một xác suất vô cùng nhỏ, bạn có thể tự an ủi mình rằng ngay lúc này, cũng đang có những mảnh bụi vũ trụ từ thuở sơ khai của vạn vật rơi xuống và lắng đọng trước thềm cửa nhà bạn.

Những mảnh bụi này rơi xuống Trái Đất mọi lúc, mọi nơi, mặc dù chúng thường bị lẫn vào với bụi ô nhiễm mà loài người tạo ra trên hành tinh của mình. Tin tốt là nếu chúng quá nhỏ, chúng sẽ không thể gây nguy hiểm, ít nhất là với cái đầu của bạn.

Velaidum cho biết sau lần thiên thạch rơi xuống thềm cửa nhà anh, mỗi khi ra ngoài, anh đều phải thận trọng nhìn lên bầu trời một lần. Phải mất một thời gian dài sau đó thì sang chấn tâm lý ấy mới dần dần biến mất. Và đó cũng là khoảnh khắc mà Velaidum ngẫm ra được một điều:

"Khi chúng ta tự lấp đầy cuộc sống bằng cái tôi quá lớn của mình, chúng ta thường tự cho mình là người quan trọng. Nhưng đứng trước những sự kiện mang tầm vũ trụ như thế này thì cái tôi nhỏ bé của chúng ta sẽ bị lu mờ. Thiên thạch này chỉ là một mảnh nhỏ của toàn thể vũ trụ, nhưng nó đã khiến tôi như được khai mở".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày